1. Ứng viên bị động – Họ là ai?
Nghe không hay ho gì nhưng phải công nhận một điều là có rất nhiều nhà tuyển dụng chỉ thích “cướp trên giàn mướp” – câu những ứng viên đang có việc làm hơn về làm việc cho mình hơn là những ứng viên rảnh rỗi. Những ứng viên này được gọi là “ứng viên bị động.” Họ chính là những người được nhà tuyển dụng cân nhắc cho vị trí đang khuyết thiếu trong công ty mặc dù họ không chủ động tìm kiếm công việc đó. Những ứng viên này không nộp hồ sơ, mà được đội ngũ tuyển dụng -thông qua một cách nào đó biết được cách contact – liên hệ để gọi thuyết phục họ ứng tuyển; thậm chí có thể là trực tiếp đến phỏng vấn và nhận việc ngay.
Nhưng tại sao lại phải mất công tìm đến đến những người mà nhu cầu ứng tuyển còn chưa có? So với ứng viên chủ động, ứng viên bị động có ưu nhược điểm gì?
Ưu điểm:
- Có kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp
Trước khi tiếp cận một ứng viên bị động nào, nhà tuyển dụng phải chắc chắn rằng ứng viên đó có nhiều điểm lý tưởng cho công việc. Có thể thông qua giới thiệu, qua contact trên mạng xã hội, nhà tuyển dụng biết rằng ứng viên từng làm các vị trí tương tự, hay bộc lộ những tính cách phù hợp. Nhìn chung, đối với ứng viên bị động, nhà tuyển dụng sẽ tiết kiệm được thời gian để screen CV mà có thể tiến hành phỏng vấn ngay.
- Thường thẳng thắn và công bằng
Do ứng viên bị động không phải là người đang tìm kiếm việc làm, thậm chí đã sẵn có một công việc ổn định, nên họ sẽ hầu như chẳng phải phóng đại về kinh nghiệm của họ hoặc nói dối bạn để được nhận vào làm. Suy cho cùng, bạn mới là người tiếp cận họ trước chứ không phải ngược lại. Nếu họ có đúng thứ bạn cần và bạn có thứ họ cần, hai bên có thể bắt tay để tiến hành những bước tiếp theo.
- Số lượng vô tận
Rõ ràng là số những người không quan tâm đến vị trí tuyển dụng của bên bạn chắc chắn nhiều hơn rất nhiều so với những người quan tâm (nghe hơi đáng buồn một chút!). Bất kì ai trong độ tuổi lao động ở thị trường ngoài kia cũng có thể là một ứng viên bị động bạn có thể tiếp cận sớm muộn. Bởi vậy, trong công tác tạo nguồn ứng viên lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp, việc tiếp cận đến các ứng viên bị động là không thể tránh khỏi.
Nhược điểm:
- Mất nhiều thời gian hơn để tuyển dụng
Tuyển dụng ứng viên bị đồng thường mất nhiều thời gian hơn do họ không muốn nghỉ công việc hiện tại. Vậy nên bạn hãy chấp nhận là bạn sẽ phải dành ra nhiều tuần hoặc thâm chí nhiều tháng để chiêu mộ được họ.
- Bị đặt vào thế so sánh
Chuyển việc chưa bao giờ là quyết định đơn giản. Nếu như bạn đã thuyết phục ứng viên chuyển sang một công việc khác, thì bạn phải đảm bảo là quyết định chuyển việc đó là có lợi cho họ. Có thể là offer một mức lương cao hơn, cơ hội thăng tiến tốt hơn, cơ hội học tập và phát triển tốt hơn, văn hóa phù hợp hơn,…
Thông thường, ứng viên bị động thường chấp nhận nghỉ công việc cũ nếu thu nhập của họ tăng khoảng 20%. Nhưng không phải ai cũng đồng ý chuyển việc chỉ bởi vì tiền. Thế nên bạn cần phải dành thời gian tìm hiểu rõ động lực của ứng viên là gì, điều gì là lợi thế cạnh tranh của bạn so với công ty hiện tại của ứng viên để thuyết phục ứng viên hiệu quả.
