Cho dù bạn đã nghiên cứu rất kĩ về các câu hỏi phỏng vấn hay nhất, cũng đã xác định được đâu là những câu hỏi không nên sử dụng, chắc chắn bạn vẫn còn cảm thấy khó khăn để loại bỏ tất cả những lỗi dễ mắc phải trong buổi phỏng vấn gần nhất.
Dưới đây là 10 điều bạn nên tránh, được tổng hợp từ các nhà tuyển dụng có kinh nghiệm lâu năm với công việc phỏng vấn ứng viên.
1. Thiếu sự chuẩn bị
Có hàng trăm bài báo khuyên nhủ các ứng viên hãy chuẩn bị thật kĩ càng trước mỗi cuộc phỏng vấn. Trong khi đó, rất ít bài báo nhắc nhở người phỏng vấn về vấn đề này. Điều đáng buồn là, nếu một ứng viên không chuẩn bị cẩn thận sẽ có nguy cơ mất đi cơ hội việc làm, thì một người phỏng vấn không chuẩn bị cẩn thận còn phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn thế.
Hãy nhớ rằng nếu bạn không lưu lại lịch sử dữ liệu thu thập được trong quá trình phỏng vấn, bạn sẽ đang bỏ lỡ một chiến thuật phỏng vấn “có hệ thống”! Và đồng thời, bạn cũng có thể để tuột khỏi tay một ứng viên tiềm năng. Thật tuyệt vời nếu bạn biết mình đang tìm kiếm ai, tìm kiếm điều gì. Hãy luôn luôn chuẩn bị một buổi phỏng vấn chặt chẽ, có hệ thống rõ ràng, rành mạch.
Nếu có thể, hãy lưu lại lịch sử ứng tuyển của ứng viên (Ảnh: phần mềm Base E-hiring)
2. Thiên kiến xác nhận
Con người luôn có xu hướng tự thuyết phục bản thân tin vào những giả định đã được hình thành trong đầu. Ví dụ như bạn có ấn tượng rất tốt và đánh giá cao về một ứng viên, bởi thế nên trong quá trình phỏng vấn bạn sẽ “thiên vị” giả định của mình và cố gắng tìm kiếm những bằng chứng cho thấy ấn tượng của mình là đúng. Lúc này, bạn sẽ không thể nhìn ra những điểm yếu của ứng viên và những đánh giá sẽ trở nên sai lệch. Đây là một lỗi thường gặp và để lại những hậu quả khôn lường cho công việc tuyển dụng khi bạn đưa ra những quyết định không đủ khách quan và chính xác.
3. Hiệu ứng hào quang
Hãy tưởng tượng bạn đang cảm thấy vô cùng choáng ngợp trước kỹ năng coding của một ứng cử viên. Họ viết một đoạn code sạch sẽ và hoàn hảo trong một thời gian rất ngắn. Ấn tượng đặc biệt này lập tức “lấn sân” sang các yếu tố khác trong quá trình bạn đánh giá ứng viên này. Tuy trên thực tế kỹ năng giao tiếp hoặc làm việc nhóm của ứng viên không tốt, nhưng nhờ ấn tượng hoàn hảo về chuyên môn coding nên bạn thấy 2 kĩ năng này của ứng viên cũng tạm ổn, hay “không đến nỗi nào”. Thế là bạn quyết định tuyển dụng ứng viên này và rồi một thời gian sau nhận thấy họ không phải là một người phù hợp với công ty của bạn.
4. Thuyết so sánh xã hội
Hiệu ứng tâm lí này xảy ra với tất cả chúng ta. Con người luôn có khuynh hướng so sánh mình với những người xung quanh trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Khi bạn nhận thức được rằng ai đó giỏi hơn mình về một lĩnh vực nhất định, cảm giác “đố kị” sẽ nảy sinh, dù nhiều hay ít. Bởi vậy, trong một buổi phỏng vấn, bạn có thể sẽ có những cảm xúc tiêu cực với các ứng viên mà bạn cho rằng có trình độ giỏi hơn mình. Phản ứng này rất dễ mang lại hậu quả xấu cho tuyển dụng, bởi những đánh giá của bạn không còn được chính xác. Hãy luôn nhớ rằng những ứng viên này không phải là người “cướp đi” công việc của bạn, mà họ là người có tiềm năng và sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho công ty.
5. Tiếp cận cảm tính
Khi bạn dùng cảm tính để tiếp cận một vấn đề, bạn thường dựa vào những kinh nghiệm đã có hoặc những giả định từ trước của bản thân để đánh giá vấn đề đó. Trong trường hợp của công việc tuyển dụng, hãy hình dung bạn học cùng trường cấp 3 với ứng viên. Lúc này, đánh giá và quyết định của bạn sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy của sự cảm tính. Bạn nghĩ rằng bạn nắm rõ về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của ứng viên này, nhưng bạn quên mất rằng đó chỉ là những đặc tính thuộc về quá khứ, và điều bạn cần là đánh giá ứng viên tại thời điểm hiện tại. Hãy để ý trường hợp này để có thể điều tiết được tốt nhất những suy nghĩ của mình trong quá trình phỏng vấn nhé.
Nếu có thể, hãy đặt sẵn tiêu chí tuyển dụng cho từng vị trí (Ảnh: phần mềm Base E-hiring)
6. Kết luận vội vàng
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 50% nhà tuyển dụng cho biết họ chỉ cần 5 phút để xác định xem ứng viên nào phù hợp với công ty. Trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, có thể bạn sẽ biết được rằng họ lịch sự, họ tự tin hay họ mặc đẹp. Nhưng liệu chúng có thực sự phản ánh được hiệu suất công việc trong tương lai hay không?
