Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp của bạn cần phải làm gì trước rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng?

1. COVID-19: Hiện tượng “thiên nga đen” của kinh tế thế giới năm 2020

Thiên nga đen (tiếng Anh: Black Swan) là hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, mang lại những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế. Dựa trên định nghĩa này, có thể nói, COVID-19 chính là “chú thiên nga lạc loài” đã “đánh úp” năm 2020. 

“Tấn công” Vũ Hán trong dịp di cư xuân vận, nó đã gây ra cuộc đại khủng hoảng với gần 90,000 ca nhiễm bệnh và hơn 3,000 người tử vong ngay tại Trung Quốc. Dù đã cố gắng kiểm soát bằng các phương pháp cách ly xã hội gắt gao, tuy nhiên, COVID-19 vẫn nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới đại lục và trở thành đại dịch toàn cầu, tấn công hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

COVID-19 hiện đang gây ra tổn hại khủng khiếp về mặt nhân lực, khiến các hoạt động sản xuất tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc buộc phải đóng băng. Và khi một trong những công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới ngừng hoạt động, ảnh hưởng của chúng lên nền kinh tế nói chung và chuỗi cung ứng nói riêng có lẽ là không thể phủ nhận.

Theo báo cáo mới nhất từ Dun&Bradstreet, có tới hơn 5 triệu doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro từ việc gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Nguyên nhân tương đối dễ hiểu, khi 51,000 đơn vị trong số (163 đến từ nhóm Fortune 100) này lựa chọn Trung Quốc là đối tác cung ứng cấp 1, cùng hàng triệu đơn vị khác cũng gián tiếp xuất hiện trong chuỗi cung ứng khổng lồ (cung ứng cấp 2) mà quốc gia đại lục này cung cấp. 

Các doanh nghiệp tại Việt Nam chắc chắn cũng không nằm ngoài cuộc, khi việc giao thương với Trung Quốc có lẽ đã từ lâu là nguồn sống của nhiều tổ chức. Vậy, trước những hệ lụy khôn lường trong chuỗi cung ứng mà COVID-19 gây ra, bạn cần phải làm gì để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình? 

2. Đối mặt với rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng: Những điều mà doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện

Dù mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng COVID-19 cũng mở ra tín hiệu để các doanh nghiệp xem xét và ứng dụng những mô hình cung ứng mới mẻ, hiệu quả hơn trong tương lai. Tuy vậy, trước hết, bạn vẫn cần phải có những hành động ứng biến kịp thời để đối phó với vô vàn thách thức được đặt ra trước mắt.

2.1. Đối với các công ty sản xuất có nguồn nguyên liệu phụ thuộc trực tiếp vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và các khu vực địa lý bị ảnh hưởng khác

chuoi-cung-ung-02

1. Tăng cường các hoạt động quản trị nguồn nhân lực: Vấn đề về tâm lý có lẽ sẽ tác động đáng kể hiệu suất làm việc của đội ngũ lao động trong thời điểm này. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có những kế hoạch để đảm bảo nhân công có thể làm việc với nhịp độ thông thường, đồng thời kiểm soát các yếu tố bên lề về phòng chống dịch bệnh, thiếu hụt người lao động và chất lượng sản phẩm đầu ra sao cho thật hiệu quả. 

2. Xác định rủi ro của các nhà cung ứng quan trọng: Doanh nghiệp cần phải xác định đâu là những nhà cung ứng quan trọng nhất của mình, từ đó làm việc sát sao để kiểm soát tình trạng đáp ứng đơn hàng của họ. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể xây dựng các biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa rủi ro thiếu hụt nguồn cung và bị động hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đối tác.

