Làm thế nào để CEO xây dựng được thương hiệu cá nhân và tối đa hoá lợi ích từ nó?

Ở bài viết Xây dựng thương hiệu cá nhân có bắt buộc với các CEO?, vai trò quan trọng của thương hiệu cá nhân đối với CEO nói riêng và doanh nghiệp nói chung đã được làm rõ. Và bây giờ là lúc bạn chính thức bắt tay vào tạo dựng nền tảng cho riêng mình.

Rất có thể bạn đã từng đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tảng đó nhưng chưa ý thức được, hoặc hiểu lầm một vài thông tin thông thường chính là thương hiệu.

Bạn đã từng xuất hiện trên chương trình thời sự của một đài truyền hình? Bạn đã bao giờ xuất hiện tại  buổi hội thảo với vai trò diễn giả chứ không phải khách mời tham dự? Bạn có nghĩ rằng website cá nhân là một công cụ dư thừa và quá kiêu ngạo?

Thật may mắn thay, các doanh nhân lớn và chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới đã phác thảo ra 7 bước cụ thể để giúp bạn xây dựng một thương hiệu cá nhân hấp dẫn, đồng thời thu về lợi ích từ nó.

1. Xây dựng nền tảng thương hiệu cá nhân của bạn

Bước đầu tiên để xây dựng thương hiệu cá nhân là tạo ra một nền tảng mà bạn có thể tự tin và phát triển dựa trên đó. Nguyên tắc quan trọng ở đây là authenticity – tính xác thực.

Có một quan niệm sai lầm rằng xây dựng thương hiệu cá nhân nghĩa là tạo ra một persona (hình mẫu lý tưởng). Nhưng một hình mẫu – theo định nghĩa – chỉ là vẻ bề ngoài hào nhoáng chứ không phản ánh đúng sự thật về con người của bạn.

Thương hiệu cá nhân của bạn không nên là một hình mẫu giả tạo như vậy.

Bạn phải định vị một cách chính xác các mục tiêu, kỹ năng, niềm đam mê, giá trị và niềm tin của bạn; sau đó thể hiện một cách trung thực chúng vào thương hiệu cá nhân (cho dù bạn có thể phóng đại lên một chút).

Hãy bắt đầu bằng việc kiểm kê các “tài sản thương hiệu” mà bạn đang sở hữu. Giao điểm của những tài sản này chính là nơi bạn nên xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.

xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-01

Nền tảng thương hiệu cá nhân được xây dựng dựa trên các yếu tố sự thật về con người bạn

  • Kỹ năng và thành tích: Những kỹ năng nào bạn đã tích luỹ được trong suốt cuộc đời? Bạn đã nhận được những bằng cấp, chứng chỉ hoặc giải thưởng nào?
  • Đam mê và sở thích: Bạn quan tâm tới những lĩnh vực và chủ đề nào nhất? Bạn có đam mê nào đặc biệt không?
  • Giá trị cốt lõi và niềm tin: Một vài giá trị cốt lõi quan trọng nhất của bạn là gì? Bạn tin tưởng nhất vào điều gì? Bạn đại diện cho cái gì? Bạn luôn tích cực chống lại cái gì?

Tiếp theo, bắt đầu chắp nối chúng thành các yếu tố chính của thương hiệu cá nhân của bạn:

  • Brand vision – Tầm nhìn thương hiệu: Bạn muốn được biết đến nhờ điều gì? Nếu bạn được biết đến như một chuyên gia về chủ đề X, thì đó là gì?
  • Brand mission – Sứ mệnh thương hiệu: Tại sao bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân? Bạn muốn gây ảnh hưởng đến ai? Bạn muốn thực hiện những gì?
  • Brand message – Thông điệp thương hiệu: Thông điệp chính bạn muốn truyền đạt là gì? Thông điệp nào bạn muốn lặp lại trong marketing? Nếu bạn chỉ có thể đưa ra một lời khuyên cho khán giả của mình, nó sẽ là gì?
  • Brand personality – Tính cách thương hiệu: Một số đặc điểm cá nhân của bạn có thể đưa vào thương hiệu là gì? Bạn muốn được định vị là rất sang trọng và chuyên nghiệp, hay là kỳ quặc và mạo hiểm?

2. Xác định chân dung khán giả mục tiêu của bạn

Một trong những sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải khi xây dựng thương hiệu cá nhân là cố gắng thu hút càng nhiều khán giả yêu thích càng tốt. Nếu bạn cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người, bạn sẽ chẳng thu hút được ai.

