“Đọc vị” nhân viên qua ứng dụng nhân tướng học vào quản trị nhân sự

Nhìn ứng viên, đoán tính cách qua khuôn mặt? Nhìn đồng nghiệp, thấy xu hướng suy nghĩ của họ? Đó là những điều nghe có vẻ kỳ lạ nhưng sự thật là bạn hoàn toàn có thể làm được với một công cụ tâm lý “thần bí”: Nhân tướng học. Được lưu truyền từ xa xưa, Nhân tướng học nghiên cứu về thần, sắc, các yếu tố của khuôn mặt, dáng vóc con người để đoán được tính cách và xu hướng suy nghĩ của họ.

Nói về Nhân tướng, sẽ có nhiều thuật ngữ, nhiều cách xem với những cái tên rất khó hiểu như “Coi Ngũ Nhạc Tam Đình”, “Coi Ngũ Quan Lục Phủ”, … Để giải thích cặn kẽ từng yếu tố, bạn cần một cuốn sách chi tiết, nghiên cứu chuyên khảo về lĩnh vực Nhân tướng học. Đó là lý do vì sao bài viết này chỉ đi qua một chút về khái niệm và các bước cơ bản. 

1. Tổng quan về Nhân tướng học

Nhân tướng được các triết gia từ thời Hy Lạp cổ đại nghiên cứu nhưng mãi tới trước thế kỷ 20 thì thuật xem tướng này mới được nhận biết rộng rãi trở lại, khi nhà khoa học Johann Kaspar Lavater khôi phục lại các nghiên cứu này.

Ngày nay, nhân tướng được nghiên cứu một cách khoa học hơn dựa trên lượng hoóc-môn, tiết tố của con người trong kỳ dậy thì hay những nghiên cứu sâu hơn về các giả thuyết. Tuy nhiên, những gì các bậc cao nhân xa xưa truyền lại về việc đoán tính cách chỉ nhờ nhận dạng khuôn mặt tới nay vẫn đúng và vượt trên những gì khoa học chứng minh. 

Nhân tướng nghiên cứu những yếu tố khác nhau ở nam giới và nữ giới. Có nhiều yếu tố quyết định đến kết quả xem tướng nhưng về cơ bản, nhân tướng tập trung quan sát Khuôn mặt, Tai, Chiều cao của nam giới; và Lông mày, Tóc, Mũi của nữ giới. 

2. Cách xem nhân tướng học

Nhân tướng bản chất đơn giản là việc bạn nhìn thấy phần “Nhân”, phần “Tướng” của người đối diện và có khả năng kiến thức tốt để đánh giá chính xác. Về cơ bản, xem nhân tướng của 1 người là xem 7 yếu tố sau:

  • Coi mắt và thần khí: Quan sát tướng mắt bao gồm: Hình, thể, sắc, thần, khí, cách nhìn. Đây là cách nhìn tướng đặc biệt bởi biết bao thể trạng của con mắt cho ta những thông tin về tính cách, về tình cảm, thể trạng, nội tâm và về ứng xử cũng như bệnh cảnh của con người.
  • Coi dáng vóc: Mỗi dáng người kể một câu chuyện khác nhau về mỗi chúng ta. Ngoài dáng vóc đơn giản, chúng ta có thể quan sát dáng đi của người để kết luận.
  • Coi tướng mặt: Mặt là bộ phận được Nhân tướng học nghiên cứu chuyên sâu nhất. Mỗi hình dáng khuôn mặt lại là một câu chuyện riêng về người đang ở đối diện bạn.
  • Coi Ngũ nhạc Tam đình: Tam đình trên mặt là 3 phân khúc của mặt bao gồm Thượng đình, Trung đình và Hạ đình. Trong đó, Thượng đình từ đỉnh đầu / mép tóc xuống đến 2 lông mày, Trung đình từ đường lông mày xuống đến mũi còn Hạ đình từ Nhân trung dưới Chuẩn đầu xuống đến cằm. 
  • Coi Ngũ quan lục phủ: Ngũ quan là 5 giác quan bao gồm Lông mày, Mắt, Tai, Miệng, Mũi. Lục phủ là 6 cặp xương bên ngoài khuôn mặt, được ví là của trời cho. 
  • Coi chân tay: Tướng bàn tay và tướng chân là 2 thuật xem tướng khá hay mà nếu áp dụng được sẽ rất tốt nhưng khó áp dụng trong tuyển dụng-nhân sự. 
  • Coi tiếng nói:  Âm thanh được coi là một phần cốt yếu trong cổ tướng học. Nhiều ứng viên khi đi phỏng vấn chỉ cần cất lên giọng nói, chúng ta có thể cảm nhận ngay liệu họ có phù hợp với vị trí ứng tuyển không.  

