Thực tập sinh là đối tượng có thể sẽ không gắn bó lâu dài với công ty. Họ không đòi hỏi quá nhiều trình độ, nhưng lí do để ở lại với công ty thì không nhiều. Đây là bộ câu hỏi giúp bạn tìm ra những thực tập sinh xuất sắc nhất.
1. Những điều bạn nên cân nhắc khi thuê thực tập sinh
Các chương trình thực tập giúp các doanh nghiệp kết nối với những sinh viên mới tốt nghiệp, giải quyết tạm thời bài toán nhân sự trong một khoảng thời gian cụ thể. Dưới đây là một số điểm chính cần lưu ý khi thuê thực tập sinh:
- Đầu tiên, xác định xem bạn có cần một thực tập sinh hay không. Thực tập sinh thường được tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngắn hạn. Nếu dự án của bạn đã đang chạy tương đối ổn định hoặc muốn làm việc với những người giàu kinh nghiệm, vậy thì thay vào đó, hãy xem xét việc thuê một nhân viên làm việc toàn thời gian hoặc một freelancer.
- Chỉ định những dự án và nhiệm vụ mà thực tập sinh sẽ đảm nhận. Lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cho thực tập sinh của bạn, quyết định họ sẽ làm việc với ai và thiết lập các mục tiêu cụ thể.
- Thương lượng về thời gian thực tập. Tốt nhất hãy cho phép thực tập 5 hoặc 6 tháng thay vì thời gian một hoặc hai tháng, như vậy các thực tập sinh mới có đủ thời gian để tham gia và làm quen với những nhiệm vụ mới của họ.
- Xem xét luật lao động về lương bổng và giờ làm việc. Thực tập sinh không thể coi là “nhân viên tự do”. Hãy đảm bảo tuân thủ tốt luật lao động và có chính sách phúc lợi hợp lí dựa trên sự đóng góp của họ.
- Chuẩn bị kế hoạch onboarding và đào tạo thực tập sinh. Những thực tập sinh ít kinh nghiệm sẽ gặp khá nhiều khó khăn để bắt nhịp trong những ngày làm việc đầu tiên. Bởi vậy, đầu tiên hay cho họ cái nhìn tổng quan về các quy trình làm việc thông thường của công ty, đào tạo họ cách sử dụng các công cụ và chỉ định các mentor (cố vấn) để giúp họ hoàn thành những nhiệm vụ ban đầu.
Tham khảo quy trình onboarding (đào tạo nhập môn) của chúng tôi tại đây.
2. Những mẫu câu hỏi dành cho thực tập sinh trong các cuộc phỏng vấn
- Tại sao bạn chọn lĩnh vực/ngành học này?
- Bạn hy vọng đạt được những gì từ lần thực tập này?
- Mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của bạn là gì và bạn có kế hoạch thế nào để đạt được chúng?
- Mức lương hoặc chế độ đãi ngộ mong muốn của bạn là gì?
- Bạn có đang tham gia khóa học nào không? Nếu có, vậy bạn có thể làm việc mấy ngày/giờ?
- Những phần mềm doanh nghiệp nào bạn đã từng sử dụng?
- Mô tả một hoặc hai dự án bạn từng tham gia tại trường Đại học. Bạn giữ vị trí nào trong những dự án này?
- Bạn sẽ làm thế nào khi đã đến deadline nhưng vẫn còn rất nhiều công việc chưa hoàn thành?
- Hãy mô tả lại một trải nghiệm làm việc nhóm của bạn. Bạn phải đối mặt với những thách thức gì và kết quả ra sao?
- Nếu bạn gặp vấn đề trong công việc, bạn có hỏi quản lý của mình để được trợ giúp không, bạn sẽ tham khảo ý kiến đồng nghiệp hay bạn sẽ tự giải quyết? Tại sao?
- Bạn đã từng nhận được phản hồi tiêu cực từ giảng viên hoặc một thành viên trong nhóm bao giờ chưa? Chuyện đó xảy ra thế nào? Bạn đã phản ứng ra sao?
