Xây dựng thương hiệu cá nhân có bắt buộc với các CEO?

Bạn thường nghe về thương hiệu kinh doanh, và tất nhiên, bạn muốn xây dựng cho doanh nghiệp của mình một thương hiệu. Nhưng chính bạn cũng hiểu rằng, ngày nay việc xây dựng thương hiệu đang ngày càng quan trọng ở cấp độ cá nhân.

Bạn đã từng đọc ít nhất 3 bài báo về Steve Jobs và những lần diễn thuyết tuyệt vời về chiến lược ra mắt sản phẩm mới? Thấy gương mặt chàng trai trẻ tên Mark Zuckerberg xuất hiện với logo Facebook màu xanh? Nghe kể về Bill Gates cùng vợ thường xuyên đi làm từ thiện? Hay tại châu Á là gương mặt tiêu biểu của Jack Ma?

Trên thực tế, chẳng có doanh nghiệp danh tiếng nào mà CEO, thậm chí là đội ngũ quản lý của họ không được khâm phục bởi một thương hiệu cá nhân. Bởi vậy, ngay bây giờ chính là lúc bạn cần nghiêm túc nghĩ về cách xây dựng thương hiệu cá nhân của riêng mình, cho dù bạn mong muốn sở hữu nó hay là buộc phải làm vì doanh nghiệp.

1. Thương hiệu cá nhân là gì?

Có một câu chuyện về thương hiệu” được lan truyền phổ biến ở Mỹ. Có một cậu bé luôn được đặt vào hàng ghế sau của chiếc oto do cha cậu lái. Mỗi khi chiếc xe di chuyển đến đường cao tốc, cậu bé thấy được những hình vòng cung màu vàng qua cửa sổ xe và la lên “Donald Donald”!

Lúc bấy giờ cậu bé đã đủ khả năng để đọc. Nhưng cậu la lên như vậy không phải vì nhớ được cái tên McDonald’s, mà là nhớ về logo của nó. Khi được bố mẹ dẫn tới McDonald’s để ăn trưa, cậu bé sẽ tiếp tục liên kết burger và khoai tây chiên với các vòng cung vàng này.

Đó là xây dựng thương hiệu (branding).

xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-01

Thương hiệu McDonald’s luôn gắn liền với logo có hình vòng cung vàng

Thương hiệu (nói chung) là bất cứ thứ gì mà một biểu tượng, thiết kế, tên, âm thanh, danh tiếng, cảm xúc, nhân viên, giọng điệu,… và nhiều hơn nữa – là cách biệt một thứ với tất cả những thứ khác.

Trong trường hợp của McDonald’s, các vòng cung màu vàng đã trở thành một phần của thương hiệu. Logo đó tách sản phẩm của họ khỏi tất cả các nhà hàng thức ăn nhanh khác và là một biểu tượng dễ nhận biết ngay cả với trẻ em.

Vậy thương hiệu cá nhân (personal brand) là gì?

Thương hiệu cá nhân là tất cả những gì bạn gây ấn tượng với mọi người, từ ngoại hình, tính cách, nghề nghiệp,… đến các giá trị mà bạn đóng góp được cho xã hội.

Xây dựng thương hiệu cá nhân cũng có thể được hiểu nôm na là một cách PR cho chính bản thân mình. Nhưng nó không hề đơn giản, bởi nếu dễ thì vị CEO nào cũng nổi tiếng tầm cỡ quốc tế cả rồi!

2. Tại sao mọi CEO đều được khuyến khích xây dựng thương hiệu cá nhân?

  • Xây dựng một thương hiệu cá nhân giúp mở ra nhiều cơ hội trong kinh doanh hơn cho CEO.

Khi bạn xây dựng một doanh nghiệp xung quanh lĩnh vực chuyên môn của bạn (ví dụ: công nghệ 4.0, huấn luyện viên, trung tâm du học,…), khái niệm xây dựng thương hiệu cá nhân có lẽ đến với bạn tự nhiên giống như cách tiếp cận với khái niệm “bộ mặt kinh doanh” vậy.

Ngay cả khi bạn xây dựng một công ty có thương hiệu riêng (chẳng hạn như công ty chuyên về phần mềm quản trị doanh nghiệp), thì việc xây dựng một thương hiệu cá nhân vẫn có những lợi ích của nó.

  • Bạn không cần thiết phải đau đầu lựa chọn giữa thương hiệu cá nhân và thương hiệu công ty. Bạn có thể xây dựng cả hai cùng một lúc.

Nếu không có điều gì đó giúp bạn khác biệt, có ấn tượng lâu dài trong tâm trí của nhân viên, khách hàng và rộng hơn là công chúng, bạn có thể thấy mình bị chìm nghỉm giữa hàng ngàn người khác cùng mang chức danh CEO.

People connect with people.” Hầu hết mọi người quan tâm đến việc theo dõi những cá nhân hơn là theo dõi một công ty cụ thể. Do đó, thu hút đối tượng cho thương hiệu cá nhân của bạn thực sự có thể giúp ích cho việc kinh doanh của công ty của bạn.