3. Một số ứng dụng nhân tướng học trong quản trị nhân sự

Nhân tướng học là một lĩnh vực phức tạp mà trong khuôn khổ một bài viết không thể bao quát hết. Tuy nhiên, có một vài kiến thức cơ bản trong quan sát con người mà bạn có thể dễ dàng áp dụng, phục vụ hiệu quả cho công việc quản trị nhân sự của bạn. 

Trong quan sát đồng nghiệp:

  • Tướng người ngay thẳng: Người ánh mắt nhìn thẳng, ăn nói không ba hoa. Dáng nhìn đoan chính, sống mũi ngay ngắn, là người có ngôn ngữ gãy gọn. Tướng này là tướng quân tử.
  • Tướng người ngang bướng: Lông mày thô đậm hoặc nghịch loạn. Xương chân mày quá cao, quá thấp. Mắt lồi hoặc tròn, lòng trắng hơi vàng.
  • Tướng người ích kỷ tư lợi: Đây là loại người chỉ biết có mình, bất chấp hậu quả. Dấu hiệu bề ngoài bao gồm đi hay lao đầu phía trước. Mũi nhỏ, nếu mũi lớn thì hay quặp xuống. Sai việc nhỏ thì tỏ ra siêng năng song, hay khiến chủ nhân nghĩ tin vào khả năng của mình.
  • Tướng người điềm đạm, thâm trầm: Người được trời phú cho khả năng kiểm soát Hỷ – Nộ – Ái – Ố. Mũi dù cao hay thấp thì đều nhìn ngay ngắn. Mắt sáng, ôn hòa. Thần khí thư thái, thanh thản khiến người có thiện cảm, muốn tiếp cận.

Quan sát cấp dưới (nhân viên):

  • Tướng người phục tùng: Mục quang ôn hoà, Mũi không lệch, Quyền không cao, không ham ăn uống, du hí, không ngại khó, không bao giờ tỏ vẻ oán hận ai đều là các dấu hiệu của sự phục tùng thượng cấp một cách ngay tình. Đây là mẫu người thừa hành lý tưởng cho các công việc thông thường.
  • Tướng người có tinh thần trách nhiệm: Đa số những người có tinh thần trách nhiệm đều có mặt mũi sáng sủa, nhìn ánh mắt có sự kính nể một cách không lộ liễu, mũi của người này có thể lớn hoặc nhỏ, nhưng nếu không lớn thì phải cao, nếu nhỏ thì phải không lộ khổng và phối hợp tương xứng với Lưỡng quyền. Ngôn ngữ của người có tinh thần trách nghiệm là không khinh xuất, thần khí trầm ổn. Người loại này làm việc chuyên tâm, có trách nhiệm.
  • Tướng người nhút nhát, sợ việc: Nhãn cầu mắt nhỏ và mắt có sắc vàng khá rõ rệt, lòng đen tròng trắng không sáng sủa. Thân hình cao rộng mà mũi lại nhỏ. Nói năng thiếu thành tín, tham lam ham tiểu lợi.
  • Tướng người cơ trí, ứng biến linh hoạt: Mi thanh, mục tú. Cặp mắt sáng sủa linh hoạt, đen trắng phân minh. Sống mũi thẳng như ống trúc và không lệch lạc. Trán rộng và cân xứng, mục quang thuộc loại “ Phát nhi bất lộ, Nộ nhi bất tranh”, âm thanh trong sáng ấm cúng. Người này thường được giao phó nhiều trọng trách.
  • Tướng người gian tham độc hại: Đầu nhỏ nhọn, lông mày xoắn tít. Mắt có sắc hơi vàng tia mắt nhìn xuống hoặc liếc xéo hình tam giác. Mũi ngắn và thấp. Loại người này khá khôn khéo, lượng việc giỏi nhưng hay có gian kế và có lòng tham.

