9 cách khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên

Khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên luôn là liều thuốc bổ, rẻ cho mọi vấn đề của doanh nghiệp. Không cần cường điệu hóa cũng thấy nếu 1 tập thể đoàn kết sẽ đem lại sức mạnh to lớn ra sao cho bộ máy của công ty. Bài viết này Base Hiring sẽ tổng hợp 9 cách tối ưu nhất để khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên. 

Khích lệ tinh thần của nhân viên có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho tổ chức: từ tăng năng suất làm việc chung, thúc đẩy kết quả kinh doanh, lại giảm những chi phí có thể phát sinh từ mâu thuẫn hay nguy cơ nghỉ việc,… 

Mỗi nhân viên là một cá nhân, với những nhu cầu tinh thần riêng. Dù là trưởng phòng hay giám đốc, bạn không thể đối xử với nhân viên như vua với các thần dân được. Người quản lý hiện đại là người có thể đứng gần bên nhân viên hơn và đối xử với họ như những người bạn.

Để khích lệ tinh thần nhân viên, tất nhiên còn phụ thuộc nhiều vào văn hóa của từng doanh nghiệp, nhưng về cơ bản bạn có thể tham khảo 9 cách làm sau:

1. Tối ưu hóa quy trình Teamwork

Teamwork gần như là một hoạt động không thể tránh khỏi tại nơi làm việc, nhất là ở các doanh nghiệp trẻ. Để các nhân viên có thể thoải mái nhất trong hoạt động teamwork của mình, có một số gợi ý cho doanh nghiệp như sau:

  • Tăng tần suất làm việc Teamwork

Việc đơn giản đầu tiên cần làm đó là tăng tần suất hoạt động Teamwork. Việc này không có gì quá cao siêu, chỉ đơn giản là tăng số nhóm làm việc chung lên và lập nhiều dự án có sự góp sức của nhiều người. Việc cộng tác thường xuyên có thể làm gia tăng “chỉ số tình cảm” giữa các nhân viên.

  • Xác định mục tiêu cụ thể


Đối với các bậc lãnh đạo hay các vị trí trưởng nhóm thì mục tiêu chính là động lực kinh doanh của họ còn với các nhân viên hay thực tập sinh cấp dưới, mục tiêu có thể kết hợp cả việc phát triển bản thân, nâng cao năng lực.

Trong một nhóm hay một tổ chức, xảy ra xung đột về mục đích sẽ dẫn đến xung đột về lợi ích và chắc chắn các mối quan hệ như vậy sẽ sớm rạn nứt. Bởi vậy, mục tiêu cần được đặt ra rõ ràng và phải được thống nhất bởi các thành viên. 

  • Phân định rõ vai trò, quyền lợi tương xứng của từng thành viên

Sau khi đã xác định các mục tiêu chung, giờ là lúc xác định các mục tiêu cho các cá nhân. Điều này nói lên vai trò của từng cá thể trong nhóm và dựa trên đó sẽ quyết định quyền lợi tương xứng cho họ. Quyền lợi có thể kể đến như tiền lương, thưởng, điểm đánh giá, khen tặng,…
 
Nhưng một vấn đề cần bàn hơn đó là vai trò, hay còn gọi là vị trí. Các leader cần cần nhắc kỹ lưỡng điều này bởi vai trò trong Team cần có sự cân bằng để không xảy ra xích mích. Nên tránh các trường hợp quá dồn việc cho một cá nhân hay để một cá nhân không có việc gì để làm và quyền lợi phân chia không tương xứng với từng người. 

  • Chăm chút cho lời khen, lời cảm ơn và ghi nhận

Sau mọi kết quả Teamwork, dù xấu hay tốt, các quản lý cần khéo léo “khen trước”. Đây là một tip rất đơn giản mà hiệu quả. Chúng ta nên luôn lắng nghe và tìm ra điểm mạnh trước những điểm yếu. Điều này khích lệ tinh thần nhân viên rất nhiều khi ai cũng muốn được khen cả.

