Muốn chuyển đổi số trước hết phải thay đổi tư duy lãnh đạo

Từ lâu, chuyển đổi số không còn là khái niệm mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên những hình dung mơ hồ và sự hiểu lầm về mặt khái niệm có thể sẽ khiến doanh nghiệp khó tìm được một lối đi hay chiến lược rõ ràng.

Thậm chí, khi rất nhiều những tranh cãi xoay quanh ngưỡng cửa 4.0, rằng liệu chúng ta mới chỉ bắt đầu bước vào cuộc cách mạng này hay đã đi qua nó thì việc gặp khó khăn ở thời điểm hiện tại là điều dễ hiểu.

Tại hội thảo trực tuyến phối hợp tổ chức bởi TheLEADER, John&Partners và Base.vn, các khái niệm về “số hóa” và “chuyển đổi số” đã được đưa ra mổ xẻ và định nghĩa một cách rõ ràng, giúp doanh nghiệp hình dung cụ thể về nền kinh tế số, cũng như bài toán nào mà các lãnh đạo sẽ gặp phải trên hành trình chuyển đổi số hiện nay.

Mở đầu phiên thảo luận, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy CTS đưa ra định nghĩa: “Kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử được tiến hành thông qua internet và giải pháp công nghệ thông tin thông minh”.

Ông Hòa cho rằng, bản chất “số hóa” không phải là “chuyển đổi số”, mà chỉ là một bước trong tiến trình này. Ông cũng chỉ ra những đặc trưng căn bản của nền kinh tế số ở góc độ vĩ mô, cũng như các bước tiến hành để chuyển đổi số thành công ở góc độ của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Khoa học tư duy CTS (Bộ Khoa học và công nghệ), nguyên Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT, Phó chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn VNPT

Theo ông Hòa, có 3 đặc trưng cơ bản của nền kinh tế số. Thứ nhất là số hóa, các doanh nghiệp phải có dữ liệu dạng số và các dữ liệu này cần đưa về một chỗ tập trung. Thứ hai là thế giới siêu kết nối, có nghĩa là các dữ liệu đều có khả năng kết nối với nhau trong một không gian, một môi trường chung để tạo ra giá trị và đem lại hiệu quả.

Thứ ba là thông minh, tức là chỗ nào tắc nghẽn thì doanh nghiệp đưa công nghệ vào để giải quyết hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ giúp mọi thứ trở nên tối ưu hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Và bản chất chuyển đổi số chính là chúng ta chuyển dịch 3 thành tố này theo từng bước.

“Ưu tiên hàng đầu là chúng ta phải thay đổi tư duy và xác định chiến lược rõ ràng, sau đó sẽ tiến hành số hóa và xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung, tiếp theo là xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đề cao sự chính nghĩa.

Tại sao tôi muốn nhấn mạnh đến sự chính nghĩa ở đây? Là bởi khi minh bạch về mặt dữ liệu thì có nhiều những góc khuất trong doanh nghiệp mà họ không muốn để lộ ra, lúc này chúng ta phải thay đổi dần dần và chú ý đến những điểm nhạy cảm. Đặc biệt cần chú ý phát triển nguồn nhân lực 4.0 và công cụ bao giờ cũng là yếu tố sau cùng”, ông Hòa cho biết.

Xoay quanh chủ đề chuyển đổi số khi bàn đến những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai liên quan đến con người hay nhân sự, các diễn giả đều đồng tình với quan điểm: Khó khăn đầu tiên là phải thay đổi tư duy của các lãnh đạo.

Cùng tham gia phiên thảo luận, TS. Ngô Công Trường – Giám đốc chuyên môn Công ty CP Tư vấn và Giáo dục John&Partners chia sẻ: “Cái khó nhất là thay đổi được tư duy lãnh đạo, phải có được sự cam kết với việc chuyển đổi. Bước tiếp theo phải đến từ cấp thấp nhất là nhân viên, lúc này yếu tố truyền thông đóng vai trò quan trọng. Chúng ta truyền nhưng phải thông, nhiều doanh nghiệp, đôi khi sếp thường trách mắng nhân viên không hiểu, làm sai, nhưng thực chất nếu truyền mà không thông thì là lỗi của sếp”.

