Tuyển dụng ứng viên tiềm năng nhưng thiếu kinh nghiệm: Nên hay không?

Ứng viên tiềm năng so với ứng viên có kinh nghiệm, đâu mới là đối tượng phù hợp với doanh nghiệp? Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn để tự đưa ra quyết định cho chính mình.

1. Dấu hiệu nhận biết ứng viên tiềm năng

  • Ứng viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp

Ngoài kinh nghiệm ra, việc phù hợp với văn hóa doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Bạn có thể sử dụng bộ câu hỏi kiểm tra độ phù hợp với văn hoá doanh nghiệp của ứng viên, hoặc để ý đến đặc điểm này trong quá trình thử việc. Nếu họ hòa nhập và bắt nhịp tốt với các hoạt động văn hóa của doanh nghiệp, đó chính là một ứng viên tiềm năng mà bạn có thể đào tạo trong tương lai.

  • Ứng viên biểu hiện được năng lực cần thiết cho công việc dù chưa phải hoàn thiện

Đây có thể được coi là những viên ngọc thô cần được mài giũa. Nếu bạn thấy ứng viên năng nổ, chủ động, không ngại việc khó, sẵn sàng lắng nghe phê bình để làm việc tốt hơn và biết nắm bắt cơ hội thăng tiến, thì họ là người bạn đang cần. Dù họ còn thiếu kỹ năng và kiến thức thực tế, nhưng với tinh thần học hỏi cao, họ sẽ trở thành một nhân viên tài năng trong tương lai.

  • Ứng viên có góc nhìn mới đem lại sự đa dạng cho công việc

Sáng tạo đôi khi còn hữu ích hơn cả kinh nghiệm, vì nó giúp chúng ta nghĩ ra những hướng giải quyết mới hiệu quả và phù hợp hơn những cách cũ. Vì vậy, nếu có ứng viên đưa ra góc nhìn mới và thú vị cho vấn đề của doanh nghiệp thì chúng ta nên trân trọng. Họ có thể chính là một trong những lãnh đạo tương lai của doanh nghiệp nếu được đào tạo đúng cách.

2. Ứng viên giàu kinh nghiệm: Điểm mạnh và điểm yếu

Điểm mạnh

  • Ít phải đào tạo và ít mắc lỗi hơn

Một trong những lợi thế lớn nhất của ứng viên nhiều kinh nghiệm chính là bạn không cần phải dành nhiều thời gian đào tạo họ giống như là đào tạo ứng viên có ít kinh nghiệm. Bởi lẽ họ đã biết sẵn cần phải làm gì và kết quả sẽ ra sao – như vậy sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực. Sinh viên mới ra trường mà đi làm ngay sẽ cần được chú ý và đào tạo nhiều hơn trong vài tháng đầu tiên làm việc.

  • Thái độ nghiêm túc với công việc

Thông thường, những ứng viên trẻ và ít kinh nghiệm làm việc sẽ thiếu cẩn thận hơn người đã có tuổi và thâm niên. Ứng viên đã có kinh nghiệm thường biết cách ứng xử khi làm việc ở môi trường công sở đòi hỏi sự trang trọng và nghiêm túc. Ngoài ra, họ cũng đã quen và biết cách đối ngoại nên có thể dễ dàng để lại ấn tượng tốt với khách hàng hoặc các đối tác của doanh nghiệp.

  • Biết cách xử lý nhiều tình huống

Vì có kinh nghiệm nên họ sẽ giải quyết rất nhanh gọn và êm thấm những tình huống đã trải qua rồi. Họ không hề lúng túng mà bình tĩnh hơn và có thể suy xét thấu đáo trước khi ra quyết định.

