3 quy tắc vàng để xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Bạn hãy thử hình dung về một người không có cá tính riêng. Giống như tất cả những nhân viên khác, họ cũng đi làm mỗi ngày, nói chuyện với đồng nghiệp và hoàn thành công việc. Tuy nhiên, những thứ lặp đi lặp lại theo lẽ đương nhiên ấy không phải là cách họ tiếp thêm động lực cho những người xung quanh. Nói cách khác, họ không có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Họ rất khó trở thành người lãnh đạo, và càng không thể thay đổi được thế giới.

Tương tự như vậy, doanh nghiệp cũng có những cá tính riêng. Cá tính của doanh nghiệp chính là giá trị văn hoá. Đó là một chuỗi các giá trị cốt lõi được ưu tiên làm cơ sở trả lời cho những câu hỏi về bản chất doanh nghiệp như: Doanh nghiệp có nên tập trung vào chất lượng sản phẩm và coi đó là lợi thế cạnh tranh hay không? Có nên tận dụng sức lao động của nhân viên để tăng doanh số bán hàng không? Có nên mạo hiểm từ bỏ các khách hàng hiện tại để thâm nhập vào một thị trường mới không?

Nếu công ty không có những giá trị cốt lõi – vốn đóng vai trò như chiếc la bàn chỉ hướng, các quyết định quan trọng sẽ bị tác động bởi sở thích cá nhân và định hình ra một nền văn hoá không thể lường trước. Là người lãnh đạo, bạn cần xây dựng được bộ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp vừa lành mạnh vừa bền vững, bất kể là bạn đang phát triển những giá trị hiện tại hay có ý định xây dựng chúng từ đầu.

Có 3 nguyên tắc vàng để xây dựng những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, sẽ được mô tả lần lượt trong bài viết dưới đây.

Quy tắc #1: Tôn trọng giá trị văn hoá ngầm định

Giá trị văn hoá của doanh nghiệp luôn xuất phát từ người lãnh đạo. Đó là bởi quyết định và cách hành xử của bạn đặt ra tiêu chuẩn chung để mọi người noi theo. Nếu các giá trị ngầm định được bạn tạo ra không phù hợp với những giá trị được công bố rộng rãi của doanh nghiệp, sự mâu thuẫn giữa chúng có thể gây ra các vấn đề khó chịu và nhầm lẫn trong nội bộ công ty.

Do vậy, “bước đầu tiên trong việc tạo ra các giá trị bền vững là công nhận những giá trị hiện có.

Trước khi đi tìm đáp án về giá trị doanh nghiệp nên là gì, bạn hãy dành thời gian xem xét về những giá trị đã hoà quyện vào văn hoá tính đến thời điểm hiện tại. Công ty bạn đã làm những gì để có được thành công như ngày hôm nay? Điều gì đã thu hút và giữ chân nhân tài ở lại với công ty của bạn?

Mọi giá trị kể trên đều phải xuất phát từ sự chân thành và trung thực để tạo nên tính thống nhất cao trong doanh nghiệp. Bạn hãy nhớ rằng, đây không phải là công cuộc đánh bóng tiểu sử công ty mà là quá trình xây dựng và bảo vệ các giá trị văn hoá thực sự.

Quy tắc #2: Giá trị cốt lõi nên tập trung vào một tiền đề trọng tâm

Có thể kể tên một số giá trị cốt lõi trong doanh nghiệp như:

  • Xuất sắc
  • Tinh thần đổi mới
  • Kết nối với khách hàng
  • Làm việc nhóm
  • Cộng đồng
  • Vui nhộn

Những giá trị trên đều nghe rất ổn và có độ quan trọng nhất định. Nhưng nếu đặt chúng trên cùng một bức tranh lớn, bạn có thể hình dung ra văn hoá của công ty này không? Bạn có thể dự đoán bất kỳ điều gì về nó? Công ty này đã chi phối lĩnh vực kinh doanh như thế nào với sự xuất sắc, sự cách tân và chăm sóc khách hàng? Các nhân viên của họ sẽ làm việc nhóm với nhau hiệu quả hay tệ hại như thế nào?

