Trong thời kỳ khủng hoảng: Công nghệ để đổi mới hay để sống còn?

Nếu năng lực công nghệ chưa đủ, hãy tìm kiếm sự hợp tác cùng công ty công nghệ khác để hai bên cùng có lợi.

Trong suốt buổi trao đổi với chúng tôi về việc doanh nghiệp cần phải làm gì trước viễn cảnh khủng hoảng kinh tế, Tiến sĩ Trần Viết Huân – CTO của Tập đoàn Sơn Kim Group kiêm Chủ tịch Cộng đồng CIO Vietnam) khẳng định cần phải chuẩn bị phương án công nghệ cho cả sự “sống còn” và “đổi mới”. Trong đó, “Co-Innovation” – tạo nên một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và cải tiến là cụm từ anh nhắc tới thường xuyên. 

Công nghệ để đổi mới hay để sống còn?

Được biết hiện tại anh Huân vừa là CTO của Sơn Kim Group, vừa đóng vai trò là Chủ tịch Cộng đồng CIO Việt Nam. Anh có thể chia sẻ về công việc của mình tại 2 vị trí này? 

Với vai trò CTO (Chief Information Officer) tại Sơn Kim Group, tôi chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược CNTT cho toàn bộ tập đoàn và tư vấn triển khai, quản trị các hệ thống CNTT cho tất cả các công ty thành viên từ bất động sản đến bán lẻ cũng như xây dựng các mô hình kinh doanh mới như omni-channel, thương mại điện tử, và phát triển hệ sinh thái nội bộ cũng như với các đối tác bên ngoài. Ngoài ra tôi cũng chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm đô thị thông minh. 

CIO Việt Nam là một cộng đồng các lãnh đạo công nghệ được thành lập từ năm 2010, nhằm tạo ra môi trường để anh em làm nghề có thể chia sẻ, học hỏi phát triển về nghề nghiệp, thúc đẩy việc hợp tác đổi mới sáng tạo giữa các bộ phận (công nghệ, kinh doanh, tiếp thị, sản xuất) trong nội bộ doanh nghiệp, cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ. 

Chúng tôi đã mở rộng khái niệm chữ “I” trong CIO không chỉ là Information mà còn là Innovation – đổi mới sáng tạo để không chỉ kết nối các CIO, CTO mà còn kết nối với CEO, CDO, CMO. Tham gia xây dựng cộng đồng CIO Việt Nam ngay từ ngày đầu, chúng tôi không chỉ cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm, những bài học thành công & thất bại mà còn học hỏi rất nhiều từ cộng đồng.

Bức tranh kinh tế 2023 được các chuyên gia dự đoán là khá ảm đạm. Việc các ông lớn như Meta, Twitter, Salesforce, Amazon cắt giảm hàng loạt nhân sự là một dấu hiệu vĩ mô xấu. Quan điểm của anh như thế nào?

Vừa qua, CIO Việt Nam cũng có một buổi tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp và công nghệ về vấn đề này: Liệu chúng ta cần tiếp tục tập trung vào “Digital Transformation – Chuyển đổi số” và “Innovation – Đổi mới sáng tạo” hay “Survival – sống sót”? Chúng tôi nghĩ rằng doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cho cả hai. 

Thứ nhất là quay về những vấn đề cơ bản như giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa lợi nhuận, mở rộng thị trường trong nước, trong đó việc ứng dụng công nghệ đi vào thực chất để giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn để tồn tại và phát triển: ví dụ làm thế nào để phân tích dữ liệu một cách tốt nhất để ra quyết định, giảm chi phí sản xuất kinh doanh bằng tự động hóa quy trình… 

Thứ hai là trước những khuynh hướng công nghệ mới, doanh nghiệp cũng phải chọn lọc để đầu tư, tạo đà sẵn sàng cho cơ hội mới vì thường phải cần khoảng 2 năm để các công nghệ mới có thể mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Song song với việc tìm mọi cách để để tối ưu hoá về dòng tiền, chi phí, lợi nhuận, doanh nghiệp vẫn cần phải chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai bằng việc duy trì lợi thế cạnh tranh.  