2. Tìm kiếm ứng viên bị động ở đâu?
2.1. Tận dụng các mạng xã hội
Mạng xã hội với số lượng người dùng lớn là một “đại dương” để bạn tìm kiếm ứng viên bị động; chưa kể thông qua mạng xã hội này bạn sẽ có thêm khá nhiều thông tin về ứng viên. Đến nay, các mạng xã hội lớn như LinkedIn, Facebook hay Twitter đều cung cấp tính năng Tìm kiếm với khá nhiều tùy chỉnh nâng cao để giúp bạn dễ dàng tìm được ứng viên như mong muốn.
Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những người có kinh nghiệm làm việc tại Apple trên LinkedIn
Ví dụ, chỉ qua một vài bước lọc, bạn sẽ tìm được trên LinkedIn những người từng làm Marketing tại Google sau đó chuyển sang Facebook. LinkedIn cũng cho phép bạn đặt các điều kiện trong khi tìm kiếm tương tự như Google, ví dụ như: tìm kiếm cụm từ chính xác (sử dụng dấu “..”), điều kiện và (dùng AND), điều kiện hoặc (dùng OR)…
Bằng một quory đơn giản, bạn sẽ tìm được những người từng làm Marketing Manager tại Google HOẶC Microsoft
Thế nên, chuyện khó chỉ là bạn hình dung mình đang cần những ứng viên có kinh nghiệm gì, và làm thế nào để khiến họ quan tâm tới bạn. Còn trong một thế giới mở như hiện nay, tìm ra họ không còn là một vấn đề lớn.
Ngoài ra, cũng đừng bỏ qua những cộng đồng mạng lớn như Reddit hay Quora. Đây là những cộng đồng tập hợp theo từng nhóm chuyên môn lớn, và bạn có thể dễ dàng tìm thấy một “ổ” những người đang cùng làm vị trí bạn mong muốn. Ví dụ, trên Reddit, bạn có thể tìm những cuộc thảo luận (subreddit) liên quan đến lĩnh vực IT để tìm kiếm ứng viên làm lập trình. Hay như trên Quora, bạn có thể tìm nhóm chủ đề, sau đó xem những người trả lời các câu hỏi liên quan đến chủ đề đó.
Đối với một vài nhóm công việc đặc thù, sẽ có những cộng đồng riêng dành cho họ. Ví dụ như tìm dân IT thì bạn có thể tìm đến GitHub, tìm designer bạn có thể lượn lờ Behance, hay tìm người viết thì bạn có thể follow các blog trên WordPress hay Medium.
Bài học ở đây là: ở đâu có người mình cần thì hãy tìm đến đó.
Lưu ý lớn nhất khi tìm người qua mạng xã hội là, trừ LinkedIn, mọi người tham gia mạng không phải để tìm việc làm, nên có thể họ sẽ thấy khá phiền phức khi bị đề cập đến chủ đề này thẳng thừng. Mấu chốt chính là trung thực và đơn giản. Hãy giới thiệu bản thân khi tham gia các forum và cố gắng tham gia vào các cuộc trao đổi trên các mạng xã hội trước khi gửi tin nhắn cho ứng viên bị động. Bằng cách đó, khi bạn tiếp cận họ, cuộc trò chuyện của bạn sẽ bớt ngại ngùng hơn.
Sự kiên trì có chừng mực cũng có thể giúp bạn rất nhiều. Một số nhà tuyển dụng thường bị report hoặc cho vào phần spam nếu họ gửi cho ứng viên quá nhiều tin nhắn. Chúng tôi sẽ có một bài viết chi tiết về việc nên “theo đuôi” ứng viên bị động đến chừng mực nào là hợp lý.
2.2. Các trang tin việc làm
Đây là cách làm thường được các nhà tuyển dụng sử dụng: phần lớn các trang việc làm hiện nay đều có tính năng cho nhà tuyển dụng dò tìm CV, tùy thuộc vào độ uy tín của trang tin mà có ít hay nhiều kết quả, kết quả có chất lượng hay không. Đổi lại, bạn sẽ phải mất cho bên trang tin một khoản tiền để được hiển thị contact liên hệ của ứng viên. Ưu điểm của cách làm này là bạn xem được trực tiếp chính CV của các ứng viên bị động và có thể chủ động liên hệ ngay với họ về cơ hội việc làm – nhưng nhớ nhắc cho họ rằng bạn đọc được CV của họ ở đâu nhé.