3. Tìm kiếm, mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng: Dù đã trực tiếp bị ảnh hưởng từ các nhà cung ứng quan trọng hay chưa, thì doanh nghiệp cũng nên tự chuẩn bị cho mình danh sách những nhà cung ứng thay thế để đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời trước những tình huống xấu. Do đặc thù vì chuyên môn và vị trí địa lý, lựa chọn tối ưu của các doanh nghiệp có lẽ vẫn là các đơn vị đến từ Trung Quốc, trong khu vực ít bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu không thể kết nối được với họ, doanh nghiệp cũng có thế cân nhắc lựa chọn các quốc gia có nguồn cung tương đối đa dạng như Ấn Độ, Brazil hay các nước láng giềng thuộc khu vực Đông Nam Á.

4. Cập nhật các tham số và chính sách tồn kho trong thời điểm dịch: Khi nguồn cung ứng bị đứt gãy, chỗ dựa kịp thời và hữu ích nhất với một doanh nghiệp lại chính là nguồn tài nguyên tự thân: hàng tồn kho. Chúng có thể là chiếc khiên chống đỡ cho doanh nghiệp trong ngắn hạn, giúp họ duy trì các hoạt động vận hành, kinh doanh tạm thời trước khi tìm ra giải pháp hiệu quả hơn. Bởi vậy, việc theo dõi và tinh chỉnh, phân bổ lại nguồn lực tồn kho cần phải được chú ý hơn trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19. 

5. Nâng cao kiểm soát nguyên vật liệu sản xuất nội bộ: Doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho sự giảm sút đáng kể trong hiệu năng giao hàng đầy đủ, đúng hạn từ các nhà cung ứng chính của công ty. Qua đó, họ cần thực hiện những hành động như kiểm soát trạng thái hàng tồn kho, lịch trình sản xuất và trạng thái vận chuyển của nhà cung cấp sẽ giúp công ty bạn dự đoán được sự thiếu hụt nguồn cung và có những phản ứng kịp thời. 

6. Xây dựng những kế hoạch sản xuất tinh gọn: Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng điều chỉnh lịch trình sản xuất hợp lý dựa trên sự thay đổi về cung-cầu, nguồn lực nhân sự hiện có. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được không ít chi phí vận hành, đồng thời giảm tải được gánh nặng tâm lý làm việc với đội ngũ nhân viên trong thời điểm dich. Ngoài ra, các đơn vị thiếu hụt nguồn cung cũng cần phải đảm bảo việc sử dụng nguồn nguyên liệu tích trữ, tồn kho hợp lý. Trong thời điểm khó khăn, các bộ phận, nguyên vật liệu có thể ứng dụng trên nhiều loại thành phẩm nên được ưu tiên sản xuất hơn cả, nhằm tránh tình trạng dư thừa hay thiếu hụt trong dây chuyền sản phẩm. 

7. Lựa chọn các dịch vụ kho bãi, phân phối sản phẩm và dịch vụ hợp lý: Với sự ùn ứ kho bãi lưu trữ và giảm sút trong phương thức và nhân công vận chuyển, doanh nghiệp sẽ phải tiêu tốn nhiều thời gian hơn để giải quyết các hoạt động logistics khi việc kinh doanh trở lại quỹ đạo thông thường. Trong tình huống này, việc lựa chọn được một giải pháp kho bãi và vận chuyển phù hợp sẽ giúp các công ty nâng cao được khả năng cung ứng và bảo vệ nguồn lực kinh tế, nhân công hiệu quả hơn. 

2.2. Đối với các công ty cung ứng sản phẩm/ dịch vụ cho phía Trung Quốc và các khu vực địa lý bị ảnh hưởng khác

chuoi-cung-ung-03

1. Xác định những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất trên thế giới, nên hiển nhiên, khi đại dịch tấn công, các biện pháp cách ly xã hội được triển khai, những nhà cung cấp hàng hóa/ dịch vụ sẽ trực tiếp nhận lấy không ít ảnh hưởng tiêu cực. Thậm chí, trong một số chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu, Trung Quốc còn đóng vai trò là khách hàng chi phối. Quốc gia này nhập khẩu khoảng 65% quặng sắt của thế giới; 50% lượng tiêu thụ chất bán dẫn, với hơn 80% (190 tỷ USD) trong số đó có nguồn gốc từ các nhà cung cấp nước ngoài. Bởi vậy tất cả các công ty, dù tập trung vào phục vụ người tiêu dùng hay khách hàng công nghiệp ở Trung Quốc, đều cần đánh giá lại thị trường cung-cầu tại đây trong mùa dịch để có những kế hoạch kinh doanh khôn ngoan hơn.

