“Mọi thông tin, dữ liệu đều đã được tổng hợp. Các vấn đề, luận điểm, tranh cãi cũng đã lắng xuống hoặc được làm sáng tỏ. Giờ đây, tất cả mọi người trong phòng họp đều quay lại, hướng ánh mắt về phía bạn – CEO của công ty và chờ đợi quyết định được đưa ra. “
Phải đối mặt với việc đưa ra những quyết định khó khăn có lẽ đã là bối cảnh quá đỗi quen thuộc với những nhà lãnh đạo. Nói chúng khó khăn, vì trên thực tế, ai ai cũng có khả năng đưa ra được quyết định. Vấn đề nằm ở chỗ, quyết định của các cấp lãnh đạo thường liên quan tới những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn, đôi khi can hệ trực tiếp đến thành bại của cả một tổ chức.
Bởi vậy, họ không những phải đưa ra quyết định, mà quyết định của họ còn phải thật đúng đắn, hạn chế được tối đa những rủi ro có thể xảy đến với doanh nghiệp. Hiểu được vấn đề này, Sir Andrew Likierman, học giả của chuyên trang HBR, đồng thời là cựu hiệu trưởng của trường đại học kinh doanh London, đã dành thời gian nghiên cứu hòng tìm ra lời giải cho câu hỏi: “Làm thế nào để nhà lãnh đạo có thể đưa ra quyết định chính xác?”
Sau hàng trăm buổi gặp gỡ với không ít CEO xuất chúng trên toàn thế giới, ông đã tổng hợp và đúc kết được câu trả lời trong bài báo mới nhất của mình. Không để các bạn chờ đợi lâu, Base Resources sẽ lược dịch và bật mí 5 yếu tố giúp bạn đưa ra quyết định thành công của Sir Andrew Likierman ngay trong bài viết dưới đây.
1. Hãy chọn cách tiếp nhận thông tin, dữ liệu đúng đắn
Để đưa ra được một quyết định đúng đắn, nhà lãnh đạo phải có khả năng chuyển hóa những thông tin mình thu nhận được thành kiến thức thực tiễn, sau đó dựa vào chúng để tiến hành cân nhắc. Nhận định này tuy có vẻ quá rõ ràng và sao rỗng, nhưng ý nghĩa thực sự của chúng lại đánh vào một vấn đề vô cùng mới mẻ: cách thức các nhà lãnh đạo đang tiếp cận và thu nhận thông tin.
Trên thực tế, rất ít người có cách tiếp thu thông tin đúng đắn khi đã có vai vế của một nhà lãnh đạo.
Đối với dạng thông tin truyền miệng, do cái tôi và sự tự tin quá lớn của mình, các nhà lãnh đạo thường chọn cách lắng nghe những thông tin mình muốn nghe, đồng thời bỏ ngoài tai những số liệu trái chiều. Hệ quả là, họ sẽ dần bỏ lỡ nhiều dữ kiện quan trọng, thứ có thể trực tiếp ảnh hưởng đến tính đúng đắn then chốt của quyết định được đưa ra.
Do vậy, việc chế ngự được bản ngã kiêu ngạo của mình để chú tâm lắng nghe, chắc chắn sẽ là điều đầu tiên các bạn cần lưu tâm nếu muốn đưa ra được những quyết định tuyệt vời. John Buchanan, người trong suốt 40 năm giữ các vị trí hàng đầu tại các tập đoàn như Vodafone, Alliance hay Smith & Nephew, là một nhân vật minh chứng rõ nét nhất cho điều này.
Không chỉ dành thời gian để tiếp nhận tất cả những thông tin, dù đúng hay sai, Buchanan còn là một con người có khao khát lắng nghe mãnh liệt, khi ông luôn cố gắng đặt ra thật nhiều câu hỏi để khai thác quan điểm của tập thể xung quanh. Chính vì vậy, quyết định được ông đưa ra luôn là tổng hòa của những ý kiến khách quan và sâu rộng nhất, đảm bảo có thế giảm thiểu được tối đa tính rủi ro.
Tình trạng quá tải thông tin, với những dữ liệu dạng văn bản, cũng là một vấn nạn không thể không nhắc tới. Chăm chú đọc cẩn thận những bản kế hoạch họp hành hàng trăm trang ư? Không, chẳng có vị giám đốc nào rảnh rang đến vậy cả. Chính vì vậy, họ chọn cách đọc lướt, tìm cách gói gọn những luận điểm dài lê thê lại thành một file nén thông tin nhỏ xíu để ghi nhớ trong đầu. Nhưng con người thì rõ ràng không phải máy móc, nên việc cóp nhật thông tin manh mún này của họ chắc chắn sẽ xảy ra thiếu sót.