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng những giá trị văn hoá rất chung chung ở trên là của công ty Yahoo! – vốn đã bị phá sản vào năm 2016.

“Các giá trị cần phải đủ độc đáo để dễ nhớ và đủ trọng tâm để cung cấp câu trả lời rõ ràng cho hầu hết các câu hỏi.”

Quá nhiều giá trị thiếu tính liên kết sẽ không hữu dụng khi bạn cần tìm kiếm định hướng cho những quyết định khó khăn trong công ty, ví dụ như làm thế nào để tập trung toàn lực cho chiến lược kinh doanh hay phân biệt các đối thủ cạnh tranh.

Dưới đây là 5 giá trị cốt lõi của Facebook:

  • Táo bạo
  • Tập trung vào ảnh hưởng
  • Chuyển động nhanh
  • Cởi mở
  • Xây dựng các giá trị xã hội

Tiền đề trọng tâm ở đây rất rõ ràng: Facebook là một công ty đề cao những cải tiến vượt trội. Công ty này sẽ lựa chọn chiến lược kinh doanh nào sáng tạo nhất và có thể cung cấp những giá trị xã hội tốt nhất. Trong khi đó, giá trị Cởi mở tồn tại như một công cụ kiểm soát tiền đề trọng tâm, rằng Facebook muốn thực hiện đổi mới nhưng sẽ không làm ảnh hưởng tới quyền tự do của người dùng. Ở đây, giá trị Cởi mở hướng tới hai mục đích: khuyến khích tinh thần làm việc nhóm trong công ty và khuyến khích sự minh bạch của nhân viên với khách hàng.

Việc liệt kê sự cởi mở vào 5 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp không chứng minh rằng Facebook luôn đạt được nó. Nhưng bằng cách đề cao tầm quan trọng của nó, Facebook có thể nhanh chóng điều chỉnh trở lại khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu lệch lạc nào.

gia-tri-cot-loi-cua-doanh-nghiep-01

Đề cao giá trị cốt lõi của doanh nghiệp giúp Facebook nhanh chóng điều chỉnh mọi suy nghĩ và hành vi lệch lạc

Trong danh sách 5 giá trị cốt lõi của Facebook không bao gồm giá trị Xuất sắcLàm việc nhómVui nhộn và Kết nối với khách hàng. Điều đó không có nghĩa là Facebook không coi trọng những giá trị trên, mà bởi có những yếu tố văn hoá luôn tồn tại mà không cần diễn đạt thành lời.

Việc đặt ra những giá trị cốt lõi không nhằm đạt được mọi điều khả thi, mà thay vào đó là nhấn mạnh những yếu tố văn hoá có thể giúp doanh nghiệp đạt được sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh.

Quy tắc #3: Nên đặt một mục tiêu cho những giá trị cốt lõi

“Bộ giá trị cốt lõi xuất sắc nhất được xây dựng dựa trên một tiền đề trọng tâm và một mục tiêu”.

Nếu nhìn lại các giá trị cốt lõi của Facebook, bạn sẽ thấy Xây dựng các giá trị xã hội chính là mục tiêu của họ. Đó là chiến lược kinh doanh tổng thể của Facebook. Sự thông minh trong danh sách 5 giá trị cốt lõi này nằm ở việc tổng hoà giữa mục tiêu và cách thức đạt được mục tiêu đó.

Dưới đây là một các giá trị văn hoá được xây dựng theo mô hình trên của một công ty khác:

  • Chất lượng / Giá trị đồng tiền
  • Đổi mới
  • Vui nhộn
  • Cạnh tranh và Thách thức
  • Tạo ra một hãng hàng không đáng mến

Nhìn vào đó, bạn có thể đưa ra ngay một vài nhận định. Đây là một công ty thuộc hãng hàng không đang nỗ lực cải tiến chất lượng, thách thức những khó khăn hiện tại. Và công ty này đang cố gắng xây dựng hình ảnh một hãng hàng không được nhiều người yêu thích.