Bạn cần phân cực để nổi bật. Không phải tất cả mọi người tiếp xúc với bạn hoặc nghe về thông điệp của bạn đều sẽ thích thú hoặc cộng hưởng với bạn, và đó hoàn toàn là tín hiệu tốt. Nên nhớ rằng doanh nghiệp của bạn cũng thành công nhờ các khách hàng tiềm năng chứ không tăng gấp đôi doanh thu nhờ vào số đông công chúng.

Một bài tập có giá trị mà chúng tôi khuyên bạn nên làm là tạo lập client profile (đôi khi được gọi là client avatar), tức là hồ sơ khách hàng hoàn hảo. Bạn càng hiểu về khách hàng tiềm năng của mình, bao gồm cả mong muốn và thách thức của họ, bạn sẽ càng chuẩn bị tốt hơn để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của họ.

Dưới đây là một số câu hỏi hỗ trợ bạn tạo lập hồ sơ khách hàng:

  • Nhân khẩu học: tuổi, giới tính, học vấn, tình trạng quan hệ, thu nhập, nghề nghiệp,…
  • Mong muốn và khát vọng: Họ mong muốn tương lai như thế nào? Ước mơ, mục tiêu và khát vọng của họ là gì?
  • Pain point (điểm đau) và thách thức: Họ đang vật lộn đấu tranh với cái gì? Điều gì đang ngăn cản họ đạt được mục tiêu?

3. Cung cấp một lời đề nghị không thể cưỡng lại

Để xây dựng một thương hiệu cá nhân có thể sinh lời, bạn phải có thứ gì đó để bán cho đối tượng mục tiêu của mình. Bạn cần một lời đề nghị không thể cưỡng lại có khả năng giúp khán giả của bạn giải quyết một vấn đề hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

Rất nhiều CEO mắc sai lầm khi định hướng doanh nghiệp tạo ra một sản phẩm / dịch vụ mà bản thân họ muốn, chỉ để khám phá ra rằng không một khách hàng nào cần nó hoặc sẵn sàng trả tiền cho nó.

Đây là lý do tại sao việc xác định hồ sơ khách hàng trước khi bạn bắt tay vào đầu tư một sản phẩm / dịch vụ rất quan trọng.

Bước đầu tiên để tạo ra một đề nghị không thể cưỡng lại là định vị bản thân như một chuyên gia chứ không phải là kẻ mới vào nghề. Hứa với khách hàng của bạn một kết quả rất cụ thể và thiết kế một đề nghị chuyên biệt có khả năng giúp họ đạt được kết quả đó. Đừng bao giờ sử dụng một lời đề nghị chung chung và một lời hứa mơ hồ.

Tiếp theo, tìm sự trùng lặp giữa những gì bạn yêu thích, những gì bạn làm tốt nhất, những gì khách hàng tiềm năng của bạn mong muốn nhất và tạo ra một đề nghị nằm ở giao điểm của các tiêu chí này. Đây được gọi là Irresistible Offer Formula – Công thức đề nghị không thể cưỡng lại.

Những gì bạn thích làm + Những gì bạn làm tốt nhất + Những gì khán giả của bạn muốn nhất = Đề nghị không thể cưỡng lại

Một khi bạn đã có lời đề nghị không thể cưỡng lại, bạn cần nói rõ điều đó với khán giả của mình. Đây là hai câu hỏi mà bạn phải trả lời rõ ràng và ngắn gọn:

  • Bạn làm nghề gì?: Câu trả lời của bạn cho câu hỏi này chính là value proposition – tuyên ngôn giá trị của bạn. Bạn cung cấp giá trị gì cho khách hàng để đổi lấy việc tính phí cho họ?
  • Bạn làm nó như thế nào?: Xác định cho quá trình, sản phẩm / dịch vụ của bạn một cái tên duy nhất. Lúc này, nó ngay lập tức nổi bật hơn so với bất kỳ lời đề nghị cạnh tranh nào hứa hẹn kết quả tương tự.

Chẳng hạn, Nicholas Kusmich – một chuyên gia cố vấn về Facebook Ads đã giúp hàng trăm doanh nghiệp tăng nhanh doanh thu bằng việc dạy họ cách sử dụng hiệu quả Facebook Ads. Để giúp bản thân nổi bật (và nổi tiếng) so với hàng ngàn chuyên gia khác cũng làm điều tương tự, anh ấy đã phát triển một quy trình độc quyền và anh ấy đặt cho nó một cái tên duy nhất: “Contextual Congruence” có nghĩa nôm na là Bối cảnh phù hợp.