Phương pháp tiếp cận thông tin sai lầm của nhiều nhà quản lý
Để hạn chế tình trạng này, các tập đoàn, tổ chức lớn như Amazon và Ngân hàng Quốc gia Anh đã đặt ra một điều luật bất thành văn trong nội bộ: Chỉ được trình bày trong tối đa 6 trang, dạng văn bản kế hoạch cuộc họp phải được chú trọng về mặt chất lượng hơn số lượng!
Nếu không có quyền hạn chế số lượng văn bản như trên, cách tốt nhất để bạn có thể đương đầu với những mớ tài liệu ngộp thở là lựa chọn đúng nội dung cần tiếp cận. Tuyệt nhiên không phải những mục tóm tắt ý chính, thứ bạn cần quan tâm nhất là những luận điểm đề cập tới vấn đề và cách giải quyết trong tài liệu. Tìm kiếm, đọc và xử lý những thông tin này sẽ có ích hơn cả trong việc đưa ra quyết định đúng đắn.
Ngoài ra, không chỉ với do cách tiếp cận, mà chính bản thân thông tin cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến quyết định của các nhà quản lý. Trong thời đại mà chất lượng thông tin đang trở nên xuống cấp hơn bao giờ hết, “fake news” lan tràn khắp mọi nơi, việc chắt lọc thông tin để thu nhận cũng là một bài toán cần phải giải quyết. Tốt nhất, trước khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào, hãy cẩn thận đối chiếu chúng lại với các tài liệu, nguồn tham khảo và số liệu để đảm bảo chúng thực sự đáng tin cậy.
2. Khuyến khích những ý kiến đóng góp đa chiều
Nhà lãnh đạo, phải chăng luôn đơn độc khi đưa ra các quyết định của mình?
Không không, chẳng ai làm vậy trong thời điểm này nữa. Nhà lãnh đạo, dù tài giỏi đến mấy thì cũng không thể “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” hết được. Họ vẫn cần nhờ cậy đến những nhân lực có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp khi phải cân nhắc tới một vấn đề ngoài phạm vi hiểu biết.
Mấu chốt ở đây là, phải lựa chọn người cố vấn như thế nào để hỗ trợ việc đưa ra quyết định chính xác nhất? Tập hợp những người ủng hộ quan điểm của mình, hay các cá nhân có ý kiến đa chiều, thậm chí là phản biện lại góc nhìn của bạn?
Nếu bạn lựa chọn phương án thứ nhất, xin chúc mừng, bạn đã quay vào ô mất lượt… Việc xây dựng những bè phái ủng hộ quan điểm một chiều của các nhà lãnh đạo thực tế chỉ đem lại những quyết định vô cùng bất lợi.
Hãy thử nhìn vào trường hợp của startup công nghệ thử máu Theranos và nữ CEO Elizabeth Holmes. Thay vì hoạt động với sự minh bạch, ban giám đốc công ty lại quyết định lừa dối tất cả khách hàng bằng thứ công nghệ “ma” không hề tồn tại. Tất cả những nhân viên phản đối chiến lược này sẽ ngay lập tức bị sa thải, số đồng thuận thì ngược lại, có những bước thăng tiến như phi mã.
Theranos nhanh chóng sụp đổ vì sự dối trá của mình, đội ngũ chóp bu thì vướng vào vòng lao lý với những cáo buộc về việc gian lận. Kết quả này có lẽ không quá bất ngờ, khi ảo vọng làm giàu đã khiến ban lãnh đạo công ty mờ mắt, trong khi đó, những người cố khuyên ngăn họ thì lại không được trọng dụng.
Qua đó, khi lựa chọn người cố vấn, hãy tìm kiếm những cá nhân có quan điểm mới mẻ, thậm chí là đi ngược với suy nghĩ thông thường của bạn. Đừng cho rằng việc nhân viên đưa ra ý kiến trái chiều là một hình thức họ phản kháng lại quyền lực của cấp trên. Hãy nghĩ đến những mục tiêu và lợi ích sâu xa hơn: Tìm cái sai, cái thiếu sót trong quan điểm của mình từ những lời góp ý, sau đó sửa chữa, cải thiện để cho ra đời những quyết định đúng đắn hơn.
Chọn lựa đội ngũ cố vấn phù hợp cũng là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định chính xác
Jack Ma, ông trùm của đế chế Alibaba, chính là người hiểu rõ điều này hơn ai hết. Nhận thức được mức độ sử dụng công nghệ hạn hẹp của mình, thay vì cố chấp phát triển công ty theo lối mòn, ông đã không hề ngần ngại nhún nhường và chiêu mộ ngay John Wu, lập trình viên hàng đầu của đối thủ Yahoo về làm trợ thủ đắc lực cho mình.
Như ông chia sẻ: ”Alibaba là một công ty hàng đầu, vậy nên chúng tôi cũng cần những công nghệ hàng đầu. Khi John đến, tôi không lo ngại gì cả, thậm chí đã có thể ngủ ngon giấc mỗi đêm.”
