5 bước để sáng tạo: Khi quy trình đóng vai trò làm bệ phóng cho những ý tưởng khai phá

Hình ảnh làm việc tự do, phóng khoáng, không tuân theo một quy tắc cố định nào dường như đã gắn liền với những người làm công việc liên quan tới sáng tạo. 

Nhiều người cho rằng, họ sẽ làm việc tốt hơn dưới môi trường như vậy, và nếu áp đặt bất cứ cấu trúc hay quy trình nào vào cung cách làm việc hiện tại cũng sẽ khiến hoạt động sản xuất ý tưởng của họ bị gián đoạn.

Nhưng liệu quan niệm này có thực sự đúng đắn?

“Hãy nhất quán và chỉn chu trong cuộc sống, để công việc của bạn được khai phóng và độc đáo.”

Như Gustave Flaubert (12/12/1821 – 08/05/1880), người được mệnh danh là cha đẻ của nền văn học hiện đại Pháp từng nhận định, trong thực tế, công việc sáng tạo cũng chính là một quy trình chặt chẽ, đòi hỏi được tiến hành dưới một trình tự và thời gian nhất quán.

Các con số cũng hoàn toàn ủng hộ điều này. Theo khảo sát của CoSchedule, khi ứng dụng một quy trình làm việc đúng đắn, con người có tới 397% cơ hội phát kiến ra những ý tưởng mới trong công việc của mình. Là tuýp người sáng tạo, có thể bạn không ưa thích những con số cho lắm, nhưng hãy nhớ rằng, chúng không bao giờ nói dối. 

Vậy làm thế nào để bạn có thể xây dựng được quy trình sáng tạo để nâng tầm công việc cho bản thân? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi này.

1. Quy trình sáng tạo 5 bước: Công thức chung để khai phá những ý tưởng mới

Gần như tất cả các ý tưởng tuyệt vời đều là sản phẩm ra đời từ một quy trình kiểu mẫu. Nắm bắt được quy trình này rất quan trọng, vì tư duy sáng tạo là một trong những kỹ năng hữu ích nhất bạn có thể sở hữu. Gần như mọi vấn đề bạn gặp phải trong công việc và cuộc sống đều có thể hưởng lợi từ các giải pháp đột phá và ý tưởng khai phóng.

Vào năm 1940, James Webb Young, giám đốc xuất bản của một tờ báo có tiếng thời bấy giờ, đã xuất bản một bài báo ngắn có tiêu đề: “A Technique for Producing Idea” (Kỹ thuật sản xuất ý tưởng). Trong bài báo này, ông đã đề ra một tuyên bố đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc về khái niệm sáng tạo.

Theo Young, những ý tưởng khai phóng về bản chất là cách kết hợp mới của kho tàng kiến thức, thông tin đã có sẵn. Nói cách khác, hoạt động sáng tạo thực tế không phải là việc đưa ra một thứ gì đó mới mẻ hoàn toàn, chúng chỉ là hình thức kết hợp các thứ đã có sẵn theo cách mà chưa ai từng thực hiện trước đó.

Quan trọng hơn, dưới quan điểm của Young, khả năng các cách kết hợp mới phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người về mối quan hệ, liên kết giữa các khái niệm đang tồn tại. Để làm được điều này, mỗi cá nhân đều phải học hỏi, trau dồi để sở hữu một khối lượng kiến thức cơ bản nhất định làm nền tảng. Vậy nên, sáng tạo không phải là chuyện ngày một ngày hai, là yếu tố thiên bẩm như nhiều người đang lầm tưởng. 

Young tin rằng, quy trình kết nối các mảnh ghép sáng tạo này luôn luôn diễn ra qua 5 giai đoạn:

quy-trinh-xay-dung-tu-duy-sang-tao-01

Minh họa cho quy trình xây dựng ý tưởng sáng tạo của Young

Thu thập thông tin, học hỏi kiến thức: Để sáng tạo, trước hết bạn phải học hỏi. Trong giai đoạn này, bạn cần tập trung hoàn thiện hai vấn đề: 1) Học hỏi những kiến thức trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ của bản thân và 2) Tìm kiếm thêm những thông tin bên lề hỗ trợ bạn cách kết nối các khái niệm lại với nhau. 

Chẳng hạn, nếu bạn là một designer, ngoài việc trau dồi kiến thức và kĩ năng liên quan đến các công cụ thiết kế, bạn cũng cần tìm hiểu thêm về xu hướng, văn hóa hay chân dung của khách hàng để có thể sáng tạo ra những thành phẩm có chất lượng cao.