Điểm yếu

  • Thiếu linh hoạt hơn

Với ứng viên đã có kinh nghiệm, hiển nhiên, khi gặp tình huống cần xử lý, họ sẽ ưu tiên sử dụng những giải pháp mà mình từng sử dụng thay vì nghĩ ra giải pháp mới. Điều này có cái lợi, nhưng đôi khi cũng khiến họ trở nên cứng nhắc và ít linh hoạt hơn. Từ đó, khả năng thích ứng với môi trường mới hoặc thay đổi môi trường của họ cũng sẽ kém hơn.

  • Yêu cầu mức lương cao hơn

Không phải tự nhiên mà nhiều ứng viên mong muốn làm đẹp CV của mình trong mắt nhà tuyển dụng, thậm chí là sẵn sàng tâng bốc bản thân lên nhiều lần. Tất nhiên bạn sẽ có cách để phát hiện ứng viên nói dối hay không, nhưng trước tiên hãy biết lý do vì sao họ làm như vậy. Phần nhiều lý do là vì CV càng có nhiều kinh nghiệm liên quan thì khả năng được tuyển sẽ cao hơn, và cơ hội được nhận vào các vị trị cấp cao lại càng rộng mở hơn nữa. Việc có nhiều kinh nghiệm cũng là một cái cớ để ứng viên bám vào và đề nghị một mức lương cao hơn – mức lương mà họ cho rằng xứng đáng với sức lao động của họ.

3. Ứng viên tiềm năng nhưng kinh nghiệm: Điểm mạnh và điểm yếu

Điểm mạnh

  • Có đam mê và nỗ lực

Khi bạn tuyển dụng ứng viên không có kinh nghiệm và bỏ công sức đào tạo họ từ đầu, ứng viên đó sẽ cống hiến cho bạn 150% sức lực của họ. Vì bạn là người đã cho họ cơ hội làm việc ở một môi trường hoàn toàn mới và được trau dồi rất nhiều kỹ năng mới, họ sẽ mong muốn làm hài lòng mọi người ở doanh nghiệp và chứng minh với bạn rằng bạn đã đúng khi tuyển dụng họ.

  • Thích ứng nhanh hơn

Ứng viên không kinh nghiệm hoặc ít kinh nghiệm giống như một tờ giấy trắng. Họ sẽ thích ứng nhanh hơn với môi trường cũng như phong cách làm việc ở nơi họ trải nghiệm lần đầu. Bạn cũng sẽ cảm thấy việc góp ý, bảo ban, và thậm chí là nhào nặn họ sẽ dễ dàng hơn so với ứng viên đã làm lâu năm.

  • Yêu cầu mức lương thấp hơn

Trái ngược so với ứng viên nhiều kinh nghiệm, ứng viên ít kinh nghiệm chắc chắn sẽ nhận được mức lương thấp hơn. Đơn giản bởi vì mức kinh nghiệm họ có chưa chắc đã giúp họ trúng tuyển vào những vị trí lương cao. Hơn nữa, kinh nghiệm ít cũng khiến họ khó khăn hơn trong việc gây ấn tượng và không có cơ sở chắn chắn để đàm phán một mức lương cao hơn với với nhà tuyển dụng. Vì vậy, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền nếu tuyển dụng những ứng viên này.

Điểm yếu

  • Thiếu kỹ năng và có thể thiếu cả sự tỉ mỉ

Điểm yếu của ứng viên ít kinh nghiệm chính là… ít kinh nghiệm. Những kỹ năng họ có chưa chắc đã đủ để đạt được chất lượng công việc mà bạn yêu cầu. Và bạn sẽ cần phải dành thời gian chỉ bảo và đào tạo họ nhiều hơn. Quá trình này sẽ tốn khá nhiều thời gian và nguồn lực.

  • Cả thèm chóng chán

Một nhược điểm khác mà nhiều ứng viên ít kinh nghiệm hay mắc phải là cả thèm chóng chán. Một phần vấn đề này thuộc về tính cách, và phần lớn còn lại là do ứng viên chưa có định hướng rõ ràng cho tương lai. Bởi vậy, ban đầu họ hào hứng vì được học những điều mới và kiến thức mới nhưng lâu dần, khi mọi việc bắt đầu vào guồng và lặp đi lặp lại mỗi ngày, họ sẽ cảm thấy chán và nảy sinh suy nghĩ nghỉ việc. Chắc hẳn bạn nên cân nhắc những yếu tố này nếu không muốn có một turnover rate cao ngất.