3. Cẩn trọng trong việc đưa ra quyết định dựa vào kinh nghiệm
Ngoài dữ liệu và quan điểm, ý kiến đóng góp, các nhà lãnh đạo cũng nên dựa vào kinh nghiệm bản thân tích lũy được mỗi khi phải đưa ra một quyết định quan trọng. Khi đã kinh qua những trải nghiệm công việc tương tự trong quá khứ, họ sẽ có khả năng dự đoán và đối mặt với những thách thức ở hiện tại hợp lý hơn.
Như Mohamed Alabbar, chủ tịch tập đoàn Emaar Properties và là một trong những doanh nhân thành công nhất Trung Đông chia sẻ: Nếu không nhờ bài học từ về việc đầu tư bất động sản sai lầm tại Singapore năm 1991, ông đã chẳng có được những thành công như ngày hôm nay. Qua thất bại đầu đời, ông tích lũy được kinh nghiệm xương máu để cẩn trọng lèo lái tập đoàn của mình, biến nó trở thành một đế chế bất động sản ở Dubai khi sở hữu tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa.
Ưu điểm khi đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm là có thật, nhưng nó cũng có những hạn chế rất lớn. Đó khi nền tảng kinh nghiệm của các nhà lãnh đạo bị bó gọn trong một phạm vi nhất định. Giả dụ như, nếu công ty bạn đang muốn ra mắt sản phẩm tại thị trường Châu Âu, thì rõ ràng những kinh nghiệm phân phối sản phẩm trong nước của bạn sẽ hoàn toàn không có giá trị. Nếu cố chấp lấy chúng làm kênh tham khảo, chắc chắn bạn sẽ nhận quả đắng trong tương lai.
Thêm một nhược điểm nữa của việc có kinh nghiệm dày dạn, là các nhà lãnh đạo đôi khi sẽ trở nên quá cố chấp, tung ra các quyết định cảm tính, đi theo lối mòn xưa cũ. Không có gì tồi tệ hơn việc đánh giá thấp tốc độ biến đổi của bối cảnh kinh doanh trong thời đại công nghệ hiện nay. Và những quyết định có phần quá quen thuộc đôi khi chẳng mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, thậm chí có thể kéo theo những hệ lụy xấu cho tổ chức.
Nhà lãnh đạo cần cẩn trọng khi đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm
Vậy nên, trước khi sử dụng nền tảng kinh nghiệm của mình làm kênh tham chiếu để đưa ra quyết định, bạn phải đánh giá lại chúng thật kỹ lưỡng. Hãy tự đặt và trả lời cho mình những câu hỏi sau:
- Trải nghiệm công việc, ra quyết định trước đây của bạn thành công hay thất bại? Nếu thành công thì đâu là điều khiến chúng đạt được kết quả này, và ngược lại.
- Bối cảnh ra quyết định trước đây và hiện tại có sự thay đổi gì không?
- Kinh nghiệm trước đây của bạn có phạm vi, tính chất phù hợp với bối cảnh hiện tại không? Khía cạnh nào bạn có thể áp dụng được và ngược lại.
Nếu lo sợ mình sẽ trả lời những câu hỏi trên quá cảm tính, bạn nên nhờ cậy đến sự cố vấn của những cá nhân có năng lực và góc nhìn khách quan nhất.
Trong trường hợp, bạn mới nắm quyền điều hành và còn non nớt về kinh nghiệm xử lý vấn đề, hãy cố gắng trải nghiệm các công việc thực tế nhiều nhất có thể để mở rộng vốn hiểu biết. Không nhất thiết phải bó gọn trong lĩnh vực làm việc hiện tại, bạn hoàn toàn nên “nhúng tay” thêm vào các “địa hạt” làm việc khác. Xu hướng chung của doanh nghiệp hiện nay là cộng tác liên chức năng, nên những kinh nghiệm đa dạng luôn luôn có đất để dụng võ trong dài hạn.
4. Xác định và hóa giải những thành kiến cá nhân sai lầm
Một trong những bài toán bạn cần phải giải quyết nếu muốn đưa ra quyết định đúng đắn là vượt qua được các thành kiến sai lầm của bản thân. Thường thì các thành kiến này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cách bạn xử lý thông tin, học hỏi kinh nghiệm và lựa chọn cố vấn, qua đó, vô hình chung làm mất đi tính chính xác của quyết định.
Tuy nhiên, hiểu được bài toán là một chuyện, giải quyết được nó hay không là một vấn đề hoàn toàn khác. Theo các nghiên cứu về tâm lý và kinh tế học hành vi, không những không thuyên giảm, mà vài năm trở lại đây, xu hướng nhà lãnh đạo để bản thân bị chi phối bởi các thành kiến nhận thức cá nhân dường như còn đang leo thang. Hệ quả là, chúng đang hủy hoại những quyết định quan trọng ngay từ trong giai đoạn thai nghén.