2. Xây dựng chiến lược đồng bộ hóa cung-cầu ngắn hạn: Về phía doanh nghiệp cung ứng hàng hóa/ dịch vụ vào thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực về mặt cầu có lẽ sẽ phổ biến hơn cung.  Khi nhu cầu, sức mua sụt giảm đáng kể, các công ty phải nhanh chóng xác định lại kế hoạch bán hàng và hoạt động tiếp cận thị trường. Một số công ty có thể tiếp tục sản xuất, giảm chi phí cố định, xây dựng hàng tồn kho để chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế. Số khác thì ưu tiên cắt giảm hàng hóa/ dịch vụ, kích thích nhu cầu hoặc bán sản lượng có sẵn ở một mức giá khác. Những chiến lược này phải được cân nhắc dựa trên khả năng của doanh nghiệp cũng như đồng bộ với kế hoạch trong tương lai của tổ chức.

3. Chuyển đổi giữa các kênh bán hàng tiềm năng: Trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, phía Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể nhu cầu mua sắm trực tuyến, từ hàng hóa gia dụng cho đến thực phẩm tươi sống. Sự thay đổi bất ngờ này đã tạo ra thách thức cho nhiều công ty, vốn chưa sở hữu, phát triển các kênh thương mại điện tử, kho bãi và dịch vụ giao hàng trực tuyến. Bởi vậy, nếu không muốn đánh mất thị phần tiềm năng trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt, việc các công ty định hướng tiêu dùng chuyển kênh từ bán lẻ truyền thống sang trực tuyến nên được cân nhắc và triển khai nhanh chóng.

4. Đánh giá và lựa chọn các dịch vụ hậu cần thay thế: Một thách thức khác của doanh nghiệp khi đưa sản phẩm vào Trung Quốc là lựa chọn phương thức và tuyến đường vận chuyển. Với tình trạng quá tải, tắc nghẽn lưu thông tại các địa điểm trung chuyển, sự thiếu hụt phương tiện hay gia tăng giá thành  vận chuyển sẽ buộc các doanh nghiệp phải tính toán và lựa chọn cho mình phương án tối ưu nhất.

5, Triển khai các kênh giao tiếp mở với những khách hàng quan trọng: Trong giai đoạn kinh doanh khó khăn, việc thấu hiểu nhu cầu của khách hàng để đáp ứng kịp thời là vô cùng cần thiết. Doanh nghiệp cần khai mở những kênh giao tiếp đơn giản, thuận tiện để các khách hàng quan trọng có thể tiếp cận và phản hồi thông tin kịp thời nhất. Đây là một chiến lược quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng, giúp doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn với thị trường, giảm thiểu tối đa tổn thất về nguồn lực và khách hàng. 

6. Chuẩn bị cho sự phục hồi sau khủng hoảng: Nếu như việc phải chịu ảnh hưởng tiêu cực trong chuỗi cung ứng là điểm chung của nhiều doanh nghiệp giữa mùa dịch COVID-19, thì những tổ chức có thể tạo ra khác biết chính là số có kế hoạch chuẩn bị cho sự phục hồi sau khủng hoảng. Các chính sách về định giá, xây dựng mối quan hệ khách hàng hay vận chuyển cung ứng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng nặng nề. 

Nhìn chung, để đối phó với những ảnh hưởng trước mắt của COVID-19, tính cơ động chính là tôn chỉ mà mọi doanh nghiệp cần phải hướng đến. Việc kịp thời thích ứng, tiên đoán và đưa ra những biện pháp thiết thực sẽ giúp họ giảm thiểu được tối ta những tác động tiêu cực mà đại dịch gây ra cho chuỗi cung ứng đầu cuối của mình. 