Đây là ảnh chụp màn hình website cá nhân của Nicholas, mô tả những gì anh ấy làm bằng cách phân biệt anh ấy với các đối thủ cạnh tranh:

xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-03

“What I Do?” là câu hỏi giúp phân biệt thương hiệu cá nhân của bạn với những người khác

4. Tối ưu hóa website cá nhân của bạn

Đối với một CEO, sự hiện diện tần suất lớn trên social media là rất quan trọng, nhưng bạn lại không thể sở hữu hoặc kiểm soát bất kỳ nền tảng xã hội nào. Chính vì vậy, trang web cá nhân – nền tảng do chính bạn sở hữu và kiểm soát – là một thành phần quan trọng để xây dựng thương hiệu cá nhân.

Trong nhiều trường hợp, truy cập vào trang web của bạn có thể là một trong những bước giúp chuyển đổi đối tượng mục tiêu thành khách hàng của doanh nghiệp.

Hãy nhớ rằng ấn tượng đầu tiên là rất quan trọng. Khi đối tượng mục tiêu truy cập vào website cá nhân của bạn, họ sẽ hiểu ngay bạn là ai và bạn có thể giúp họ như thế nào. Họ nên gần như ngay lập tức cảm thấy họ đã tìm đến đúng người. Nếu điều này không xảy ra trong vòng một vài giây, hầu hết khách truy cập sẽ rời khỏi trang web đó.

Bên cạnh đó, website của bạn nên được tối ưu hóa để chuyển đổi khách truy cập ngẫu nhiên thành khách hàng trả phí.

Có một số yếu tố đặc biệt cần thiết để thực hiện điều này và hầu hết chúng có mặt ngay trên trang chủ của bạn:

  • Logo chuyên nghiệp: Một nhà thiết kế có thể hô biến tên của bạn thành logo chuyên nghiệp, việc của bạn là đặt nó ở một vị trí dễ nhìn.
  • Tuyên bố giá trị của bạn: Đảm bảo rằng tuyên ngôn giá trị của bạn (bao gồm người bạn giúp đỡ và cách bạn giúp đỡ họ) được hiển thị nổi bật trên trang chủ, lý tưởng là gần đầu trang.
  • Bức ảnh chuyên nghiệp: Nhờ một nhiếp ảnh gia chụp một vài bức ảnh chuyên nghiệp. Sử dụng những bức ảnh này trên khắp trang web cũng như các hồ sơ mạng xã hội của bạn.
  • Hiệu ứng lan truyền thông tin (phương tiện truyền thông, lời chứng thực): Thêm logo của bất kỳ ấn phẩm hoặc phương tiện truyền thông nào mà bạn đã từng xuất hiện trên đó, đồng thời trích dẫn lời chứng thực tích cực từ phía đối tác hoặc khách hàng.
  • Lời kêu gọi hành động (call-to-action) rõ ràng: Chỉ dẫn cho khách truy cập trang web của bạn một bước tiếp theo rõ ràng, có thể là việc tham gia vào email list của bạn, đăng ký hội thảo trên web miễn phí hoặc đăng ký tư vấn miễn phí,…

Một trong những ví dụ tốt nhất về website thương hiệu cá nhân là Jeanine Blackwell. Ảnh chụp màn hình trang chủ website của Jeanine chứa tất cả các yếu tố được mô tả ở trên:

xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-04

Trang chủ của website cá nhân cần làm nổi bật mọi thứ quan trọng về thương hiệu của bạn

Bên cạnh trang chủ, đây là các trang quan trọng khác mà web thương hiệu cá nhân của bạn nên chứa:

  • Trang giới thiệu bản thân: Chia sẻ câu chuyện cá nhân của bạn. Bạn có duyên với lĩnh vực kinh doanh của bạn như thế nào? Bạn có những kinh nghiệm và kiến thức quý báu gì? Bạn giúp đỡ những ai và giúp như thế nào? Tại sao bạn lại làm thế?
  • Trang cung cấp thông tin sản phẩm / dịch vụ: Giúp khách truy cập trang web của bạn dễ dàng trở thành khách hàng hoặc đối tác. Liệt kê tất cả các sản phẩm, chương trình, dịch vụ bạn cung cấp kèm theo các liên kết để tìm hiểu thêm về chúng hoặc thậm chí là nút đặt hàng (tùy thuộc vào quy trình bán hàng của bạn).