2.3. Hội thảo và sự kiện cũng là những kênh hiệu quả
Kể cả trong thời đại 4.0 hiện nay, chẳng có gì tốt hơn là gặp gỡ nhau trực tiếp. Gặp mặt và trò chuyện với ứng viên bị động sẽ giúp bạn xây dựng được niềm tin và mối quan hệ với họ.Có nhiều buổi hội thảo và sự kiện mà bạn có thể tham dự: các buổi hackathon, ngày hội việc làm, sự kiện của các trường đại học,…; hoặc tự tổ chức các hội thảo chuyên đề về lĩnh vực của chính doanh nghiệp bạn.
2.4. Ứng viên thông qua giới thiệu (referral)
Tuyển dụng thông qua giới thiệu được chứng minh là một trong những hình thức tuyển dụng hiệu quả nhất: ứng viên được giới thiệu thường có chất lượng tốt hơn và gắn bó với công việc lâu hơn. Để chương trình giới thiệu ứng viên nội bộ được hiệu quả, bạn có thể tham khảo bài viết này của chúng tôi. Điều cốt lõi là tạo ra một quy trình đơn giản, rõ ràng nhất; và tạo động lực cho họ bằng những giá trị xứng đáng.
Ngoài ra, trước khi bạn nhờ cậy mọi người giới thiệu, hãy điểm qua những mối quan hệ của bạn trước. Có thể bạn đã quen một ai đó đã có kinh nghiệm làm việc tại vị trí bạn đang tuyển dụng, như là đồng nghiệp cũ hoặc bạn đại học. Bạn có thể liên lạc lại với họ và trao đổi về cơ hội mới này.
2.5. Lấy thông tin trong dữ liệu ứng viên của công ty
Những ứng viên không trúng tuyển trong các đợt tuyển dụng trước sẽ có thể là ứng viên phù hợp trong tương lai. Nếu như bạn có sử dụng phần mềm quản lý tuyển dụng E-hiring (còn gọi là ATS – Applicant Tracking System), thì nghĩa là bạn đang nắm trong tay một danh sách profile ứng viên rất phong phú. Hãy chọn lọc trong danh sách các ứng viên tiềm năng. Rất nhiều ứng viên đã bị đánh trượt trong vòng cuối của lần tuyển dụng trước ở công ty bạn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, có thể họ đã tìm được công việc mới và có thêm nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm. Hãy xem xem kế hoạch tương lai của họ là gì.
Lưu ý là để cho phương pháp này hiệu quả, công ty bạn nên tập trung vào sự trải nghiệm của ứng viên. Những ứng viên nhận được sự chào đón nồng hậu và ấn tượng với công ty bạn sẽ có nhiều khả năng cân nhắc chuyển sang làm cho công ty bạn trong tương lai. Ngược lại, những ai mà không có trải nghiệm tốt có thể sẽ không muốn gặp lại bạn lần thứ 2.
3.Những lưu ý khi tiếp cận các ứng viên bị động
Xác định điều gì là hấp dẫn đối với ứng viên bị động
Điều gì sẽ thuyết phục được ứng viên rằng chuyển sang làm việc cho công ty bạn là một bước đi đúng đắn? Do ứng viên bị động luôn có tâm lý so sánh, nên để “win” được họ, bạn phải nắm được điều thâm tâm họ mong muốn. Càng hiểu sâu về ứng viên mình chuẩn bị gặp mặt, việc tiếp cận càng suôn sẻ và tự nhiên hơn.
Hãy xem xem liệu họ có quan tâm tới việc chuyển công tác hay không, họ có cảm thấy hài lòng với vị trí hiện tại không. Bạn có thể hỏi họ về dự định trong tương lai cho sự nghiệp – nếu những ứng viên đó đang thăng tiến tại công ty họ làm, họ đó sẽ ít có khả năng muốn nghỉ việc hơn. Hãy tập trung vào điều họ muốn và quyết định xem bạn có thể đề nghị họ đến làm việc tại vị trí phù hợp với nguyện vọng của họ hay không.