Tập đoàn năng lượng hàng đầu Đức, RWE chính là ví dụ cảnh báo cho những bộ máy lãnh đạo vẫn còn để thành kiến cá nhân chi phối các quyết định của mình.
Năm 2017, CFO của tập đoàn đã tiết lộ, họ đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng khi đầu tư tới 10 tỷ $ để đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất năng lượng truyền thống trong trước đó 5 năm. Với bối cảnh cả thế giới đang hướng tới việc sử dụng năng lượng sạch, số nhà máy của RWE ngay lập tức không còn chỗ đứng và phải đóng cửa một cách nhanh chóng.
Khi truy cứu trách nhiệm cho quyết định sai lầm này, RWE phát hiện ra vấn đề nằm tại chính sự quan liêu và những định kiến sai lầm của bộ sậu ban lãnh đạo. Họ tự ý quyết định đầu tư theo cảm tính của mình, thậm chí còn thẳng tay gạt bỏ lời khuyên can của những nhân sự lường trước được hiểm họa. Chỉ một lần bốc đồng vậy thôi, mà cả một tập đoàn tầm cỡ đã phải chịu cảnh lao đao.
Vì vậy, hãy xác định xem bạn có đang vướng phải những thành kiến cá nhân hay không, sau đó tìm cách chế ngự chúng để đảm bảo việc đưa ra quyết định có tính chính xác cao nhất. Dưới đây là 6 thành kiến các nhà lãnh đạo thường xuyên mắc phải và gợi ý để bạn hóa giải chúng:
Các thành kiến sai lệch mà nhà lãnh đạo thường mắc phải khi đưa ra quyết định
5. Tìm kiếm những nhân tố phù hợp để thực hiện quyết định
Cắt ngang eo đất tại Trung Mỹ, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, kênh đào Panama được xây dựng với mục đích để tàu bè giữa 2 đại dương có thể qua lại. Công trình đóng góp rất lớn về mặt kinh tế, góp phần giảm thiểu chi phí trong vận tải thủy giữa hai đại dương. Nhưng nếu bạn không biết thì, kênh đào này cũng là một công trình tốn kém về cả thời gian và tiền bạc xây dựng bậc nhất thế giới.
Một phần nguyên nhân là do các nhà đầu tư lúc bấy giờ đã lựa chọn Ferdinand de Lesseps làm chủ trì siêu dự án này. Tuy nhiên, ông này trên thực tế lại chưa có kinh nghiệm xử lý những công trình phức tạp đến vậy. Có chăng trước đây, thành tựu lớn nhất của ông chỉ là hoàn thành kênh đào Suez vốn vô cùng ngắn và đơn giản. Các nhà đầu tư đã đánh giá thấp điều này, khiến cho dự án bị gián đoạn trong thời gian dài, trước khi chính phủ Mỹ nhúng tay vào giải quyết.
Bài học ở đây là: Bạn hoàn toàn có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, nhưng vẫn chuốc lấy cho mình thất bại nếu không lựa chọn được cách thức và con người phù hợp để thực hiện chúng.
Vậy nên, trước khi xuống tay phê chuẩn bất cứ thứ gì, hãy chú tâm rà soát lại một lần tất cả những đầu mối dẫn tới quyết định để xác định những rủi ro có thể xảy ra. Việc cần làm tiếp theo là xác định những cá nhân có khả năng xử lý những rủi ro này hiệu quả nhất, ngay cả khi họ không phải là nhân vật đã đề xuất ra ý tưởng.
Nếu không chắc chắn về người mình chọn lựa, hãy xây dựng các bài kiểm tra mô phỏng những tình huống xấu có thể xảy ra trong dự án, sau đó xem xét cách họ giải quyết chúng. Người có lời giải xuất sắc nhất chắc chắn sẽ là gương mặt bạn có thể tin tưởng để trao quyền tiếp quản quyết định của mình.
Lời kết
Ra quyết định chính xác, được mọi người ủng hộ và đem lại chất lượng công việc tốt nhất là cả một nghệ thuật mà tất cả các nhà lãnh đạo đều phải học hỏi và rèn luyện. Nếu bạn thực sự nắm được 5 yếu tố cần thiết để đưa ra quyết định đúng đắn trên đây, bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên với những bước tiến mà mình có thể đạt được trong công việc hiện tại và sự nghiệp tương lai.
Tải về cuốn ebook miễn phí “Cẩm nang xử lý 9 vấn đề cốt yếu trong quản lý công việc và dự án” để học hỏi kinh nghiệm quý báu từ những nhà quản trị hàng đầu thế giới.