Cụ thể với Sơn Kim Group, trong mảng bất động sản, chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng khu đô thị thông minh trong đó công nghệ sẽ giúp người dân sinh hoạt thoải mái, thuận tiện, trong một môi trường xanh, sạch nhưng vẫn đảm bảo sự an ninh và riêng tư cá nhân, cũng như giúp cho việc vận hành khu đô thị hiệu quả hơn.  

Là một doanh nghiệp, điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là triển khai nhanh các ứng dụng CNTT nhằm đạt được các kết quả kinh doanh nên công ty xem việc hợp tác với các công ty công nghệ và các startup trong mô hình “Co-Innovation” là một yếu tố quan trọng trong trong chiến lược chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của tập đoàn. Đơn cử như việc kết hợp với Hitachi Vantara để xây dựng hệ thống bán lẻ đa kênh tích hợp cho Sơn Kim Mode, kết hợp với Base.vn để quản trị vận hành nội bộ cho chuỗi hệ thống GS25, hợp tác với Wee Digital cho việc thí điểm thanh toán qua nhận diện khuôn mặt, hợp tác với NamiQ để xây dựng kênh chatbot phục vụ bán hàng trực tuyến và chăm sóc khách hàng… 

cong-nghe-de-doi-moi-hay-de-song-con

Co-innovation: Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và cải tiến

Làm thế nào để doanh nghiệp lựa chọn được các đối tác công nghệ phù hợp để tạo nên hệ sinh thái “Co-Innovation”? 

Quan điểm làm việc của chúng tôi với đối tác chính là: Ngang hàng – luôn tôn trọng để tạo ra sự hợp tác win-win: doanh nghiệp giải quyết được bài toán kinh doanh của mình và đối tác phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường để có thể cung cấp cho các khách hàng khác. Tôi dành thời gian để tìm hiểu thế mạnh của từng công ty công nghệ, xem xét thế mạnh đó là mảnh ghép nào trong bức tranh đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp mình. 

Với những giải pháp công nghệ mới hoàn toàn, bộ phận kinh doanh và bộ phận công nghệ thông tin phải cùng đánh giá với đối tác để xem có đáng để thử hay không, áp dụng phạm vi nhỏ đủ để đánh giá, kiểm định và liên tục điều chỉnh để đạt được mục tiêu, dù thất bại cũng sẽ là bài học cho cả hai bên. 

Đứng trước bối cảnh kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng phòng thủ. Bài toán họ quan tâm là làm sao để tinh gọn bộ máy tổ chức, tối ưu vận hành, cắt giảm chi phí. Anh đánh giá như thế nào về xu hướng này? 

Năm 2023 được dự đoán là một năm khó khăn trong đó việc cắt giảm chi phí dường như không đủ để giúp doanh nghiệp tồn tại. Doanh nghiệp cần phải tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới ví dụ như mở rộng thị trường nội địa, mở ra các kênh mới để tiếp cận khách hàng, xây dựng các chuỗi cung ứng mới và tập trung đầu tư công nghệ vào những cơ hội kinh doanh mới này.  

Ví dụ, việc cắt giảm chi phí là việc đầu tiên doanh nghiệp nào cũng phải làm trong năm 2020 khi dịch Covid bắt đầu hoành hành, nhưng chúng tôi xác định vẫn tiếp tục đầu tư và quyết liệt triển khai các dự án công nghệ chiến lược như nền tảng dữ liệu khách hàng, ERP và Omni Channel cho SonKim Mode, hệ thống BI cho toàn bộ các công ty thành viên. Nhờ vậy, Sơn Kim vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và tăng trưởng  trong bối cảnh nhiều cửa hàng của chúng tôi phải đóng cửa theo quy định, đặc biệt là giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021.

xay-dung-he-sinh-thai-sang-tao-va-cai-tien

Vậy đây có phải là lúc doanh nghiệp nên bắt đầu chuyển đổi số, chuẩn bị cho những thử thách sắp tới?

