Hành trình 6 năm trở thành startup tỷ đô của Slack: 5 chiến lược các startup có thể học hỏi

Không quá khoa trương và đổ nhiều nguồn lực vào hoạt động Marketing, Slack – một startup cung cấp ứng dụng cộng tác nhóm cho doanh nghiệp, vẫn trở thành Unicorn hàng đầu tại thung lũng Silicon sau chỉ vỏn vẹn 6 năm ra mắt. Với danh sách khách hàng là những cái tên “sừng sỏ” trong bảng xếp hạng Fortune 100 như IBM, Oracle hay BBC, Slack hiện đang chưa có dấu hiệu dừng lại và luôn ở trong tâm thế sẵn sàng để xô đổ những kỉ lục mới.

Để có được thành tích đáng kinh ngạc như hiện nay, ngoài việc cung cấp một sản phẩm tốt với chi phí tối ưu tới tay người tiêu dùng và doanh nghiệp, Slack và Stewart Butterfield, CEO của công ty, còn tỏ rõ sự tinh quái và phá cách trong các chiến lược của mình. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng vén màn những bí mật độc đáo đã tạo nên sự thành công của Slack.

1. Slack: Sản phẩm tốt ra đời từ sự thất bại

Quay lại bối cảnh trước đó, trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2012, Stewart Butterfield, CEO của Slack, lúc bấy giờ còn đang đầu tư thời gian để làm việc trong dự án Glitch, một game online đòi hỏi sự tương tác cao giữa người chơi để dành chiến thắng. 

Nhận thấy khả năng giao tiếp còn hạn chế của game, phiên bản đầu tiên của Slack đã được ra mắt với trọng trách là một công cụ để hỗ trợ người chơi cộng tác làm nhiệm vụ. Bất ngờ thay, chúng hiệu quả tới mức trở thành một tính năng được người chơi đánh giá vô cùng cao, thậm chí hơn toàn bộ tựa game mà nhóm làm việc đang phát triển.

slack-chien-luoc-phat-trien-01

Giao diện ban đầu của Slack trong game Glitch

Glitch, do không đáp ứng được kỳ vọng của người chơi, nhanh chóng thất bại chỉ trong vòng 3 năm kể từ ngày ra mắt. Đứng trước viễn cảnh sụp đổ, tiềm năng của Slack chính là tia sáng đem lại cho Butterfield quyền hy vọng về một con bài thay đổi cuộc chơi. Và ông đã đúng! 

Sau một khoảng thời gian được thai nghén, tháng 8 năm 2013, Slack chính thức được ra đời với nhiệm vụ chủ yếu là một công cụ hỗ trợ các đội nhóm giao tiếp, công tác làm việc và chia sẻ tài nguyên theo thời gian thực. Dường như ngay lập tức, phần mềm này đã chứng minh được tính năng hữu dụng của mình và có những bước tiến vô cùng mạnh mẽ.

Trong chưa đầy hai năm, đến tháng 2 năm 2015, Slack đã sở hữu số người dùng ấn tượng so với tuổi đời của mình: 500.000 tài khoản hoạt động hàng ngày. Ngay sau đó bốn tháng, con số này đã nhanh chóng tăng lên gấp đôi và đạt ngưỡng 1,1 triệu người dùng. 

2. Sản phẩm ra đời trong tình cờ, chiến lược phát triển cũng phải thật bất ngờ!

Rất nhiều sản phẩm ra mắt với chất lượng tốt và ưu điểm ưu việt so với phần còn lại của thị trường, tuy nhiên vẫn phải ngậm ngùi rời khỏi cuộc chơi do chiến lược phát triển và quảng bá không hợp lý. Hiểu được điều này, Butterfield, trước khi tung ra Slack, đã cùng những đồng sự của mình xây dựng những kế hoạch, vừa táo bạo, nhưng cũng vô cùng thiết thực để phục vụ đà tăng trưởng của công ty.

2.1. Marketing truyền miệng: hiệu quả từ hiệu ứng đám đông 

Slack là ví dụ chứng minh cho cả thế giới thấy, Marketing truyền miệng vẫn là một vũ khí lợi hại nếu được sử dụng hiệu quả.

Trước khi khởi động dự án Slack, hay trước đó là Glitch, Butterfield đã nổi danh trong công đồng khởi nghiệp khi là co-founder của trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh nổi tiếng Flickr. Tận dụng lợi thế này, khi ra mắt Slack, ông đã gửi lời mời dùng thử tới các mối liên hệ và kết nối công việc của mình, khuyến khích họ trải nghiệm và đưa ra nhận xét cho sản phẩm mới này.

Thấy được sự hiệu quả của Slack trong việc giao tiếp và trao đổi thông tin, những người được trải nghiệm sản phẩm không ngừng giới thiệu cho người thân và đối tác của mình. Ngay trong ngày đầu tiên ra mắt, số người dùng tạo tài khoản trên ứng dụng đã chạm ngưỡng 8000. Con số này ngay lập tức được tăng lên gấp đôi chỉ sau 2 tuần kế tiếp.

slack-chien-luoc-phat-trien-02

Marketing truyền miệng đem lại những bước tiến bất ngờ cho Slack

Chính nhờ sự thành công thần kì của chiến lược này vì thế, Slack hoàn toàn không sở hữu bất kỳ nhân viên Sales nào trong một khoảng thời gian dài. Có đến 97% khách hàng mới của Slack biết đến ứng dụng này thông qua người quen, từ đồng nghiệp hiện tại hoặc tiếp tục sử dụng từ công ty cũ.

2.2. Một lượt phản hồi bằng một lượt tương tác Marketing 

Kể từ thời điểm mới ra mắt, tất cả những email gửi đến hòm thư của Slack, từ tiêu cực như phàn nàn về sản phẩm hay tích cực như khen ngợi các tính năng, đều được công ty tiếp nhận và phản hồi một cách chăm chút, tỉ mỉ. 