- Bạn có cân nhắc việc học lên trong tương lai không? Nếu có, bạn muốn học thêm về lĩnh vực gì?
3. Một số lời khuyên khi phỏng vấn thực tập sinh
- Giải thích chi tiết các vòng tuyển dụng. Bên cạnh việc phải luôn minh bạch về quy trình tuyển dụng của công ty với tất cả các ứng viên, bạn cũng cần phải hướng dẫn cho những ứng viên chưa có kinh nghiệm này. Nếu họ chưa từng hoặc mới đi phỏng vấn xin việc ít lần, hãy mô tả chi tiết từng giai đoạn tuyển dụng để họ hình dung những gì họ sẽ trải qua (Ví dụ: họ sẽ gặp ai, họ sẽ nói gì v.v.)
- Đặt kỳ vọng rõ ràng và phát hiện sớm những nhược điểm của thực tập sinh. Trong quá trình tuyển dụng, hãy cư xử với thực tập sinh như cách bạn cư xử với những ứng viên bạn muốn tuyển dụng cho các vị trí còn trống. Sử dụng các câu hỏi để lọc nhanh ứng viên và xác định xem ứng viên có đạt được yêu cầu tối thiểu gì khi thực tập tại công ty bạn. Ví dụ:
- Bạn có biết cách sử dụng phần mềm X không?
- Mức lương mà công ty trả có phù hợp với mức lương mong muốn của bạn không?
- Bạn có thể cam kết tham gia vào chương trình thực tập kéo dài trong vòng X tháng không?
- Bạn có sẵn sàng làm việc trong suốt X giờ? (nếu bạn có một lịch làm việc cụ thể)
- Giao các nhiệm vụ để đánh giá kỹ năng. Các dự án mô phỏng nhiệm vụ của vị trí sẽ giúp bạn hiểu cách mà các thực tập sinh và ứng viên tiềm năng áp dụng kiến thức vào công việc mặc dù họ thiếu kinh nghiệm làm việc. Hãy đảm bảo cung cấp cho ứng viên các chỉ dẫn rõ ràng để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ.
4. Những trường hợp cần lưu ý
- Mục tiêu nghề nghiệp khác nhau. Nếu mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của ứng viên không phù hợp với vị trí thực tập của bạn, họ có thể cảm thấy không hứng thú với công việc được giao. Nhưng nếu họ có kỹ năng và quan tâm đến công ty của bạn, hãy cân nhắc việc để họ thực tập tại một phòng ban khác (nếu có), hoặc giữ liên lạc nếu có các cơ hội việc làm khác trong tương lai.
- Thiếu động lực. Thực tập có thời gian gắn bó cố định với doanh nghiệp (thường từ ba đến sáu tháng), nó giúp sinh viên đại học hoặc sinh viên mới tốt nghiệp có được kinh nghiệm làm việc. Nhưng đó chỉ là khi họ nhìn nhận nghiêm túc về công việc của mình. Những ứng viên nào coi nó chỉ là nhiệm vụ để nhanh nhanh chóng chóng cho xong thì chẳng xứng đáng thời gian để bạn phải bỏ ra cho họ đâu.
- Không chuyên nghiệp. Đến muộn ở các buổi phỏng vấn, làm việc không đúng deadlines hoặc kiêu ngạo là những dấu hiệu xấu bạn phải cẩn trọng ở bất kì trường hợp nào. Và dù rằng khắc nghiệt quá với các thực tập sinh là không nên thì với những trường hợp kém chuyên nghiệp này bạn cũng nên từ chối ngay từ đầu.
- Không hòa nhập với văn hoá công ty. Nếu bạn lập ra các chương trình thực tập sinh làm nguồn để đào tạo nhân viên chính thức, thì nên sớm tuyển những người hòa nhập tốt, có khả năng gắn bó lâu dài với công ty bạn.
Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…
Muốn tuyển dụng hiệu quả hơn? Tham khảo ebook MIỄN PHÍ của chúng tôi về cách xây dựng một chiến dịch tuyển dụng khoa học và bài bản nhất tại đây.