TS. Ngô Công Trường – Giám đốc chuyên môn Công ty CP Tư vấn và Giáo dục John & Partners

Bên cạnh đó, rào cản mà đa phần các doanh nghiệp gặp phải hiện nay chính là việc phân mảnh dữ liệu và làm sao để các dữ liệu có thể kết nối được với nhau. Ông Trần Văn Viển – Đồng sáng lập, Giám đốc khu vực phía Nam của Base.vn cho rằng: “Thực tế, đây là nỗi đau chung của nhiều doanh nghiệp. Đơn giản như khi giao tiếp trên nhiều nền tảng, hay sử dụng những công cụ chat khác nhau, thì không thể truy xuất được dữ liệu, vì bản chất những thông tin trao đổi qua kênh chat là những dữ liệu phi cấu trúc”.

Ông Viển cho rằng, doanh nghiệp nên bắt đầu từ việc số hóa trước, dù là doanh nghiệp 5 người hay 10 nghìn người thì làm sao để có được dữ liệu càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt. Còn xét về khả năng kết nối dữ liệu giữa các phần mềm với nhau, doanh nghiệp nên coi đây là tiêu chí hàng đầu và đặt câu hỏi cho nhà cung cấp rằng: sản phẩm này có khả năng kết nối dữ liệu với các sản phẩm khác hay không.

Ông Trần Văn Viển – Đồng sáng lập, Giám đốc khu vực phía Nam của Base.vn

“Rất nhiều khách hàng của Base.vn hỏi rằng, có thể đồng bộ dữ liệu của Base với các hệ thống họ đang sử dụng hay không. Thực ra phải đặt câu hỏi ngược lại là hệ thống của họ có sẵn sàng để đấu nối hay không”, ông Viển nhấn mạnh.

Phiên thảo luận được kết lại bằng một một câu hỏi xoay quanh chủ đề: Chuyển đổi số nếu tiến hành theo một lộ trình cụ thể thì có thể diễn ra nhanh chóng và mang lại hiệu quả để doanh nghiệp thích ứng kịp với tình hình dịch bệnh hay không?

Trả lời cho câu hỏi này, TS. Ngô Công Trường cho rằng: “Chúng ta nên tách biệt hai vấn đề này. Hãy xét đến tính quan trọng của nó, sau đó mới xét xem nó có khẩn cấp hay không. Bởi nếu doanh nghiệp ép mình phải chuyển đổi số bằng được trong giai đoạn dịch bệnh, thì có lẽ sẽ không công bằng trong câu chuyện chuyển đổi số”.

Theo ông Trường, doanh nghiệp cần “liệu cơm gắp mắm”, khâu nào có thể chuyển đổi được thì nên làm luôn. Còn với những chiến lược dài hơi, doanh nghiệp cần cân nhắc kĩ lưỡng, bởi nếu từ đầu làm sai thì về sau sẽ phải trả cái giá rất đắt.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Viển bổ sung, doanh nghiệp đang trong kỷ nguyên “cá nhanh nuốt cá chậm”. Minh chứng là sự tan vỡ của nhiều gã khổng lồ, cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty nhỏ bé nhưng có bước đi thần tốc. Do đó, có thể xem Covid-19 là sự thúc đẩy để chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Doanh nghiệp phải sẵn sàng đối mặt với dịch trong vòng 3 tháng, 6 tháng thậm chí là một năm nữa.

Theo TheLEADER

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Để nhận tư vấn 1-1 và tham gia demo trải nghiệm tính năng các phần mềm quản trị vận hành của Base, bạn có thể ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY

Viết một bình luận