Bạn cũng có thể tìm ra điều gì sẽ hấp dẫn ứng viên bằng cách đọc profile của họ. Chẳng hạn, có thể họ đang làm lập trình viên Android, nhưng trên LinkedIn lại đăng chứng chỉ tham gia rất nhiều cuộc thi lập trình Python, hay đã tham gia các khóa học online về quản lý gần đây. Đây có thể là những dấu hiệu để bạn đoán được mục tiêu và kế hoạch tương lai của họ.
Nếu bạn đang tuyển dụng cho vị trí cần các kỹ năng đó, bạn có thể nói với họ rằng bạn ấn tượng với các hoạt động họ tham gia và mô tả công việc bạn đang tuyển dụng có liên quan tới các hoạt động đó như thế nào. Nói chung, hãy tìm những thông tin mà có thể giúp bạn hiểu nhu cầu của ứng viên – đặc biệt là bất cứ dấu hiệu gì cho thấy những điều mà họ muốn làm trong thời gian tới.
Hãy đề nghị công việc mang tính dài hạn, chứ không phải một sự thay thế ngắn hạn
Chẳng ai muốn từ bỏ công việc hiện tại để rồi lại mau chóng từ bỏ công việc tiếp theo ngay sau đó. Để có thể thuyết phục được một ứng viên bị động, bạn sẽ cần phải đưa ra được lý do tại sao công việc tại công ty bạn là một cơ hội dài hạn để có sự nghiệp thăng tiến hơn.
Cá nhân hóa tới từng ứng viên
Nếu thuyết phục ứng viên thường khó 1 thì để ghi điểm trong mắt ứng viên bị động sẽ khó gấp 10. Cách duy nhất để kéo họ ra khỏi guồng quay hàng ngày và khiến họ chú ý đến bạn là sự chân thành, mà điều đó không thể có bằng một cái email chung chung mà bạn đã gửi cho hàng trăm người khác.
Những email được soạn cho từng ứng viên sẽ cần nhiều công suy nghĩ hơn. Bạn có thể sử dụng một mẫu email chung để tiết kiệm thời gian, nhưng từng thông tin trong đó cần được cụ thể, và sát với con người họ nhất có thể. Đại ý của email đó là nên chỉ ra được điều gì ở profile của họ hấp dẫn bạn. Ở đây chúng tôi có một mẫu email gửi cho ứng viên bị động, nhưng đừng copy paste nó nhé!
Trao đổi với ứng viên những điều họ thắc mắc
Theo báo cáo của LinkedIn năm 2016 về xu hướng tìm việc làm tại Mỹ và Canada, 89% nhân viên chất lượng cao rất cởi mở với các cơ hội việc làm mới. Gần 75% những ứng viên bị động này muốn hiểu thêm về văn hóa và giá trị của một công ty cũng như lương bổng và ích lợi khi làm việc tại công ty đó.
Bản báo cáo cũng đưa ra một số lời khuyên thẳng thắn của những ứng viên bị động, rằng các nhà tuyển dụng cần phải đưa ra cái nhìn trung thực, hơn là ảo tưởng về công ty họ. Các ứng viên sẽ rất tò mò về cái nhìn chủ quan của nhân viên trong công ty bạn và muốn biết xem điều gì khiến công ty bạn nổi bật. Họ cũng muốn hiểu về kỳ vọng của bạn đối với công việc, lượng công việc, và nhận công việc mới này sẽ có tác động tới sự nghiệp của họ như thế nào. Suy cho cùng, ứng viên bị động sẽ cân nhắc chuyển sang công ty của bạn khi họ có cái nhìn toàn cảnh và rõ ràng về những gì mà bạn có thể cung cấp cho họ.
Thu hút và chiêu mộ ứng viên bị động thực sự là một nghệ thuật, mà cốt lõi ở đó là sự chân thành và tôn trọng. Ứng viên bị động là một nguồn ứng viên không thể thiếu trong chiến lược tuyển dụng dài hơi của doanh nghiệp. Nguồn ứng viên này không dễ có, nhưng chất lượng của họ chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng.
Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…
Đăng ký nhận tư vấn trải nghiệm Base E-hiring tại đây để tìm thấy chìa khoá cho bài toán săn tìm ứng viên của doanh nghiệp.