Đó chính là hãng hàng không Virgin America. 4 giá trị đầu tiên được mượn từ tập đoàn Virgin của Richard Branson. Còn giá trị cuối cùng là sứ mệnh của công ty, hay nói cách khác là mục tiêu của họ. Mục tiêu này đã thể hiện hoàn hảo cách tập đoàn đề cao những giá trị văn hoá trong ngành công nghiệp hàng không.

Khi Alaska Airlines mua lại Virgin America vào năm 2017, họ thấy được rằng hãng hàng không này có thể giúp cách tân văn hoá doanh nghiệp của chính họ.

Một thông cáo báo chí công bố chi tiết về việc sáp nhập đã cho thấy Virgin mong muốn duy trì sứ mệnh “không ngừng khát khao mang lại trải nghiệm bay đặc biệt tới quý khách”. Bởi vậy, khi lên kế hoạch hợp nhất hai công ty, hãng Alaska đã chọn đi theo sứ mệnh của Virgin là Tạo ra một hãng hàng không đáng mến.

Khi so sánh giữa Facebook và Virgin America, cả hai công ty đều có những giá trị cốt lõi hướng đến sự đổi mới không chỉ so với đối thủ mà còn với chính kỳ vọng vào những điều không tưởng. Thế nhưng, mỗi công ty đã tuyên bố điều này bằng cách thức riêng rất độc đáo, dễ nhớ cùng những ngôn từ phù hợp với văn hoá.

Ví dụ dưới đây là các giá trị cốt lõi của Google – “ông trùm” của làng công nghệ thế giới. Mặc dù họ có định hướng văn hoá doanh nghiệp rất bền vững nhưng cách diễn đạt bị thiếu sự khéo léo.

  • Tập trung vào người dùng trước tiên
  • Làm một thứ sao cho thật tốt còn hơn làm nhiều thứ
  • Nhanh luôn tốt hơn là chậm
  • Bình đẳng trên website tạo ra hiệu quả
  • Không cần ngồi một chỗ để chờ câu trả lời
  • Có thể kiếm tiền mà không làm điều ác
  • Ngoài kia luôn có rất nhiều thông tin
  • Nhu cầu thông tin vượt qua mọi biên giới
  • Bạn có thể nghiêm túc mà không cần mặc vest
  • Chỉ vĩ đại thôi thì chưa đủ

Bất kỳ ai từng làm việc ở Google đều có thể mô tả lại văn hoá đặc trưng của công ty, nhưng các câu phát biểu của họ lại bị xếp lộn xộn. Nếu Google áp dụng mô hình của Facebook và hãng hàng không Virgin America, giá trị văn hoá của Google sẽ được viết lại thành:

  • Tập trung vào người dùng trước tiên
  • Nhanh tốt hơn là chậm
  • Chỉ vĩ đại thôi là chưa đủ
  • Xử lý thông tin tốt hơn bất kì ai

Theo đó, 3 giá trị đầu tiên đã thể hiện quyết tâm hướng đến sự xuất sắc của Google: hoàn hảo, nhanh chóng và tập trung vào lợi ích mang lại của phần mềm. Còn giá trị văn hoá cuối cùng khẳng định mục tiêu của họ: trở thành kẻ thống trị mọi thứ liên quan tới thông tin.

Với mô hình này, mỗi doanh nghiệp đều có thể chỉnh sửa hoặc tự tạo mới một danh sách giá trị cốt lõi ngắn gọn và hiệu quả, kể cả là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các startup.

Kết luận

Văn hoá doanh nghiệp nói chung và các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nói riêng có thể xây dựng được nhờ 3 quy tắc vàng: tôn trọng giá trị văn hoá ngầm định, tập trung vào một tiền đề trọng tâm và hướng tới một mục tiêu nhất định. Bạn cũng có thể không ngừng chỉnh sửa, bổ sung vào các giá trị văn hoá trong quá trình vận hành doanh nghiệp, để chúng được hoàn thiện hơn và trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Đọc ngay bài biết “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp: 8 loại hình đặc trưng bạn cần biết” để tìm hiểu kỹ hơn về điều này.

3 quy tắc vàng để xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

Viết một bình luận