Vượt bão Covid-19, doanh nghiệp cần đến công nghệ

Mr. Lê Anh Tuần – Giám đốc điều hành A1 Digithub & Firstcom Digital, chia sẻ cùng Base về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các hoạt động của doanh nghiệp, xu hướng công nghệ và cách doanh nghiệp chuyển đổi số để “vượt bão Covid-19”.

Đại dịch Covid-19 là chủ đề nóng hổi, xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông trong suốt gần 1 năm qua. Theo đó, “chuyển đổi số” cũng là cụm từ khóa hot được các doanh nghiệp đặc biệt chú ý.  Dưới góc nhìn của một người quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ và cũng là người trực tiếp phát triển các giải pháp công nghệ phục vụ marketing và E-Commerce, anh Lê Anh Tuấn, Giám đốc Điều hành A1 DigiHub và Firstcom Digital đã chia sẻ cùng chúng tôi về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các hoạt động của doanh nghiệp, xu hướng công nghệ và cách doanh nghiệp chuyển đổi số để “vượt bão Covid-19”.

Vai trò của công nghệ với doanh nghiệp trong bão Covid-19

“Cơn bão” Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đối với các hoạt động vận hành & quản trị doanh nghiệp?

Đầu tiên chính là xu hướng “Work from home” – Làm việc tại nhà. Các doanh nghiệp làm quen với hình thức làm việc, báo cáo, họp hành… thông qua những nền tảng trực tuyến. Dù có một chút bỡ ngỡ ban đầu và hiệu suất lao động có thể giảm sút, nhưng về cơ bản các hoạt động vẫn của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp sản xuất, thi công, xây dựng đòi hỏi lực lượng lao động phải làm việc trực tiếp tại nhà máy, công trường thì không dễ gì tìm được biện pháp làm việc thay thế. Mọi công việc dường như bị tắc lại.

Những doanh nghiệp bán hàng truyền thống đang phải chịu sức ép lớn về chi phí vận hành, chi phí mặt bằng, nhân sự… Các cửa hàng vắng người qua lại, thậm chí phải đóng cửa nhưng những chi phí kể trên vẫn tiếp tục phát sinh, bắt buộc các doanh nghiệp tìm cách tối ưu lại bộ máy vận hành để cầm cự được qua mùa dịch. 

Nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực Sản xuất, Tài chính, Xuất nhập khẩu.. sẽ thiếu hụt một lượng nhân sự lớn là các chuyên gia nước ngoài, những người nắm giữ vị trí quản lý cấp cao. Nếu tình trạng bế quan tỏa cảng kéo dài chúng ta sẽ phải xoay sở kiếm nguồn lực nội địa vốn hạn chế.

Trong thời điểm nhạy cảm bởi Covid-19, công nghệ dường như phát huy được sức mạnh hơn bao giờ hết. Theo anh, công nghệ đã giúp các doanh nghiệp “vượt bão Covid-19” như thế nào?

Thành thực mà nói, tôi nghĩ rằng công nghệ đã phát huy được hiệu quả đối với một số ngành nhất định, chứ không phải là tất cả. Như tôi đã đề cập ở trên, những doanh nghiệp với đội ngũ phần lớn là lao động chân tay sẽ không được hưởng lợi nhiều từ những xu thế công nghệ thời Covid-19. Công nghệ đã thể hiện vai trò rõ rệt ở ba khía cạnh chính: 

Thứ nhất là xu hướng tiêu dùng online đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào các kênh thương mại điện tử như Website, Facebook, Sàn, livestream…Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng hoạt động lên trên nền tảng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dùng thay vì mua sắm trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng.

Thứ hai là các doanh nghiệp đã cải tiến bộ máy vận hành để thích nghi với hoàn cảnh, không thể thủ công mãi được. Những phần mềm quản trị nhân sự, quản lý công việc & dự án, quản lý quy trình… trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, giúp nhân sự làm việc dễ dàng hơn, các hoạt động trở nên liền mạch hơn. 