Chẳng hạn, trên trang web cá nhân của Sunny Lenarduzzi, cô xây dựng một trang “Work with me” với menu thả xuống cung cấp thông tin bổ sung về tài nguyên miễn phí, chương trình huấn luyện và các khóa học trực tuyến.

  • Trang tài nguyên miễn phí: Bao gồm bài đăng trên blog, tập podcast, video hữu ích hoặc danh sách tài nguyên bạn đã tạo dựng hoặc đề xuất.
  • Trang liên hệ: Chỉ dẫn một cách cụ thể các phương pháp khác nhau để liên hệ với bạn (email, phương tiện truyền thông xã hội,…) dựa trên lý do tại sao họ liên hệ với bạn.

Bạn có thể tham khảo trong những trang liên hệ tốt nhất thuộc về Lewis Howes. Để phân loại phù hợp với mục đích liên hệ, trên đó có nhiều biểu mẫu khác nhau:

xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-06

Có nhiều mục trên website cá nhân giúp bạn tối đa hoá lợi ích từ thương hiệu

Khi bạn xây dựng một thương hiệu 100% dựa trên bạn, bạn đã có nền tảng để tận dụng chiến lược Đại Dương Xanh của riêng mình – một không gian phát triển không bị kiểm soát và không có lực lượng cạnh tranh truyền thống – bởi vì không ai trong số đối thủ của bạn có thể sao chép hoặc nhân bản tất cả những gì độc đáo và độc quyền của bạn.

5. Có chiến lược nội dung hấp dẫn cho thương hiệu cá nhân

Cung cấp thông tin miễn phí là một trong những cách hiệu quả nhất để xây dựng thương hiệu của bạn và chiếm được sự tin tưởng của đối tượng mục tiêu.

Thay vì cố gắng thuyết phục khán giả rằng bạn có thể giúp họ, hãy chứng minh bằng các nội dung hữu ích cho họ. Điều này giúp định vị bạn là một chuyên gia và người có thẩm quyền thực sự.

Không phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu cá nhân thành công nhất hiện nay luôn xuất bản một lượng nội dung trực tuyến đáng kể giúp “nuôi dưỡng” khán giả của họ.

Hãy bắt đầu bằng cách phân tích và chọn lọc tất cả các chủ đề tiềm năng cho đối tượng mục tiêu của bạn. Khi bạn sở hữu một danh sách đủ dài, bước tiếp theo là quyết định loại hình nội dung sẽ tạo và nơi bạn sẽ xuất bản nội dung đó.

Các loại hình nội dung phổ biến:

  • Văn bản / bài viết
  • Video
  • Podcast
  • Hội thảo
  • Khóa học trực tuyến
  • ebook
  • Infographic
  • Slide
  • Case study

Các phương tiện xuất bản nội dung phổ biến:

  • Blog / website cá nhân
  • Thư mục podcast (iTunes, Stitcher,…)
  • YouTube
  • Các blog và ấn phẩm trực tuyến
  • Social media (LinkedIn, Facebook,…)
  • Email
  • Slideshare
  • Quora

Chú ý rằng bạn cần tập trung vào chất lượng và tính nhất quán của nội dung.

Lựa chọn tần suất xuất bản nội dung mới hợp lý và đừng xuất bản các nội dung làm xấu đi thương hiệu của bạn. Content marketing là một cuộc chơi dài hạn, nhưng nó sẽ đem lại kết quả đáng kinh ngạc khi được thực hiện chính xác.

xay-dung-thuong-hieu-tuyen-dung-06

Sau khi đã xác định nội dung, hãy xuất bản thương hiệu cá nhân của bạn qua các phương tiện phổ biến

Để sản xuất và quảng bá thành công một nội dung hấp dẫn sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí hơn hầu hết mọi người nhận ra. Vì lý do đó, bạn nên bắt đầu với 1-2 loại nội dung chính (ví dụ như bài đăng trên blog hoặc video) cùng với 1-2 phương tiện nội dung chính (như YouTube hoặc Facebook). Khi bạn bắt đầu nhận được kết quả tốt, hãy tiếp tục và mở rộng sang các loại nội dung và phương tiện khác để tiếp cận nhiều người hơn.

6. Có chiến lược tăng độ nhận diện thương hiệu cá nhân

Có một cách thu hút số lượng lớn khán giả nhanh hơn việc tạo dựng và xuất bản các nền tảng nội dung từ đầu, là thông qua tiếp xúc với tập khán giả sẵn có của người khác.