Có một điều quan trọng mà bạn cần ghi nhớ: phỏng vấn không phải là một cuộc đua. Bạn không hề nhận được điểm thưởng khi đưa ra một quyết định nhanh chóng. Hãy ghi nhớ rằng ấn tượng đầu tiên có thể dễ dàng đánh lừa bạn và khiến bạn gặp khó khăn trong việc đặt ra những câu hỏi phù hợp để đánh giá ứng viên. Hãy cố gắng đợi đến cuối buổi phỏng vấn để đưa ra quyết định. Bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên đấy!
7. Theo đuổi sự hoàn hảo
Thông thường, các nhà tuyển dụng không cố gắng tìm ra người tốt nhất trong số những người mà họ phỏng vấn, mà họ bị ám ảnh với việc tìm ra một ứng viên “hoàn hảo”. Người này cần có tất cả những phẩm chất mà họ yêu cầu, rồi có tinh thần trách nhiệm, lịch sự, tự tin và sẵn sàng làm việc cho họ. Tuy nhiên, ứng viên như vậy thực sự không tồn tại. Vậy là họ cứ tiếp tục phỏng vấn cho đến khi việc đưa ra quyết định bắt đầu trở nên khẩn cấp. Trong lúc đó, các ứng viên tài năng mà họ đang để “pending” có thể đã tìm được một công việc khác. Thay vì cố gắng tìm một ai đó thật hoàn hảo, hãy thực tế hơn và tìm người tốt nhất trong số bọn họ.
8. Quên đi mục đích của cuộc phỏng vấn
Với tư cách là một người phỏng vấn, bạn sẽ thấy bản thân đôi khi dựa dẫm quá nhiều vào các mẫu câu hỏi tìm được trên mạng hoặc sưu tầm được từ những người đi trước. Để rồi nhiều khi bạn quên đi ý nghĩa của những câu hỏi phỏng vấn này. Các câu hỏi đều được thiết kế ra để kiểm tra về một năng lực nhất định của ứng viên. Bởi vậy, hãy luôn nhắc nhở bản thân xem câu hỏi nào rút ra cho bạn những đánh giá về năng lực nào.
Ví dụ như đối với câu hỏi tình huống khi ứng viên phải xử lí một “ca khó” với khách hàng của mình, thì liệu có phải bạn đang muốn kiểm tra độ kiên nhẫn, kỹ năng giao tiếp, cách giải quyết vấn đề hay tất cả những phẩm chất đó của ứng viên này? Nhận thức được mục đích của mỗi câu hỏi phỏng vấn là cách duy nhất để bạn có thể đánh giá câu trả lời một cách chính xác. Nếu không, bạn có thể sẽ lâm vào tình trạng đánh giá cảm tính và đưa ra các quyết định sai lầm.
9. Không đào sâu câu trả lời
Các câu hỏi về hành vi thực chất là một kỹ thuật phỏng vấn hiện đại phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Việc đặt ra câu hỏi về một kinh nghiệm trong quá khứ tưởng chừng như không giúp bạn biết quá nhiều về một ứng viên. Tuy nhiên, hãy nhìn rộng ra một chút: chắc chắn bạn không chỉ đơn thuần muốn nghe câu chuyện của họ. Cái bạn muốn là hiểu cách họ tư duy để đưa ra một giải pháp, những ảnh hưởng mà họ đã tạo ra là gì và người khác nhận thức về họ như thế nào. Mỗi khi đặt một câu hỏi, hãy luôn sẵn sàng đưa ra các câu hỏi đào sâu cho đến khi bạn thực sự nắm được câu trả lời cho vấn đề mà bạn đang tìm kiếm.
10. Không tận dụng quảng bá công ty
Người phỏng vấn đôi khi quên rằng việc đánh giá ứng viên không phải mục đích duy nhất của buổi phỏng vấn. Đây cũng là một cơ hội rất tốt để quảng bá về công ty theo một cách lịch sự và tự nhiên nhất, từ đó thuyết phục được những ứng viên giỏi nhất lựa chọn công ty của bạn. Điều này là vô cùng quan trọng, vì một người có trình độ chuyên môn cao sẽ đứng giữa rất nhiều những sự lựa chọn, và công ty của bạn chỉ là một trong số đó. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ “khoe khoang” về công ty của mình suốt cả buổi phỏng vấn. Hãy nhớ đến con số 80/20 (80% lắng nghe ứng viên, 20% nói về công ty) và tránh giọng nói kiêu ngạo hoặc không chân thành. Bạn nên cố gắng làm cho mọi từ tính để ủng hộ của bạn.
Phỏng vấn không bao giờ là công việc dễ dàng, nhưng để có được một buổi phỏng vấn thành công thì không khó, miễn là bạn lên kế hoạch thật cẩn thận và rõ ràng. Một ứng viên luôn bộc lộ rõ nhất về bản thân cũng như khả năng của mình trong buổi phỏng vấn, bởi vậy đây cũng là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình tuyển dụng.
Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, Sacombank, VPBank, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Vissan, Tân Á Đại Thành, Hoà Bình Minh, Decathlon, Huy Thành Jewelry, Bamboo Airways, Novaland Group, Phục Hưng Holdings, PCC1, Đại Học Văn Lang, Đại Học Ngoại Thương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books,…
Ngoài ra, bạn có thể tải xuống MIỄN PHÍ tài liệu về Chiến lược tuyển dụng để được hướng dẫn trọn vẹn về cách thu hút và tuyển chọn tài năng.