Ứng viên đi đến vòng phỏng vấn cuối cùng đã là những người rất tiềm năng. Làm thế nào để đặt những câu hỏi có tính phân loại cao giúp bạn đưa ra quyết định nhanh chóng?
1. Tiến hành vòng phỏng vấn cuối cùng như thế nào?
Quyết định tuyển dụng đúng đắn đòi hỏi phải qua vài giai đoạn: duyệt hồ sơ, hai hoặc nhiều vòng phỏng vấn, thậm chí trong một số trường hợp, còn có các đánh giá dựa trên kỹ năng. Bởi vậy, hãy mời những ứng viên có đủ tiêu chuẩn tham gia một vòng phỏng vấn cuối để xác định người phù hợp nhất cho tổ chức của bạn trước khi đưa ra offer chính thức.
Đối với đợt phỏng vấn vòng cuối, hai hoặc ba ứng viên có tên trong danh sách thường sẽ gặp CEO. Để kêt quả đưa ra được khách quan nhất, hãy cân nhắc đến việc để cả 3 người là trưởng bộ phận tuyển dụng, quản lý trực tiếp và CEO cùng tham gia vòng này, nếu các vòng phỏng vấn trước đó họ không tham gia. Khi mời ứng viên tham gia phỏng vấn, nhớ làm rõ rằng đây là vòng phỏng vấn cuối và cho họ biết họ sẽ gặp ai. Nếu là người chuẩn bị câu hỏi cho hội đồng phỏng vấn, hãy đảm bảo bạn đưa vào tất cả những câu hỏi mà các thành viên trong hội đồng phỏng vấn có thể đặt ra.
Vòng phỏng vấn cuối cùng giúp bạn tìm ra những người có thể cùng đồng hành với bạn lâu dài: những người hiểu và chia sẻ những giá trị của công ty bạn. Những ứng viên đã đến được vòng phỏng vấn cuối cùng này là những người đủ khả năng làm được việc, nhưng để tìm ra một nhân tố đột phá có thể hòa mình vào dòng chảy của công ty, đóng góp vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp, bạn cần đến vòng phỏng vấn cuối cùng này..
2. Mẫu câu hỏi trong vòng phỏng vấn cuối
- Giờ đây khi bạn đã nắm rõ về trách nhiệm của vị trí này, mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
- Nếu được tuyển dụng chính thức, bạn muốn bản thân được phát triển thế nào trong công ty? Bạn nghĩ mình sẽ làm điều đó như thế nào?
- Ngoài công việc, sở thích của bạn là gì?
- Đến thời điểm hiện tại thì trải nghiệm của bạn với công ty của chúng tôi như thế nào với tư cách một ứng viên? Tại sao bạn muốn/không muốn tiếp tục ứng tuyển vị trí này?
- Điều gì sẽ làm bạn bỏ việc trong tháng đầu tiên đi làm?
- Sớm nhất là khi nào bạn có thể bắt đầu công việc ở công ty chúng tôi?
- Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?
3. Cách đánh giá các câu trả lời của ứng viên trong cuộc phỏng vấn cuối cùng
- Dù có thể bạn đã từng thảo luận về vấn đề này với những ứng viên có tiềm năng, cuộc phỏng vấn cuối cùng cũng là cơ hội tốt để xem xét lại những vấn đề như lương bổng, thời gian bắt đầu làm việc, giờ làm việc…
- Nếu tuyển phải người rời bỏ công ty quá sớm thì cũng sẽ gây ra tổn thất lớn về thời gian và chi phí. Vậy nên, hãy xác định và lựa chọn ứng viên có mục tiêu nghề nghiệp dài hạn phù hợp với mục tiêu của công ty bạn.
- Chọn giữa hai đến ba ứng viên là rất khó. Hãy thử hình dung xem từng cá nhân này sẽ làm việc tại doanh nghiệp của bạn như thế nào. Ai sẽ cộng tác tốt với đội của họ? Ai sẽ dám dấn thân để đạt được mục tiêu?
- Đặt các câu hỏi để biết các ứng viên có thực sự hiểu được nhu cầu và mục tiêu của công ty bạn không. Những ai hiểu được là những người nhiều khả năng sẽ thích ứng nhanh hơn và thể hiện tốt hơn ở vị trí mới của họ.
- Kết hợp thông tin bạn thu thập được từ toàn bộ quá trình tuyển dụng để đưa ra quyết định cuối cùng. Ví dụ: nếu bạn đang muốn tuyển một ứng viên sơ cấp, bạn có thể chọn một ứng viên tuy chưa thể hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo nhưng luôn thể hiện sự nhiệt tình và rất mong muốn phát triển.
4. Những trường hợp cần lưu ý
- Họ không có câu hỏi nào cho bạn. Dù bạn có thể nói cụ thể và rõ ràng về vị trí đến mức nào chăng nữa, nhưng khi một ứng viên đặt thêm vài câu hỏi về công ty, về bộ phận mà họ sẽ làm việc cùng và các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng, điều đó chứng tỏ họ quan tâm đến việc gia nhập công ty của bạn và muốn thu thập càng nhiều thông tin càng tốt.
- Họ không chuyên nghiệp. Dù rằng đến lúc nào khoảng cách giữa bạn với ứng viên đã được rút ngắn nhiều, nhưng điều này không có nghĩa là họ có quyền kiêu ngạo hoặc tỏ ra quá thân mật đến bỗ bã trong vòng phỏng vấn cuối cùng của mình, đặc biệt nếu họ đang đối mặt với CEO của công ty.
- Họ hành động thiếu nhất quán. Nếu bạn nhận thấy sự khác biệt đáng kể trong hành vi của ứng viên từ cuộc phỏng vấn đầu tiên đến cuối cùng của họ, đó là dấu hiệu cho thấy họ có thể đã không tiết lộ nhân cách thực sự của họ.
- Họ đặt điều kiện vào những phút cuối. Nếu ứng viên trong vòng phỏng vấn cuối lại chia sẻ những hạn chế mà họ chưa bao giờ đề cập trước đó (ví dụ: “Tôi phải về sớm từ lúc 4 giờ chiều hàng ngày, vì lí do X”) hoặc thay đổi đáng kể mức lương mong đợi, đây là những biểu hiện của việc thiếu trách nhiệm và là dấu hiệu cảnh báo cho những vấn đề sẽ phát sinh trong tương lai.
- Họ thiếu sự nhiệt tình. Các ứng viên được mời phỏng vấn ở vòng cuối hẳn phải hiểu được rằng xác suất họ được tuyển chọn là rất cao. Có thái độ thụ động và thiếu năng lượng cho thấy ứng viên có thể đang cân nhắc lại về công việc hoặc họ đang sử dụng công ty của bạn như là một bàn đạp để theo đuổi sự nghiệp khác. Hãy cố gắng tìm hiểu xem động lực của họ đến đâu, nhưng đừng nhanh chóng từ chối những ứng cử viên có thể nhút nhát hoặc đơn giản là không biểu lộ cảm xúc.
Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…
Muốn tuyển dụng hiệu quả hơn? Tham khảo ebook MIỄN PHÍ của chúng tôi về cách xây dựng một chiến dịch tuyển dụng khoa học và bài bản nhất tại đây.