Dưới đây là một số cách phổ biến để tăng độ nhận diện thương hiệu cá nhân của bạn:

  • Phỏng vấn & PR (public relations – quan hệ công chúng): Được mời phỏng vấn với tư cách chuyên gia trên podcast, các hội nghị thượng đỉnh, các phương tiện truyền thông truyền thống (TV, đài phát thanh, tạp chí,…)
  • Blogger: Viết bài cho các trang blog và các ấn phẩm trực tuyến khác mà đối tượng mục tiêu của bạn thường xuyên đọc.
  • Public speaking – Diễn thuyết trước công chúng: Áp dụng tại các sự kiện trực tiếp, các nhóm Meetup có đối tượng mục tiêu của bạn tham dự và / hoặc giới hạn trong khu vực địa lý bạn đang ở.
  • Partnerships – Quan hệ đối tác: Xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với cá nhân và các công ty khác có thể mang lại một số cơ hội bao gồm viết blog, phỏng vấn, hợp tác và giới thiệu khách hàng.

Ngày nay, Growth Hacking đã khiến tên tuổi các CEO nổi bật trên các ấn phẩm lớn. Nếu bạn muốn xây dựng uy quyền và uy tín trong lĩnh vực của mình, đừng bỏ qua một trong những cách tốt nhất – đề cập đến bạn (càng nổi bật càng tốt) bởi một trong những thương hiệu uy tín nhất.

7. Xây dựng một cộng đồng khán giả của thương hiệu cá nhân

Thay vì cố gắng thu hút một lượng lớn khán giả chung chung cho thương hiệu, hãy tập trung vào việc trở thành người lãnh đạo một cộng đồng thuộc một phân khúc cụ thể.

Đó là cộng đồng để đối tượng mục tiêu của bạn tương tác với nhau, chia sẻ ý tưởng, hỗ trợ lẫn nhau và tiếp cận trực tiếp với bạn. Cộng đồng này góp phần giúp khách hàng để tâm tới thông tin mà họ nhận được hơn, và tất nhiên, giúp nâng thương hiệu cá nhân của bạn lên một tầm cao hơn.

Dưới đây là một số cách bạn có thể xây dựng một cộng đồng xung quanh thương hiệu và doanh nghiệp của mình:

  • Facebook group: Tạo các nhóm riêng tư trên Facebook cho khán giả và / hoặc khách hàng của bạn. Điều này sẽ cho bạn cơ hội tham gia vào các cuộc trò chuyện bổ ích với khán giả hàng ngày.
  • Sự kiện trực tiếp: Tổ chức các sự kiện trực tiếp để khán giả và / hoặc khách hàng có thể dành thời gian với bạn ngoài đời thực. Những cuộc gặp gỡ ngoài giờ làm, bữa tối riêng tư, cuộc hội thảo,… là một số cách tuyệt vời để củng cố mối quan hệ lâu dài giữa CEO và các mối quan hệ xung quanh.
  • Membership site: Tạo một membership site (website chứa dữ liệu, tiện ích giới hạn sử dụng trong thành viên miễn phí hoặc trả phí). Bạn sẽ có một khoản phí hàng tháng trên danh nghĩa, còn khách hàng của bạn có quyền truy cập vào nội dung độc quyền, liên lạc và tham dự các hội thảo của bạn một cách thường xuyên.
xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-10

Membership site là một cộng đồng thương hiệu cá nhân giới hạn quyền lợi chỉ có ở các thành viên

Kết luận

Thời đại ngày nay chính là cơ hội tốt nhất giúp các CEO dễ dàng xây dựng thương hiệu cá nhân. Internet và công nghệ 4.0 đã phá vỡ hầu hết các rào cản. Bạn hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu và có một lượng khán giả trực tuyến, đồng thời tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất để cung cấp cho họ.

Là CEO của một doanh nghiệp, bạn có đối thủ cạnh tranh. Nhưng là một thương hiệu cá nhân, bạn không phải đối mặt với sự cạnh tranh nào cả. Trên thực tế, không có người nào khác trên thế giới giống hệt bạn. Với tư các một cá nhân có thương hiệu, bạn là duy nhất 100%; mặc dù có thể có những người và công ty khác bán các sản phẩm và dịch vụ tương tự.

Đừng ngại ngần xây dựng một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ cho riêng mình, bởi đó chính là bằng chứng rõ ràng nhất chứng minh rằng bạn khác biệt so với đối thủ.

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Download miễn phí combo 5 tài liệu tuyển dụng-nhân sự chỉ với 1 click tại đây.

Làm thế nào để CEO xây dựng được thương hiệu cá nhân và tối đa hoá lợi ích từ nó?

Viết một bình luận