4. Có nên tuyển dụng ứng viên tiềm năng nhưng thiếu kinh nghiệm?

Thật sự để quyết định xem ta nên tuyển dụng ứng viên dựa trên tiềm năng hay kinh nghiệm là điều rất khó. Vì mỗi doanh nghiệp lại có hoàn cảnh khác nhau, văn hoá doanh nghiệp khác nhau và nguồn lực khác nhau. Thế nên, câu trả lời cho câu hỏi này chính là tùy thuộc vào mục đích và vị trí mà bạn muốn tuyển dụng.

Ứng viên nhiều kinh nghiệm thường phù hợp khi bạn tuyển dụng những vị trí cấp cao, quan trọng trong doanh nghiệp, như là giám đốc, phó giám đốc, C-level,… Một điều mà bạn cần chú ý khi làm việc với những ứng viên này là sự coi trọng. Khi bạn thể hiện sự coi trọng đối với kiến thức và kinh nghiệm của họ, việc khai thác chúng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nó sẽ đem lại một nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp.

Còn ứng viên tiềm năng nhưng không có hoặc ít kinh nghiệm thì phù hợp với những vị trí thực tập sinh và nhân viên ở những cấp thấp. Những vị trí ấy sẽ tạo cho họ cơ hội được học hỏi nhiều hơn và trau dồi thêm kinh nghiệm, đến khi có đủ rồi, họ có thể làm việc ở những vị trí cấp cao hơn. Nếu bạn tuyển dụng ứng viên dù tiềm năng nhưng không có kinh nghiệm vào vị trí cấp quá cao, có thể bạn sẽ phải đối mặt với việc thua lỗ hoặc cả doanh nghiệp sẽ trở nên xáo trộn khi nhân viên đó không làm được việc.

Lời khuyên khi làm việc với những ứng viên ít kinh nghiệm này là hãy đầu tư vào đào tạo và giúp họ thích ứng với doanh nghiệp. Vì như đã đề cập ở trên, họ là những người có thái độ và khả năng làm việc tốt, chỉ là chưa có kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả mà thôi. Đầu tư vào đào tạo là cách tốt nhất để giúp họ phát triển tiềm năng sẵn có và nhanh chóng đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp.

Khi đào tạo nhân viên không có hoặc ít kinh nghiệm, bạn cần chú ý những điều sau:

  • Nên giới thiệu tổng quan về doanh nghiệp bạn đầu tiên
  • Nên đưa ứng viên đi chào hỏi hoặc giới thiệu họ khi các nhân viên khác tập hợp đông đủ
  • Có lộ trình đào tạo, làm việc và thông báo với ứng viên rõ ràng
  • Quan tâm đến suy nghĩ của họ. Cuối mỗi ngày làm việc trong thời gian nghỉ việc, hãy hỏi han họ xem hôm nay làm việc thế nào, có gì khó khăn không.

Tạm kết

Dù là giàu kinh nghiệm hay tiềm năng nhưng ít kinh nghiệm, mọi nhân viên mới đều cần được cấp trên hướng dẫn khi mới bắt đầu nhận việc. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra được đâu là ứng viên mình đang cần và đào tạo họ đúng cách. Đó là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng nhân sự của doanh nghiệp.

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Tải về ngay “Combo 5 số tạp chí tuyển dụng” miễn phí tại đây để đưa ra chiến lược tổng quan cho tuyển dụng và quản trị nhân sự trong doanh nghiệp của bạn.

Tuyển dụng ứng viên tiềm năng nhưng thiếu kinh nghiệm: Nên hay không?

Viết một bình luận