Quan sát cấp trên (sếp):

  • Tướng người trung hậu: Nhãn quang ôn hoà nhưng không nhu nhược, diện mạo khả ái, dáng ngồi an tĩnh, đối đãi với người dưới có lòng khoan thứ, không hách dịch, hành sự chu toàn, không trọng sang giàu quý hiển, trong gia đình xử sự có điều lý, gia đạo an lạc. Bất cứ trong trường hợp bất bình với người dưới đều ôn hòa, xử thế ôn hòa.
  • Tướng người hung ác: Có 2 loại là đại ác và tiểu ác. Nhìn người có sắc “hung” nhưng không hề “ác”, sắc mặt nhìn như kẻ dại gái, háo sắc. Thân thể to lớn, phát triển theo chiều ngang, mày sắc dư dao. Đó là người có tướng hung. Còn người tóc khô, điệu cười lạnh, mũi như chim ưng, mắt như sói sẽ có tướng không chỉ hung mà còn ác.
  • Tướng người nhu nhược: ánh mắt kinh nghi,  thích nói chuyện nhàn hạ, không quyết đoán những việc thuộc thẩm quyền của mình, nói năng nhiều lúc khinh xuất, có thể gây họa không chừng.
  • Tướng người bất cận nhân tình: Tướng người thô trọc. Mũi cao, Quyền thấp, tính tình hay nịnh hót, nói năng tự tiện, đi đứng không ngay thẳng mà tự cho mình mạnh mẽ hiên ngang, tự cho là thông thái và buộc người khác phải hiểu mình.

4. Ứng dụng của nhân tướng học trong tuyển dụng nhân sự

Khi mà cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về một ứng viên trong quá trình tuyển dụng là không nhiều, nhân tướng học có thể trở thành một công cụ hết sức hữu ích góp phần vào công tác đánh giá

Khi ứng viên nộp CV, bạn có thể dựa trên khuôn mặt của ứng viên trên CV để đưa ra một vài nhận định về ứng viên. Ví dụ nhìn khuôn mặt chữ điền, sáng sủa chứng tỏ tính cách trung thực, thành thật, chăm chỉ. Từ đó, bạn sẽ quyết định nên đặt kỳ vọng vào ứng viên này hay chủ động tìm câu hỏi đánh giá xem nhận định của bản thân có đúng không. Bước này chỉ mang tính tham khảo bởi có thể ứng viên ngoài đời nhìn khác hơn chút so với trên ảnh và một buổi tiếp xúc trực tiếp vẫn luôn cần thiết.

Sau khi xét CV, đến buổi phỏng vấn thực tế, nhà tuyển dụng có thể kết hợp giữa nhân tướng và phương pháp DISC để phỏng đoán tính cách, con người của ứng viên thông qua nhân dạng hay dáng đi đứng, cách ăn nói. 

Nhìn chung, phân tích Nhân tướng còn giúp bạn đặt ra các bộ câu hỏi phỏng vấn hay kiểm tra ứng viên sát với thực tế và chi tiết hơn – thay vì trở thành công cụ đánh giá duy nhất. Ngoài ra, những ấn tượng qua đánh giá nhân tướng sẽ định hướng cho bạn trong quá trình phân công nhiệm vụ sau này.

5. Một vài cuốn sách hay về Nhân tướng học

Đây có thể là phần cần thiết nhất cho các độc giả vẫn luôn tò mò về Nhân tướng từ đầu bài. Dưới đây là một số cuốn sách mà độc giả nên tìm đọc để hiểu sâu về các vấn đề được nhắc tới trong bài viết: 

  • Vận dụng khoa Nhân tướng học trong Ứng xử và Quản lý (tác giả Việt Chương).
  • Tìm Hiểu Nhân Tướng Học Theo Kinh Dịch (tác giả Thiệu Vĩ Hoa).
  • Nhân tướng học toàn thư (tác giả Thiệu Vĩ Hoa).
  • Chiếu Đảm Kinh (tác giả Tử Phủ Chân Nhân).

Kết luận

Nhân tướng học là một công cụ cổ truyền nhưng rất hữu ích. Nếu được kết hợp, đan xen với các phương pháp phỏng đoán tính cách khác như DISCMBTI, … đây sẽ là một bộ công cụ vô cùng lợi hại dành riêng cho các nhà quản lý. Rất mong bài viết vừa rồi của Base People đã đem lại một cái nhìn tổng quát khá thú vị về nhân tướng và mong rằng các độc giả sẽ nhận được nhiều thông tin bổ ích từ đó.

Bên cạnh các bài blog chất lượng, Cộng đồng HR 4.0 | Base People còn đem tới các bạn những bộ tài liệu được biên soạn kĩ lưỡng với hàm lượng kiến thức sâu rộng, phục vụ thiết thực cho công việc hàng ngày của những người làm tuyển dụng-nhân sự và quản lý doanh nghiệp. 

Download miễn phí Bộ 12 biểu mẫu đánh giá nhân viên chỉ với 1 click tại đây.

“Đọc vị” nhân viên qua ứng dụng nhân tướng học vào quản trị nhân sự

Viết một bình luận