Ôn tập, thử nghiệm sắp xếp các kiến thức cũ dưới góc độ mới: Kiến thức nếu không được thường xuyên trau dồi sẽ nhanh chóng bị mai một. Trong giai đoạn này, bạn cần trực tiếp đi vào thử nghiệm các kiến thức có sẵn của bản thân với các góc nhìn, cách tiếp cận mới. 

Đơn giản như, nếu bạn là người thường xuyên thiết kế các các ấn phẩm báo chí, in ấn, nếu muốn sáng tạo hơn, thì đừng ngại ngùng dừng công việc này một thời gian. Hãy thử thách bản thân với những bối cảnh thiết kế mới, như làm branding hay nhận diện thương hiệu chẳng hạn.

Nạp năng lượng cho bản thân bằng cách thả lỏng, ngừng các hoạt động tư duy, suy nghĩ: Việc phải liên tục dồn ép bản thân đưa ra ý tưởng mới có thể là con dao hai lưỡi làm suy kiệt tinh thần và thể chất của nhiều người. Vì vậy, trong quá trình sáng tạo luôn cần có một khoảng nghỉ, giúp con người thư giãn đầu óc và nạp lại năng lượng tư duy.

Trở lại suy nghĩ và hãy để ý tưởng tự tìm đến bạn: Sau một khoảng thời gian thông suốt đầu óc, giai đoạn này thường là thời điểm chín muồi nhất để bạn bắt tay vào công việc “chế biến” những ý tưởng mới. Đây là một phát hiện vô cùng có giá trị của Young, khi sau này, rất nhiều nhà tâm lý học đã chứng minh được não bộ con người có xu hướng trở nên nhanh nhạy và sáng tạo hiệu quả hơn rất nhiều sau những quãng nghỉ.

Phát triển tư duy sáng tạo dựa trên những ý kiến phản hồi: Để xây dựng 1 ý tưởng sáng tạo thành công, trước tiên, bạn phải trình bày được chúng tới đông đảo những người có năng lực thẩm định. Lắng nghe ý kiến phản hồi và tiếp thu những gì tinh túy nhất từ họ sẽ giúp bạn có thêm nhiều insight để cải thiện ý tưởng của mình hơn.

Đơn cử như để cho ra đời được một chiến dịch quảng cáo thành công, người làm công việc sáng tạo sẽ phải thực hiện pitching ý tưởng tới rất nhiều bộ phận có liên quan, tổng hợp ý kiến của họ và sửa chữa để có thể cho ra đời một sản phẩm hoàn hảo nhất.

Quy trình này, mặc dù được ra đời từ cách đây gần 2 thập kỷ, vẫn là kim chỉ nam cho hoạt động sáng tạo của nhiều người. Thậm chí, chúng vẫn đang thầm lặng dõi theo từng bước chân khai phóng của chính bản thân bạn, chỉ có điều, bạn có biết và nhận ra sự tồn tại của chúng hay không thôi.

Để có cái nhìn sâu sắc hơn về thực tiễn ứng dụng của quy trình sáng tạo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện về sự ra đời của kỹ thuật in ấn hình ảnh trong báo chí, nơi một cá nhân tưởng chừng như vô cùng bình thường đã trở nên phi thường với lối làm việc quy trình nhất quán.

2. Quy trình sáng tạo thay đổi bộ mặt của ngành xuất bản đã ra đời như thế nào? 

Vào những năm 1870, ngành báo chí phải đối mặt với một vấn đề vô cùng nan giải và tốn kém: Độc giả muốn xem thật nhiều hình minh họa trong những ấn phẩm họ chi trả, nhưng kỹ thuật in ấn thời bấy giờ vẫn còn vô cùng thô sơ, khiến nhu cầu này gần như đi vào ngõ cụt. 

Ngày đó, nếu muốn in hình lên báo, tòa soạn phải thuê một thợ kim khí lành nghề để khắc ảnh lên một khuôn thép, sau đó nhúng mực và đặt lên mặt giấy. Cách làm này vô cùng tốn kém thời gian và tiền bạc, đồng thời thành phẩm ra đời cũng không đạt được chất lượng tốt, chưa thể thỏa mãn được nhu cầu của độc giả.

Giữa bối cảnh tưởng chừng như vô vọng này, Frederic Eugene Ives (1856 – 1937), người sau này được coi là nhà tiên phong trong lĩnh vực nhiếp ảnh với hơn 70 bằng sáng chế, xuất hiện và đem tới một lời giải đột phá không ai có thể lường trước được. 