2. Xây dựng văn hóa dựa trên niềm tin và chia sẻ

Mỗi doanh nghiệp sẽ có một định hướng riêng nhưng rõ ràng văn hóa của bất kỳ đâu cũng nên dựa trên chia sẻ. Khi chia sẻ chúng ta sẽ tin tưởng nhau hơn, yêu quý nhau hơn. Việc làm Teamwork sẽ không đơn thuần là phối hợp mà phải là kết hợp, hòa hợp với nhau. Mọi người sẽ thân nhau hơn. Từ đây, công ty vừa có thể tăng năng suất làm việc, vừa có những buổi hội họp, tiệc tùng, Teambuilding vui vẻ hơn.

Để xây dựng văn hóa dựa trên niềm tin, bạn phải đề cao sự trung thực nội bộ. 

Phần lớn sự không trung thực đến từ việc nhân viên không ưa hoặc e ngại sức ép từ phía quản lý. Nếu bạn là quản lý thì điều đó có thể đến từ quản lý cấp cao hơn và chính những người quản lý cao nhất chịu hậu quả cao nhất. 

Vậy, tại sao phải tạo sức ép lớn cho nhau vậy? Vì kết quả, vì động lực làm việc, hay vì lý do nào khác? Có lẽ chúng ta nên có cách xử sự nhẹ nhàng hơn, và “thân” nhau hơn. Lúc này, con người rất dễ mở lòng và không ngại đối mặt với sự thật.

Khi đã tin tưởng, mọi người sẽ không ngại chia sẻ mọi thứ. Từ việc tối qua ăn gì cho đến những khó chịu cần giãi bày khi phối hợp làm việc hay việc mổ xẻ các kết quả công việc yếu kém đều dễ dàng được chia sẻ. Giờ mọi thứ sẽ đơn giản hơn, chúng ta chỉ cần 2 chữ “lắng nghe”. Khi được lắng nghe, tinh thần của chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều.

3. “Làm hết sức, chơi hết mình”

Luôn khuyến khích các đồng đội, nhân viên của mình làm việc hết sức bởi họ biết rằng phần thưởng đằng sau luôn rất giá trị. Để nhân viên “chịu chơi” với các nhiệm vụ của công ty thì các nhà lãnh đạo cũng cần “chịu chơi” khi đưa ra những hậu thưởng hợp lý. Có thể đó là một chuyến đi dã ngoại Team Building, thưởng nóng tiền mặt hay trang trí nơi làm việc như một quán cafe nho nhỏ. Ngoài ra, các trò chơi tập thể sau giờ làm, thẻ tập Gym & Fitness miễn phí cho các nhân viên tại phòng tập kế bên cũng là những hoạt động bổ ích mà các quản lý có thể xem xét và đưa vào thực tế. 

4. Giảm quy tắc, luật lệ

Có nhiều công ty quá nghiêm khắc trong các luật lệ. Luật thưởng phạt có thể khắt khe đến mức quy định cả mức phạt cho nhân viên mỗi khi muộn làm dù chỉ 1 phút, chẳng may vứt rác bừa bãi hay quên không tắt đèn, điện, … Những lỗi này ai cũng biết là nó quan trọng và nó thể hiện ý thức, sự cẩn thận, v..v.. Liệu chúng ta có nên chi li như thế?

Hãy để toàn bộ nhân viên hiểu được điều họ làm sai hay đúng một cách ngầm hơn. Ví dụ, bạn có thể giải quyết thông minh như vị trưởng phòng IT trong tình huống sau. 

“Một công ty A có phòng IT gồm 10 thành viên. Cả 10 ông IT ở đây đều rất bừa bộn, tính cách khá xuề xòa. Vị quản lý nhận thấy liền thuê một người lao công, cứ 17h chiều hằng ngày tới dọn dẹp cả công ty. Phòng IT rất ngưỡng mộ sếp vì hành động rất tâm lý. Tuy nhiên, lương tháng đó sau khi được trả, mỗi thành viên đều nhận được ít hơn 200K. Người quản lý hoàn lại 200K cho mỗi người từ lương của chính ông và hỏi họ lần sau họ trả hộ ông được không? Từ đó, các nhân viên IT không bừa bộn như trước nữa.”