Thứ ba là bài toán hợp tác, giao tiếp. Trước đây, mọi người thường cho rằng cứ phải đến văn phòng, phải họp hành hay gặp nhau trực tiếp thì mới hiệu quả. Bây giờ, mọi người có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu, bàn bạc và đưa ra quyết định hoàn toàn online, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức mà lại an toàn hơn.

Cụ thể, với ngành thương mại điện tử, công nghệ đã có ảnh hưởng như thế nào trong thời điểm này?

Công nghệ giúp hành trình trải nghiệm khách hàng được thông suốt. Từ việc marketing, truyền thông sản phẩm, đến bán hàng, giao nhận, thanh toán và chăm sóc khách hàng được thực  hiện rất mạch lạc khi các nền tảng đã tích hợp với nhau. Nhờ đó, khách hàng cảm thấy thuận tiện và yên tâm hơn khi mua sắm online ngay giữa mùa dịch. 

Tiếp đến, những doanh nghiệp thương mại điện tử vận hành với hiệu suất cao hơn nhờ vào những công cụ giao tiếp, quản lý & đo lường công việc. Họ có thêm thời gian và nguồn lực để đầu tư vào hoạt động nghiên cứu sản phẩm, chăm sóc khách hàng, gia tăng giá trị .

Công nghệ cũng giúp các doanh nghiệp trong ngành phát hiện thêm nhiều cơ hội để mở rộng kinh doanh: bán các sản phẩm mới, cung cấp thêm các dịch vụ mới, hoặc khai phá thêm nhóm khách hàng mới.

Có vẻ như Covid-19 cú hích ngoạn mục, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghệ hóa?

Nhận xét này đúng nhưng không hoàn toàn tuyệt đối. Một số doanh nghiệp được thiết kế linh hoạt và coi trọng công nghệ từ đầu đã tận dụng giai đoạn này để tăng tốc quá trình số hóa. Nhưng với các doanh nghiệp truyền thống, mô hình phức tạp, quy mô cồng kềnh khi chuyển đổi số đã gặp nhiều rào cản lớn. Họ đã nhận ra các vấn đề và tính cấp thiết của chuyển đổi số rồi nhưng không dễ tìm được đối tác đủ năng lực tư vấn và triển khai.

Chẳng hạn, người tư vấn quản trị tuyển dụng cho một ngân hàng không thể là một người chỉ giỏi về công nghệ, mà phải có kinh nghiệm lẫn hiểu biết sâu về vận hành, quản trị và văn hóa doanh nghiệp. Nếu không, tư vấn sẽ  đưa ra giải pháp rất chủ quan, xa rời thực tế, đến khi triển khai sẽ gặp vô vàn khó khăn, khiến doanh nghiệp sẽ nản lòng.

Vì sao trước khi dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà đầu tư vào công nghệ?

Các doanh nghiệp Việt Nam thường có hai lựa chọn: một là dành ra một khoản ngân sách cho công nghệ để tối ưu hóa vận hành, hai là tuyển thêm một loại nhân sự trẻ với mức lương vừa phải, cứ thế giao việc, giao KPI. Doanh nghiệp băn khoăn nên đầu tư vào công nghệ hay con người để làm việc hiệu quả hơn? Thực tế, họ thường chọn con người vì trước mắt thấy nhanh chóng, dễ dàng hơn. 

Công nghệ cần sự hiểu biết và kiên nhẫn. Ngay cả việc làm một cái website Thương mại Điện tử thôi có thể mất 6 tháng đến 1 năm rồi, kết quả lại chưa rõ ràng ngay. Doanh nghiệp bị áp lực bởi dòng tiền, doanh số nên nếu bỏ công sức vào những thứ họ không thật sự hiểu biết thì họ sẽ chẳng hào hứng lắm. 

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp e ngại sự thay đổi vì đã quá quen với phong cách làm việc truyền thống, hoặc nhân viên trung tuổi không quen với sử dụng công nghệ. Chỉ đến khi Covid-19 ập đến, họ mới bắt buộc phải tìm tới công nghệ để vượt qua các thách thức nan giải. 

Lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Truyền thông ở thời điểm này hay nhắc đến chuyển đổi số bằng những mệnh đề như “Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đổi vận”, “Chuyển đổi số hay là chết”… Như vậy có phải là nói quá không, thưa anh?