Vào năm 1881, Ives đã nảy ra ý tưởng đầu tiên để cải tiến kỹ thuật in đương thời. Và quá trình phát minh ra sáng kiến của ông này chính là ví dụ minh họa tiêu biểu nhất của quy trình sáng tạo được áp dụng trong thực tiễn. 

quy-trinh-xay-dung-tu-duy-sang-tao-02

Ives là cha đẻ của phương pháp in halftone nổi tiếng, đặt nền móng cho ngành in ấn những năm 80

Bước đầu, Ives học hỏi và thu thập những kiến thức nền tảng cho bản thân: Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở thành thợ học việc tại một xưởng in tại Ithaca, New York. Sau hai năm học hỏi và trải nghiệm, ông được bổ nhiệm vào vị trí quản lý của một phòng thí nghiệm nhiếp ảnh tại đại học Cornell. Giai đoạn làm việc này giúp ông xây dựng cho bản thân một kho kiến thức khổng lồ, đồng thời nhận ra các mối liên kết giữa nhiếp ảnh và in ấn. 

Sau quá trình học hỏi kiến thức, Ives bắt đầu tiến hành ứng dụng chúng vào các thí nghiệm mới lạ. Trong năm 1878, ông dành hầu như toàn bộ thời gian của mình để tìm kiếm những phương pháp chụp ảnh và in ấn cấp tiến hơn. Dù không đặt được bất cứ thành tự nổi bật nào trong giai đoạn này, nhưng kinh nghiệm mà chúng để lại đóng vai trò làm tiền đề cho những phát minh đáng nể của ông sau này.

Sau khoảng thời gian quay cuồng trong các ý tưởng nhưng không đạt được kết quả, Ives quyết định nghỉ xả hơi trong một khoảng thời gian để an tĩnh đầu óc, lấy lại trí lực và thể lực vốn đã bị bào mòn đến độ cạn kiệt. 

Chính khoảng thời gian thư giãn này đã đem tới những biến chuyển bất ngờ tới các nghiên cứu của ông. Như Ives từng chia sẻ: 

“Khi đang vận hành công đoạn rập khuôn ảnh tại Cornell, tôi đã manh nha tìm hiểu được về phản ứng tách dòng của hình ảnh trong in ấn. Phát hiện này liên tục nhảy múa trong tâm trí tôi hằng đêm, thôi thúc tôi phải tìm tòi và sáng tạo ra một thứ gì đó thật sự đột phá. 

Nhưng trong suốt một khoảng thời gian dài, tôi vẫn giậm chân tại chỗ và không thể hình dung hóa được phát hiện của mình. Tôi quyết định nghỉ ngơi một khoảng thời gian để thư giãn bản thân. Kỳ lạ thay, bỗng một ngày tỉnh dậy, tôi cảm thấy tâm trí mình vô cùng thông tuệ và tràn ngập những ý tưởng mới, những ý tưởng hoàn toàn khả thi để thay đổi bộ mặt của ngành in ấn. Tôi bật dậy và tiến hành làm việc ngay lập tức.”

Ives nhanh chóng hiện thực hóa tầm nhìn của mình và được cấp bằng sáng chế cho phương pháp in ấn của mình vào năm 1881. Tuy nhiên không dừng lại ở đó, ông liên tục tham khảo thêm ý kiến từ những chuyên gia mình quen biết và liên tục cải thiện phương pháp in ấn mang tên mình. Đến năm 1885, ông mới thực sự thành công trong việc thổi một làn gió hoàn toàn mới vào ngành xuất bản.

Quy trình Ives (hay còn gọi là halftone printing process), cuối cùng, được sử dụng như một phương pháp in tiêu chuẩn trong 80 năm tiếp theo, giúp các doanh nghiệp làm về xuất bản và báo chí tiết kiệm gấp 10 lần thời gian và 15 lần chi phí cho mỗi ấn phẩm có hình minh họa ra đời.

Quy trình thực tế không làm giảm khả năng sáng tạo như nhiều người thường nghĩ. Thực tế, ngay bản thân việc sáng tạo cũng là một quy trình nhất quán, được ứng dụng qua nhiều thế hệ bởi các bộ óc khai phóng nhất. Qua nhận định này và chia sẻ về quy trình sáng tạo 5 bước trong bài, hi vọng bạn có thể áp dụng thành công và đưa khả năng khai phá ý tưởng của mình lên một tầm cao mới!

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Download miễn phí combo 5 tài liệu tuyển dụng – nhân sự chỉ với 1 click tại đây.

quy-trinh-xay-dung-tu-duy-sang-tao-bottom

Viết một bình luận