Slack tin rằng, mọi tương tác giữa công ty và khách hàng là một cơ hội để họ quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn tới thị trường. Lòng tin này mạnh mẽ đến mức, nó đã trở thành một trong những phương châm làm việc được mọi nhân viên của Slack thuộc lòng: lắng nghe khách hàng để thấu hiểu bản thân. 

Ngoài ra, những phản hồi còn là cơ hội tốt để đội ngũ phát triển phần mềm của Slack nhìn nhận lại sản phẩm của mình. Rất nhiều những lỗ hổng trong ứng dụng, cũng như những tính năng mới hữu ích đã được kịp thời sửa chữa và ra đời nhờ những đóng góp ý kiến của khách hàng. Vậy nên nói không sai, khi Slack có thể được coi là một ứng dụng của người sử dụng, vì người sử dụng!

2.3. Chính sách về giá hợp lý và linh hoạt

Ngoài ưu điểm là phần mềm sở hữu gói sử dụng miễn phí, Slack còn mang tới cho khách hàng một phương thức thanh toán vô cùng độc đáo và công bằng.

Đây lại cách thức hoạt động của chính sách này: Với các gói đăng ký trả phí, người dùng sẽ phải chi trả tối thiểu 6,67$ một tháng, tuy nhiên, nếu họ hoàn toàn không sử dụng phần mềm trong 14 ngày của 1 tháng, họ sẽ được công ty hoàn trả lại tiền phí đăng ký theo một tỉ lệ nhất định.

slack-chien-luoc-phat-trien-03

Chi phí sử dụng Slack là vô cùng ưu đãi dành cho người sử dụng

Chính sách giúp Slack “bắn hạ” được nhiều mục tiêu với chỉ một viên đạn, trong đó bao gồm:

  • Xây dựng một hình ảnh doanh nghiệp thân thiện với khách hàng và đối tác
  • Giúp người sử dụng dễ dàng tiếp cận nhiều hơn tới sản phẩm, ngay cả khi họ không sở hữu một kinh sách lớn
  • Tạo động lực cho nhân viên phấn đầu, cải thiện phần mềm, nhằm đưa ra những trải nghiệm tốt đẹp nhất tới người dùng

Hiệu quả mà chính sách về giá này mang lại là vô cùng to lớn: Trong 8 triệu người dùng tích cực của Slack, có tới 3 triệu người đã đăng ký và trả phí để năng cấp bản sử dụng của mình!

2.4. Đối tượng tiếp cận: không cần ông to bà lớn, ai ai cũng tiềm năng 

Với chính sách giá hợp lý và mô hình sử dụng phù hợp ngay cả với những đội nhóm nhỏ, đối tượng người sử dụng ban đầu của Slack không tập trung vào những vị trí cấp cao trong doanh nghiệp. Thay vào đó, họ hướng đến những nhân viên văn phòng bình thường hay các nhà quản lý đội nhóm nhỏ, “mê hoặc” họ bằng tính năng giao tiếp vượt trội và “hớp hồn”  ngay lập tức với chi phí dễ chịu.

Bằng cách tiếp cận này, ngày càng nhiều các nhóm nhỏ sử dụng Slack được hình thành, gây tiếng vang lớn cho công ty trên thị trường các ứng dụng SaaS. Tiếng vang này nhanh chóng đến tai những doanh nghiệp sừng sỏ và các nhà quản lý, thôi thúc những người này tìm hiểu về sản phẩm và sớm muộn cũng sẽ bị chinh phục bởi những tính năng mà nó hỗ trợ.

2.5. Hãy tập trung vào những thứ mình làm tốt nhất

“Nếu bạn, với khả năng của mình, có thể giải quyết một vấn đề cực kỳ tốt, thì hãy chỉ tập trung vào vấn đề đó và đừng quan tâm đến phần còn lại” 

Phương châm này của Paul Buchheit, kỹ sư trưởng thiết kế ra hệ thống Gmail của Google, ảnh hưởng rất lớn tới cách thức xây dựng nên Slack của Butterfield. Thay vì lấn sân sang những lĩnh vực khác khi đã có đủ điều kiện tài chính, Slack vẫn chỉ luôn trung thành với 3 tính năng chính và làm mọi cách để biến chúng trở nên hoàn hảo. Đó là 3 tính năng: Giao tiếp – Cộng tác, Chia sẻ tập tin và Tích hợp, đồng bộ hóa các ứng dụng.

Slack nổi bật hơn các phần mềm chat khác do có khả năng tích hợp chức năng chat của mình trên đa dạng các nền tảng làm việc, giúp mọi người trong nhóm hay trong công ty có thể vừa trao đổi vừa làm việc mà không cần phải mở cùng lúc quá nhiều cửa sổ hay trình duyệt. Việc chia sẻ tập tin trên Slack cũng là một bước nhảy vọt, khi họ là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra giao diện kéo thả, hỗ trợ người dùng thao tác nhanh chóng. 

Tạm kết

Với mức định giá lên tới 7,1 tỉ đô la Mỹ sau vòng gọi vốn mới nhất (tháng 8/2018), Slack giờ đã có đủ mức vốn hóa để cạnh tranh với những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft, Google hay Facebook. Butterfield và những chiến lược táo bạo của ông xứng đáng trở thành những bài học mà mọi startup tham vọng cần thuộc lòng trước khi bắt đầu để lại những dấu chân chập chững trên con đường phát triển!

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Để nhận tư vấn 1-1 và tham gia demo trải nghiệm tính năng các phần mềm quản trị vận hành của Base, bạn có thể ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY

Viết một bình luận