Tôi cho rằng nói vậy là hơi quá sự thật. Có những doanh nghiệp tồn tại suốt bao năm qua, tích lũy được nguồn lực lớn về tài chính hay thương hiệu, họ vẫn sống tốt mà chưa cần phải chuyển đổi số gấp gáp. Hoặc trong 1 số ngành, năng lực cạnh tranh nằm ở sản phẩm, quan hệ, tài chính….thì chuyển đổi số không hẳn đã là chìa khóa để thành công. chuyển đổi số là việc nên làm, mang tính dài hạn và tạo nên nhiều sự mới mẻ , nhưng không nên gán cho nó những sứ mệnh mang tính tuyệt đối quá.. Công nghệ không phải là điều kỳ diệu có thể khiến doanh nghiệp “đổi vận” ngay được. 

Vậy một doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu?

Chuyển đổi số nên bắt đầu từ vấn đề nhức nhối của doanh nghiệp. Sau khi xác định được vấn đề, hãy ngồi xuống trao đổi cùng chuyên gia tư vấn uy tín – những người đã từng giải những bài toán tương tự để tìm ra giải pháp công nghệ phù hợp nhất. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm ngược lại quy trình  này. Đến khi hiệu quả chẳng như kỳ vọng ban đầu, doanh nghiệp lại phàn nàn rằng giải pháp này không tốt, chuyển đổi số không có ý nghĩa… Vậy nên doanh nghiệp cần tập thói quen hiểu chính mình trước khi bắt tay làm bất cứ việc gì.

chuyen-doi-so-nen-bat-dau-tu-van-de-nhuc-nhoi-cua-doanh-nghiep

Doanh nghiệp nên mua công nghệ hay tự phát triển công nghệ?

Ở đây tôi muốn đề cập đến hai nhóm công nghệ. Nhóm một là lõi vận hành, bao gồm các quy trình nghiệp vụ, dữ liệu công việc, đo lường và tối ưu hóa…Nếu doanh nghiệp đủ hiểu biết, đủ tài chính và nguồn nhân lực thì có thể đầu tư hẳn một đội IT nội bộ và tự xây dựng công nghệ phục vụ hoạt động vận hành. Nhưng nếu doanh nghiệp cảm thấy không đủ sức để đầu tư như vậy suốt mấy năm trời thì nên hợp tác với những đơn vị mạnh, đã chứng minh được năng lực triển khai cho các khách hàng lớn như Base.vn – Nền tảng thống nhất quản trị và điều hành 4.0.

Nhóm hai là công nghệ phục vụ khách hàng như website, chatbot, chăm sóc khách hàng. Doanh nghiệp nên chọn các giải pháp có sẵn và chỉnh sửa linh hoạt vì hiện nay rất nhiều đơn vị cung cấp giải pháp tốt cho nhóm này. Nội bộ có thể tự phát triển những công nghệ này được nhưng đâu đó sẽ mất tầm nửa năm cho mỗi ứng dụng. Trong mùa dịch diễn biến khó lường như vậy, chúng ta nên tránh lãng phí nhiều thời gian vì rủi ro lớn.

Với những doanh nghiệp ngại triển khai công nghệ vì bước chuyển đổi dữ liệu từ offline lên online khá mệt mỏi, anh có lời khuyên gì?

Đúng là việc chuyển đổi dữ liệu này rất mất thời gian. Nhưng dữ liệu chính là tài sản quý báu của doanh nghiệp mình. Phải biết cách lưu trữ và tái sử dụng nó để đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời hơn, từ đó mới sản sinh ra lợi nhuận được. Nếu không chuyển đổi thì dữ liệu nằm trong giấy tờ hoặc các phần mềm rời rạc sẽ không khai thác được đúng giá trị  Bạn có thể bắt đầu  từ các phòng ban ít đụng chạm đến quá nhiều dữ liệu như phòng Nhân sự chẳng hạn. Rồi  dần triển khai cho các phòng ban khác, dựa trên các bài học trước đó, rồi mới  chuẩn hóa, tối ưu lại cho toàn hệ thống.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Viết một bình luận