Các doanh nghiệp ngày nay đã qua giai đoạn đặt câu hỏi “Chuyển đổi số là gì”, “nên bắt đầu từ đâu” mà cần đi những bước đi đầu tiên và quyết liệt trên hành trình CĐS để tồn tại và phát triển. 

Từng trải qua các làn sóng công nghệ trước ở Việt Nam như điện toán đám mây từ năm 2008, thành phố thông minh 2010, CĐS từ năm 2016, tôi nhận thấy có những điểm giống nhau trong cách thức chúng ta tiếp cận với làn sóng công nghệ của thế giới: bắt đầu rất sớm với những doanh nghiệp tiên phong nhưng trên bình diện vĩ mô thì đi chậm và thậm chí bị bỏ lại phía sau. Nhiều doanh nghiệp muốn chờ đợi kinh nghiệm thành công của những người đi trước, muốn đi sau an toàn hơn là chấp nhận rủi ro của người đi tiên phong.  

Tuy nhiên, theo một thống kê của Gartner, khoảng cách của doanh nghiệpđi tiên phong với doanh nghiệp đi sau là khoảng hơn 3 năm. Với sự dịch chuyển nhanh của thị trường, 3 năm là khoảng thời gian đáng kể, có những lĩnh vực đòi hỏi doanh nghiệp phải là người đi đầu, thậm chí làm “chuột bạch” trải nghiệm giải pháp nếu muốn phát triển. Giống như việc GS25 kết hợp với Base cũng là “bước thử” và thành công của cả hai bên. 

Có ý kiến cho rằng dù bối cảnh kinh tế suy thoái nhưng trong “nguy” sẽ có “cơ”. Nếu nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, khủng hoảng này sẽ mang đến cho doanh nghiệp cơ hội gì? Và làm như thế nào để doanh nghiệp thức thời và nắm bắt được thời cơ mới? 

Để trả lời câu này, tôi xin đưa ra một dẫn chứng cụ thể. Đầu năm 2020, khi được HAWA – Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM mời tham gia tư vấn về chuyển đổi số trong khuôn khổ hợp tác với CIO Việt Nam, lúc đó tôi vẫn nghĩ các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ khá “truyền thống”. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc trao đổi, tôi nhận ra, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngành chế biến gỗ có tầm nhìn và tư duy rõ ràng và quyết liệt. 

Khi hiệp hội đối diện với việc hội chợ triển lãm hàng năm – nơi khách hàng nước ngoài đến tìm hiểu, đặt hàng – phải đóng cửa do Covid, chúng tôi đề xuất: “Chuyển đổi số nên bắt đầu từ chính ngay vấn đề thời sự này bằng cách triển khai ngay hội chợ triển lãm trực tuyến và cải tiến dần”. Sau 3 tháng, nền tảng trực tuyến HOPE được xây dựng với gần 100 doanh nghiệp tham gia đưa sản phẩm của mình tiếp cận với khách hàng thế giới là một minh chứng cho sự thay đổi về tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, công nghệ thật sự là nền tảng để giúp doanh nghiệp “sống còn” về mặt kinh doanh. 

Dưới góc độ là một chuyên gia công nghệ, nhưng cũng là một CTO/ CIO đã từng làm việc tại nhiều doanh nghiệp, anh có thể chia sẻ một bài học cho các DN đang chuẩn bị chuyển đổi số?

Nếu các anh chị chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy mạnh dạn bước đi bước đầu tiên, bắt đầu từ những dự án nhỏ, quy mô nhỏ trước. Chỉ cần bước ra khỏi “cánh cửa phòng”, chúng ta có thể thấy được một không gian rộng lớn, nhiều cơ hội mới ngoài kia. Nếu năng lực công nghệ của doanh nghiệp chưa đủ, hãy tìm kiếm sự hợp tác cùng công ty công nghệ khác để hai bên cùng có lợi, cùng kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo để giải quyết bài toán kinh doanh.

lo-trinh-chuyen-doi-so-trong-khung-hoang

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!

Viết một bình luận