Quản lý trên đã dùng lương của phòng IT để thuê dọn dẹp cho cả công ty, bao gồm các phòng ban khác. Nếu nhân viên phòng IT cứ tiếp tục bừa bộn thì công ty có đủ chi phí để thuê lao công hằng ngày, còn nếu họ thay đổi thì vấn đề đã được giải quyết. Hành động trả lại tiền của vị quản lý là nước cờ cao tay trong việc nhắc nhở nhân viên của mình.

5. Cho phép nhân viên theo đuổi mục tiêu cá nhân

Mỗi người chúng ta đều có các mục đích riêng, sở thích riêng nhưng phần lớn lại bị ràng buộc bởi việc kiếm tiền. Câu chuyện “miếng cơm manh áo” muôn thuở đã không ít lần khiến chúng ta phải gác lại các mục tiêu cả nhân để theo đuổi công việc. Ngược lại, nhiều người bỏ công việc ổn định, đi theo đam mê nhưng không phải ai cũng thành công. 

Bên cạnh các KPI mà nhân viên phải hoàn thành theo giao phó của quản lý, họ vẫn mong muốn các mục tiêu ngoài công việc là đí đến cho riêng bản thân như: chơi được 1 bản nhạc cho ngày Bonding cuối tuần của công ty, phải học thuộc lời một bài hát, phải nghiên cứu 1 ý tưởng sáng tạo liên quan đến sản phẩm và thuyết trình nó vào cuối tuần tới, … 

Để đảm bảo sự hài hòa và làm mới công việc của nhân viên, người quản lý có thể kết hợp các tasks ngoài công việc như là một KPI trong tuần: nghiên cứu 1 chủ đề để thuyết trình và hướng dẫn nhân viên, tham gia một buổi hội thảo của diễn giả chuyên ngành … Có một vài công ty đã áp dụng các phương pháp này và nó khá hiệu quả. 

6. Các chương trình ngoại khóa đặc sắc

Các chương trình dã ngoại, hoạt động đóng một vài trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện tinh thần làm việc của nhân viên. Ai cũng thích vui chơi cả!

  • Các buổi liên hoan, teambuilding, tiệc hội

Liên hoan thì có thể được tổ chức khá thường xuyên. Có thể là hằng tuần, hằng tháng hay sau mỗi chiến dịch thành công. Sẽ tốt nếu mọi người luôn vui vẻ và giữ tâm trạng thoải mái.

Tiệc hay dạ hội sẽ phù hợp hơn cho các buổi tổng kết cuối năm hay các sự kiện trọng đại như 5 năm thành lập công ty, 10 năm thành lập công ty.  

Đi dã ngoại hay Teambuilding nên được tổ chức theo mùa. Ở Việt Nam thì mùa hè là khoảng thời gian phù hợp để bạn có thể tổ chức các chương trình như vậy. 

  • Du lịch

Nhiều công ty có chính sách du lịch 1 năm 1 lần và nó thực sự hiệu quả khi đa phần các thành viên trong công ty đều thích điều đó. Tất nhiên, số lượng mà chúng tôi khuyên nên là nhiều hơn 1 lần 1 năm, tùy theo tiềm lực tài chính của công ty bạn. Đây là cơ hội để mọi người tạo các mối quan hệ bền chặt hơn và có những khoảng thời gian vui vẻ.

  • Thể dục thể thao (Yoga, Fitness,…)

Nếu bạn là một công ty có số lượng nhân viên văn phòng nhiều, nhân viên của bạn cần vận động. Đây không đơn thuần là cách để cải thiện sức khỏe, khoa học cũng chứng minh nó có khả năng cải thiện tinh thần cực tốt. Nhiều công ty mua các vé tập cho nhân viên của mình tại các phòng tập lớn ở Hà Nội như Elite Fitness hay Swequity giúp tăng hình ảnh của doanh nghiệp lên nhiều, thu hút tuyển dụng. 

  • Các hoạt động nhân ngày lễ Tết

Ngày lễ Tết sẽ không giống nhau ở mỗi nước nhưng trong phạm vi bài viết, chúng ta đang nói tới các doanh nghiệp ở Việt Nam. Tết là dịp lễ cổ truyền quan trọng với người Việt. Người Việt muốn nhận những món quà ý nghĩa, những hoạt động bổ ích trong dịp này.