3. Câu chuyện trong tương lai (gần): Sự cần thiết của một mô hình chuỗi cung ứng mới

Có thể thấy, chuỗi cung ứng ngày nay đang ngày trở nên rộng lớn và tinh vi hơn, nhằm đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh gắt gao của các công ty tham vọng. Nhưng cũng chính bởi sự phát triển mang tính bành trướng nhanh chóng này mà chuỗi cung ứng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro gián đoạn và đứt gãy hơn trước. Và COVID-19, có lẽ chính là hồi chuông cảnh tỉnh mới nhất cho nhiều doanh nghiệp về vấn đề này.  

Những chuỗi cung ứng tuyến tính cổ điển, rõ ràng không thể hoạt động hiệu quả với số lượng lớn, chồng chéo lên nhau. Chúng sẽ gây ra những vấn đề bất cập như thiếu tính chính xác và minh bạch trong các hoạt động kiểm soát, khiến việc vận hành trở nên nặng nề, kém linh hoạt và khó lòng phục hồi hơn sau những khủng hoảng bất ngờ.

May mắn thay, với sự trợ giúp của công nghệ, doanh nghiệp giờ đây đã có thể cải thiện đáng kể khả năng vận hành cũng như giảm thiểu rủi ro cho những chuỗi cung ứng kiểu mới. Chúng được gọi là Digital Supply Networks (DSNs – Chuỗi cung ứng kỹ thuật số). 

chuoi-cung-ung-01

Lấy những công nghệ tiên tiến nhất như IoT, điện toán đám mây, 5G hay AI làm trung tâm, mô hình chuỗi mới này có khả năng kết nối doanh nghiệp trực tiếp tới nhiều đối tác, nguồn hàng một lúc, giúp họ kiểm soát khả năng hiển thị cung ứng đầu-cuối tốt hơn. Nhờ vậy, việc thu thập và xử lý dữ liệu cũng trở nên dễ dàng, đảm bảo doanh nghiệp sẽ có đủ thông tin, thời gian để chuẩn bị những chiến lược phát triển, hay ứng phó với rủi ro trong tương lai.

Một nghiên cứu của The Boston Consulting Group (BCG) cho thấy các công ty dẫn đầu trong quản lý chuỗi cung ứng kỹ thuật số đang gia tăng sự sẵn có của sản phẩm lên đến 10%, thời gian phản hồi với sự thay đổi nhu cầu thị trường nhanh hơn 25% và giảm tỷ lệ hiện vốn lưu động tốt hơn 30% so với những công ty theo sau khác, về mặt trung bình. Họ có tỷ suất lợi nhuận hoạt động cao hơn từ 40% đến 110% và ngày chuyển đổi tiền mặt ít hơn từ 17% đến 64%. 

Với DSNs, doanh nghiệp sẽ luôn có sự chủ động trong cuộc chơi cung ứng của mình. Lúc này, họ sẽ có đủ tự tin để ứng phó kịp thời với những sự kiện “thiên nga đen” bất ngờ, như không chỉ là COVID-19, mà còn có thể là các cuộc chiến tranh thương mại hay giao tranh luật pháp, kinh tế.

Tạm kết

Không chỉ là bài toán trong ngắn hạn, sự ảnh hưởng của COVID-19 sẽ buộc doanh nghiệp phải thích nghi và đổi mới mình trong cuộc chơi chuỗi cung ứng, nếu không muốn bị “đánh úp” bất ngờ và rơi vào trạng thái bị động như hiện nay. Như được đề cập trong bài viết, DSNs có thể là lời giải mới mà các doanh nghiệp cần cân nhắc để hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình. Tuy nhiên, không chỉ bị  gó bó trong một lựa chọn này, với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ, bạn hoàn toàn có thể tự tìm cho mình được lỗi đi riêng trước nhưng thách thức bủa vây, để làm sao biến chúng thành cơ hội đột phá!

Chúc bạn may mắn và thành công!

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Để nhận tư vấn 1-1 và tham gia demo trải nghiệm tính năng các phần mềm quản trị vận hành của Base, bạn có thể ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY

Viết một bình luận