Tải về Mẫu nội quy công ty (bản Word đầy đủ 21 trang)

1. Nội quy công ty là gì?

Tuy không định nghĩa cụ thể về Nội quy công ty nhưng theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Lao động 2012, Nội quy công ty – hay còn gọi là nội quy lao động – được hiểu là văn bản do người sử dụng lao động ban hành, quy định về các quy tắc xử sự mà người lao động có trách nhiệm bắt buộc phải tuân thủ khi tham gia quan hệ lao động nhằm xác lập trật tự lao động, chuẩn mực chung trong một doanh nghiệp.

2. Một doanh nghiệp có bắt buộc phải có Nội quy công ty không?

Câu trả lời là Có.

Thứ nhất, điều này là bắt buộc về mặt pháp lý

Theo luật thì bất kỳ doanh nghiệp nào được thành lập cũng cần có Nội quy lao động bằng văn bản. Theo quy định tại Điều 119 bộ Luật Lao động 2012 thì những doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản và phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh để nội quy lao động có hiệu lực pháp luật. 

Nếu không có văn bản quy định Nội quy lao động chính thức nào, doanh nghiệp sẽ bị phạt theo Điều 15, Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

“Điều 15, Khoản 2 quy định:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không có nội quy lao động bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;

b) Sử dụng nội quy lao động không được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;

c) Sử dụng nội quy lao động đã hết hiệu lực.”

Thứ 2, sở hữu Nội quy công ty giúp nhà lãnh đạo quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn

Xây dựng và đăng ký Nội quy lao động không chỉ để đáp ứng yêu cầu bắt buộc của cơ quan nhà nước mà còn là một công cụ quan trọng giúp định hướng quản trị và phát triển nguồn nhân lực dài hạn, bảo vệ doanh nghiệp trong những vấn đề liên quan.

  • Đảm bảo kỷ luật: Nội quy lao động là cơ sở để doanh nghiệp thực thi quyền quản lý của mình nói chung và bảo đảm kỷ luật lao động nói riêng. Nó yêu cầu các nhân viên, cả hội đồng quản trị và lãnh đạo của công ty phải thực hiện đúng các quy tắc hoặc giải thích rõ ràng lý do tại sao họ không thực hiện, đồng thời giữ cho công ty và nhân viên của mình không vi phạm luật pháp và quy định.
  • Định hướng văn hóa nội bộ: Mỗi một quy định là một hướng dẫn và tài liệu tham khảo cho nhân viên để hỗ trợ công việc hàng ngày được tốt nhất. Nó là công cụ giúp quản lý, định hướng lối sống và phong cách hành xử có văn hóa của một cộng đồng. Nội quy doanh nghiệp nâng cao giá trị cốt lõi của công ty, niềm tin và thiết lập văn hóa đúng đắn.
  • Gắn kết nhân viên: Những nội quy thích hợp và đúng đắn khi được đưa ra chính là chất keo gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp, thúc đẩy lòng trung thành và giữ chân nhân viên. Nó giúp mọi người thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Khi nhân viên phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau, chính văn bản này là yếu tố giúp mọi người hòa nhập và thống nhất.
  • Tuân thủ pháp luật: Các tổ chức có quy tắc ứng xử và tuân theo các bước được xác định khác trong luật pháp, có thể giảm rủi ro tài chính liên quan đến các án phạt của chính phủ vì hành vi sai trái, đặc biệt là về tham nhũng trong doanh nghiệp.

3. Các bước xây dựng và đăng ký Nội quy công ty

Bước 1: Xây dựng Nội quy công ty

#1 Căn cứ pháp lý của một văn bản Nội quy công ty

  • BLLĐ 2012: Bộ luật lao động hiện hành (BLLĐ) quy định các nội dung cần có của Nội quy;
  • NĐ 05/2015/NĐ-CP: Hướng dẫn một số nội dung của BLLĐ 2012 có liên quan;
  • TT 19/2003/TT-BLĐTBXH đã được sửa đổi, bổ sung tại NĐ 33/2003/NĐ-CP: Dùng để lấy form mẫu, thông tư này đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016, tuy nhiên phần form mẫu vẫn đang sử dụng và chưa được thay thế;
  • CV 340/LĐ-TBXH: Sử dụng để lấy form mẫu, tình trạng không xác định và sẽ hết hiệu lực khi có văn bản thay thế;
  • TT 29/2015/TT-BLĐTBXH: Hướng dẫn NĐ 05/2015 về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và tranh chấp lao động, tham khảo để xây dựng Nội quy;
  • TT 23/2015/TT-BLĐTBXH: Hướng dẫn NĐ 05/2015 về tiền lương, đây cũng là một nội dung của Nội quy.