Các hoạt động có thể kể tới như tặng “lì xì”, tặng thiệp, câu đối, tặng lịch vạn sự hay rủ cả công ty đi lễ chùa đầu năm,… Mọi người có thể nghĩ ra nhiều hoạt động khác dựa trên ngày lễ cổ truyền của dân tộc.

7. Các chương trình huấn luyện chuyên sâu, bổ ích

Mọi thành viên trong công ty đều muốn nâng cao năng lực của bản thân. Khi sở hữu năng lực vượt trội và là mình tốt hơn của ngày hôm qua, chúng ta đều cảm thấy thoải mái và muốn cống hiến.

  • Chương trình huấn luyện chuyên môn riêng từng phòng ban

Tùy vào đặc thù của mỗi công ty, mỗi phòng ban lại có thể suy nghĩ về các chủ đề khác nhau, từ đó đưa ra các chương trình huấn luyện phù hợp. 

  • Hội thảo Self-help và các chủ đề khác

Bên cạnh việc phát triển tập thể, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào hoàn thiện từng cá nhân. Lúc này các chủ đề Self-help tỏ ra rất giá trị. Những chủ đề như “cách quản lý thời gian”, “cách đặt ra mục tiêu, lập kế hoạch”, “cách tìm kiếm đam mê”, “cách quản trị cảm xúc”, … đều là những kiến thức bổ ích cho các cá nhân.

Bên cạnh các chủ đề Self-help, chúng ta có thể nghĩ tới các chủ đề bên ngoài và thú vị hơn như “Nghệ thuật bán hàng”, “Nhân tướng học DISC”, “Sơ lược về Tử vi, Chiêm tinh”, … Những chủ đề gây ra sự tò mò, kích thích tìm tòi là những chủ đề phù hợp.

8. Lắng nghe

Đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà mọi người trong công ty cần nắm thật rõ. Một quản lý lắng nghe thắc mắc của nhân viên, một nhân viên lắng nghe vấn đề của quản lý hay một nhân viên lắng nghe lời giải thích đến từ đồng nghiệp của mình. Đó là sự thấu hiểu và nó sẽ quyết định gần như tất cả các hoạt động Teamwork trong công ty.

Biết lắng nghe rất quan trọng. Nó giúp phòng ngừa mâu thuẫn, tăng giao tiếp hiệu quả, cải thiện văn hóa chia sẻ của doanh nghiệp. Hãy luôn nhắc nhở bản thân và những người trong công ty cần biết lắng nghe nhau ban nhé! 

9. Kiên nhẫn

Bí kíp cuối cùng mà cũng là bí kíp đỉnh cao nhất lại đơn giản không ngờ. Bí kíp này nghe chừng sẽ phù hợp hơn với giới quản lý nhưng trong làm việc nhóm, nó cần cho tất cả mọi người. Kiên nhẫn là một đức tính tuyệt vời có thể chữa lành mọi vết thương trong doanh nghiệp của bạn. Mọi thứ cần thời gian!

Biết rằng trong kinh doanh, đặc biệt là Start-ups thì tốc độ là điều tối quan trọng nhưng tốc độ ở đây không có nghĩa là thiếu kiên nhẫn. Tốc độ có nghĩa là không ngại sai, để kiên trì sửa sai và đạt tới kết quả cuối cùng. Hãy luôn kiên nhẫn với nhân viên, với đồng nghiệp của mình! 

Kết luận

Để khích lệ tinh thần nhân viên, chúng tôi đã bày ra cho bạn 9 kế sách đã được kiểm chứng thực tiễn giúp bạn đem lại sự thăng hoa cho cấp dưới của mình. Tuy nhiên, điều tối quan trọng nằm ở trong chính người quản lý bởi mỗi người chúng ta đều toát ra một thứ năng lượng vô hình, có thể truyền từ người này qua người khác. Mong rằng bên cạnh 9 cách này, mỗi người quản lý tự phát huy nội lực của mình và là ngọn lửa dẫn đường cho mọi thành viên trong đội nhóm!

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Download miễn phí combo 5 tài liệu tuyển dụng-nhân sự chỉ với 1 click tại đây

9 cách khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên

Viết một bình luận