Ví dụ: Số lượng người theo dõi trang Twitter cá nhân của Elon Musk nhiều hơn tổng số 3 công ty của ông (Tesla, SpaceX và SolarCity) cộng lại. Điều tương tự cũng đúng với Richard Branson (Virgin), Arianna Huffington (Thrive Global) và vô số doanh nhân nổi tiếng khác. Họ đều đã sở hữu thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và họ biết cách tận dụng nó để tăng cường tiếp xúc và thu hút nhiều khách hàng hơn cho công ty.

3. Cụ thể hơn, xây dựng thương hiệu cá nhân giúp bạn đạt được những điều sau:

  • Định vị được sự tin tưởng và thẩm quyền

Một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ giúp bạn xây dựng niềm tin với khách hàng, và định vị bạn là một CEO có thẩm quyền, một nhà lãnh đạo tư tưởng thực sự trong lĩnh vực kinh doanh của bạn.

Hơn cả vậy, trong nội bộ doanh nghiệp, tất cả nhân viên dưới quyền bạn – từ các cấp quản lý tới nhân viên, chẳng phải đều thấy tự hào và an tâm hơn khi có một CEO có thương hiệu hay sao? Đây là một yếu tố cốt yếu nhằm giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc (turnover rate) của doanh nghiệp.

Thương hiệu cá nhân của CEO cũng được liệt kê thành một tiêu chí quan trọng của EVP doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác tuyển dụng. Bởi lẽ ứng viên có xu hướng tìm hiểu về người đứng đầu (tên tuổi, thành tích, thậm chí cả lý lịch đời tư) của vị sếp tối cao trước khi đưa ra quyết định đầu quân vào đó.

  • Nhận được sự ưu ái của phương tiện truyền thông

Các phương tiện truyền thông đang liên tục tìm kiếm các chuyên gia có thể chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm với khán giả của họ. Họ cần sự lộ diện cụ thể của những thương hiệu cá nhân mang đặc điểm tốt được nhiều người đón nhận.

Có một thương hiệu cá nhân giúp bạn có cơ hội xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông (ấn phẩm trực tuyến, tạp chí, truyền hình, đài phát thanh, podcast,…). Thật tuyệt vời vì đây là sự tác động hai chiều, nghĩa là sự xuất hiện trước công chúng này cũng góp phần làm tăng độ phủ cho thương hiệu cá nhân của bạn.

  • Xây dựng được mạng lưới quan hệ rộng và bền vững

Khi bạn có một thương hiệu cá nhân thể hiện rõ ràng bạn là ai, bạn làm gì và bạn giúp đỡ người khác như thế nào, những người khác trong giới kinh doanh hiểu rằng việc kết nối với bạn rất có giá trị. Bạn có thể tận dụng thương hiệu cá nhân của mình để nhanh chóng xây dựng cả network trực tuyến và ngoại tuyến – với các mối quan hệ thật sự chứ không phải mạng lưới ảo.

Xây dựng mối quan hệ với một thương hiệu cá nhân tiết kiệm thời gian và công sức hơn nhiều so với một thương hiệu kinh doanh.

  • Thu hút nhiều khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp

Xây dựng thương hiệu cá nhân vừa là CEO vừa là một chuyên gia trong một ngành / lĩnh vực cụ thể giúp bạn gây ấn tượng với nhiều khách hàng tiềm năng hơn. So với những nhà cung cấp ít tên tuổi hoặc chưa được biết đến, mọi người cũng sẽ ưa chuộng giới thiệu khách hàng đến với bạn.

  • Định giá sản phẩm / dịch vụ cao hơn

Một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ là cái cớ chính đáng cho việc ấn định mức giá cao cho các sản phẩm / dịch vụ của bạn. Nếu không có thương hiệu, mặt hàng của doanh nghiệp bạn sẽ bị cạnh tranh khốc liệt về giá và bị nhăm nhe đánh bại bởi nhiều đối thủ.

  • Tạo ra nền tảng phát triển doanh nghiệp lâu dài

Theo thời gian, doanh nghiệp của bạn sẽ tăng trưởng. Lúc này, bạn sẽ mở rộng quy mô sang nhiều chi nhánh, thậm chí còn có thể thử sức với nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Nhưng dù bạn có “khởi nghiệp lại từ đầu” theo cách đó, thì bạn cũng luôn có một nền tảng song hành vững chắc – một thương hiệu cá nhân từ trước.

xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-02

Xây dựng thương hiệu cá nhân giúp bạn khẳng định vị thế cho bản thân và doanh nghiệp trên thị trường

Tạm kết

Một CEO không sở hữu thương hiệu cá nhân hoàn thiện vẫn có thể làm kinh doanh; nhưng một CEO tài ba muốn hiện thực hoá tầm nhìn chiến lược cho doanh nghiệp thì cần xây dựng thương hiệu cá nhân một cách hoàn chỉnh.

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Đăng ký nhận miễn phí bộ tài liệu kiến thức cho nhà tuyển dụng TẠI ĐÂY.

Xây dựng thương hiệu cá nhân có bắt buộc với các CEO?

Viết một bình luận