Một văn bản Nội quy công ty đầy đủ chi tiết bắt buộc phải có tính pháp lý. Dưới đây là một số điều khoản trong nội quy công ty doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý để có thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động cũng như chính doanh nghiệp:

  • Quy định về hợp đồng thử việc: Chẳng hạn, doanh nghiệp không nên yêu cầu nhân viên thử việc phải báo trước bao nhiêu ngày khi có ý định nghỉ. Vì như thế là trái với quy định pháp luật. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc; mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
  • Hình thức xử lý, kỷ luật lao động: Nhiều doanh nghiệp xử lý, kỷ luật lao động bằng cách luân chuyển bộ phận khác với mức lương thấp hơn. Thực chất, theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2012; các hình thức xử lý kỷ luật lao động chỉ bao gồm khiển trách. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức, sa thải. Nếu vi phạm lỗi này và không có lý do chính đáng; doanh nghiệp có thể bị phạt từ 6.000.000VNĐ đến 14.000.000VNĐ
  • Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo của người lao động: Một số doanh nghiệp yêu cầu người lao động bồi thường chi phí đào tạo khi nghỉ việc trước thời hạn. Nhưng, theo quy định pháp luật, người lao động chỉ cần bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng.
  • Quy định về làm thêm giờ: Nhiều doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đến lợi ích của mình; mà quên mất quyền lợi của người lao động khi quy định nội dung này. Theo pháp luật, doanh nghiệp cần nhân viên làm thêm giờ cần phải có sự đồng ý của người lao động. Bên cạnh đó, cần đảm bảo đủ các điều kiện về số giờ làm thêm theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 Bộ Luật Lao động 2012.

#2 Những nội dung bắt buộc trong Nội quy công ty

Để xây dựng nội quy công ty, cần phải đảm bảo có được các nội dung mà pháp luật quy định, cụ thể là tại Điều 119 của Bộ luật Lao Động và nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của luật lao động. Theo đó, 5 nội dung sau đây bắt buộc phải có trong một bản Nội quy công ty:

  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt; thời điểm các đợt nghỉ ngắn ngoài thời gian nghỉ giữa giờ; nghỉ chuyển ca; ngày nghỉ hàng tuần; nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương.
  • Trật tự tại nơi làm việc: Quy định phạm vi làm việc, đi lại trong thời giờ làm việc; văn hóa ứng xử, trang phục; tuân thủ phân công, điều động của người sử dụng lao động (trừ trường hợp thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và sức khỏe của mình).
  • An toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc: Trách nhiệm nắm vững các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; chấp hành biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuân thủ nội quy, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động; sử dụng và bảo quản phương tiện bảo vệ cá nhân; vệ sinh, khử độc, khử trùng tại nơi làm việc.
  • Bảo vệ tài sản, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: Danh mục tài sản, tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ phải bảo vệ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.
  • Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, hình thức xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất: Danh mục hành vi vi phạm, mức độ vi phạm tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật lao động; mức độ thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Doanh nghiệp không nhất thiết phải quy định 5 phần trên thành 5 chương với các điều khoản cụ thể mà có thể linh động để phù hợp với lĩnh vực hoạt động của công ty – mục đích là nhấn mạnh hơn về những quy định quan trọng theo đặc thù của doanh nghiệp. Ví dụ như đối với các công ty kinh doanh mà có cửa hàng thì có thể quy định hẳn riêng từng chương về trang phục khi đi làm hoặc phong cách ứng xử khi tiếp xúc với khách hàng. 

Bước 2: Thống nhất ý kiến trong doanh nghiệp

Sau khi xây dựng một hệ thống Nội quy công ty, để đảm bảo sự nhất quán trong việc xây dựng và quan trọng nhất là thể hiện sự thống nhất giữa những người đứng đầu công ty, bạn cần được sự đồng ý của các bộ phận liên quan bao gồm:

  • Ban lãnh đạo công ty:.
  • Ban chấp hành Công đoàn (bắt buộc theo quy định hiện hành)
  • Nhân viên doanh nghiệp

Doanh nghiệp có thể lấy ý kiến qua email, sau đó tổ chức 1 cuộc họp bao gồm đại diện ban lãnh đạo, BCH công đoàn cơ sở và một số quản lý bộ phận đại diện cho tập thể lao động để làm rõ các ý kiến và thống nhất nội dung.

Bước 3: Đăng ký Nội quy lao động

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành nội quy lao động, doanh nghiệp của bạn phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. (Sở Lao động Thương Binh và Xã hội) Trình tự, thủ tục đăng ký nội quy lao động như sau:

Bước 1. Nộp hồ sơ

Theo Điều 120 của Bộ luật, hồ sơ đăng ký nội quy gồm:

  • Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;
  • Nội quy lao động;
  • Văn bản góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
  • Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).

Doanh nghiệp cần chuẩn bị ít nhất 2 bộ hồ sơ: 1 bộ cơ quan nhà nước giữ và 1 bộ gửi lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu công ty của bạn có 3 hoặc nhiều chi nhánh thì nên làm nhiều bộ để đăng ký, sau đó gửi cho cơ quan nhà nước nơi các chi nhánh hoạt động (khoản 8, điều 28 NĐ 05/2015).

Bước 2. Cơ quan chuyên môn tiếp nhận hồ sơ

Khi nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký nội quy lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho người sử dụng lao động. Giấy xác nhận nhận đã nhận hồ sơ đăng ký nội quy lao động phải có các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Bước 3: Nhận kết quả

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký nội quy lao động, nếu nội quy lao động có quy định trái với pháp luật thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có văn bản thông báo và hướng dẫn người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại nội quy lao động. Thông báo phải có các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Khi nhận được văn bản thông báo nội quy lao động có quy định trái với pháp luật, doanh nghiệp của bạn sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thực hiện đăng ký lại nội quy lao động. Hồ sơ đăng ký lại thực hiện như đăng ký nội quy lao động.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, nội dung nội quy lao động đúng yêu cầu thì Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh ghi tên doanh nghiệp của bạn vào sổ đăng ký nội quy lao động theo mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Hiệu lực Nội quy công ty

Sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh nhận được hồ sơ đăng ký trừ trường hợp Nội quy lao động/ Nội quy công ty phải sửa lại (Điều 122 BLLĐ 2012).

Người sử dụng lao động có chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi Nội quy lao động/ Nội quy công ty sau khi có hiệu lực đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh (khoản 8, điều 28 NĐ 05/2015).

Bước 4: Ban hành Nội quy công ty

Một bộ Nội quy lao động chặt chẽ và hợp pháp cũng sẽ vô dụng nếu như không được đưa vào thực tiễn. Hãy xây dựng một kế hoạch để giúp nhân viên hiểu được những gì mà bạn mong đợi ở họ. Một số gợi ý sau sẽ giúp nhân viên của bạn ủng hộ bộ quy tắc và chủ động biến chúng thành hành động, lấy đó làm kim chỉ nam cho cách ứng xử hàng ngày.

Đưa Nội quy công ty vào doanh nghiệp

Giao trách nhiệm cho một người phụ trách công việc thực thi bộ Nội quy công ty sẽ là một giải pháp thích hợp để đào tạo và đảm bảo sự tuân thủ trong công ty. 

  • Thông báo cho toàn doanh nghiệp và giải thích những thắc mắc liên quan. Các phương tiện tốt nhất để phân phối chính sách có thể là e-mail, bảng tin, các cuộc họp nhóm nhỏ hay toàn thể nhân viên của công ty.
  • Cập nhật vào nơi lưu trữ các chính sách của doanh nghiệp như Sổ tay nhân viên hay mạng nội bộ doanh nghiệp, thông báo cho nhân viên nơi họ có thể truy cập vào chính sách sau này
  • Đào tạo nội bộ: Bên cạnh việc thông báo và theo sát quá trình áp dụng, người phụ trách thực thi Nội quy công ty cũng cần đảm bảo toàn bộ nhân viên hiểu và nắm được hết các quy tắc của doanh nghiệp, theo dõi nhân viên nào chưa, đang và đã hoàn thành khóa đào tạo, hoặc ai đó cần được đào tạo lại.

Base HRM là phần mềm quản trị và phát triển nhân sự dành cho doanh nghiệp. Các nội quy chính sách, quy chế về lương, thưởng, phụ cấp cho nhân viên đều được quản lý trên phần mềm. Chúng sẽ được phân loại rõ ràng, mô tả chi tiết và được chỉ định áp dụng cho các bộ phận/ cá nhân nào trong khoảng thời gian nào. Đặc biệt, khi có cập nhật hay ra mắt chính sách mới, các thành viên sẽ không bị bỏ lỡ vì đều nhận được thông báo từ phần mềm.

Giao diện quản lý quy định, chính sách trong doanh nghiệp trên Base HRM

Ngoài ra, để phục vụ cho mục đích đào tạo nội bộ, bạn còn có thể yêu cầu nhân viên mới làm một bài kiểm tra để xem nhân viên đã hiểu và nắm được chưa – ngay trên hệ thống này – với một ứng dụng được tích hợp sẵn là Base Test.

Niêm yết Nội quy công ty 

Để đảm bảo cho việc ban hành Nội quy công ty đúng quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thông báo đến toàn bộ nhân viên bằng cách niêm yết các nội dung chính của Nội quy công ty ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc để nhân viên nắm rõ được các nội dung của nội quy lao động và tự lựa chọn cách xử sự cho phù hợp (Khoản 4 Điều 119 BLLÐ 2012).

Tuy nhiên ngày nay, khi các doanh nghiệp đang ngày càng hướng đến xu hướng số hóa văn phòng, những chính sách, nội quy ban hành cũng được số hóa theo cách rất riêng. Bên cạnh việc được lưu trữ trực tuyến để nhân viên có thể tìm đọc bất cứ lúc nào, doanh nghiệp có thể niêm yết Nội quy công ty trên phần mềm để đảm bảo nhân viên cũ hay mới đều có thể nắm bắt được và luôn được cập nhật các phiên bản mới nhanh nhất có thể.

Những điều được nêu trên bảng thường được chắt lọc đơn giản và ngắn gọn nhất giúp mọi người dễ ghi nhớ. Bảng nội quy có thể thay đổi trong từng giai đoạn khác nhau. Nhưng một bảng Nội quy rút gọn cần đảm bảo các nội dung cơ bản, ví dụ như sau:

  • Quy định về thời gian làm việc: 8 giờ/ngày (Sáng 8h đến 12h, chiều 1h đến 5h) từ thứ 2 đến thứ 7. Quy định về thời gian làm việc và nghỉ trưa ở mỗi nơi sẽ có sự chênh lệch nhưng đều đảm bảo người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày trong tuần và giờ nghỉ trưa từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi trong ngày. Ngoài ra, còn quy định về thời gian làm thêm ngoài giờ.
  • Tác phong và đạo đức: Không được làm việc riêng trong giờ làm việc. Mang trang phục phù hợp gọn gàng, không quá ngắn và lòe loẹt hoặc mang đồng phục được cấp. Trung thực và trách nhiệm với công việc, giao tiếp ứng xử phù hợp với mọi người.
  • Đảm bảo an toàn và vệ sinh trong lao động: Không được hút thuốc, uống rượu, bia và đánh bạc trong khuôn viên công ty. Không được mang hung khí, chất dễ cháy nổ vào công ty. Tuân thủ đúng các quy định về phòng cháy, chữa cháy, sử dụng điện. Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ tại nơi làm việc.
  • Bảo vệ tài sản doanh nghiệp: Sử dụng tài sản đúng cách, bảo vệ tài sản tránh làm hư hỏng. Không được tự ý sử dụng và mang ra ngoài các loại tài sản khi chưa cho phép. Không được tự ý đến các khu vực cấm liên quan đến sản xuất, hàng hóa trừ nhân viên tại khu vực đó hoặc được nhận chỉ thị của cấp trên.

Một ví dụ về tóm tắt quy định chính sách được niêm yết trên Base HRM

Bước 5: Theo dõi và điều chỉnh

Xây dựng một bộ Nội quy công ty là chưa đủ, bạn phải thực sự sống và làm việc theo những tiêu chuẩn đó. Việc thường xuyên đánh giá công ty hoạt động như thế nào là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp xác định các vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng dẫn đến những hành vi phi đạo đức. 

Bạn cũng có thể khuyến khích phản hồi của nhân viên, đặt câu hỏi về bộ Nội quy. Mục tiêu là khiến mọi người trao đổi theo cách tích cực, chủ động và nhanh chóng giải quyết thay vì chờ đợi một sai sót nghiêm trọng xảy ra rồi bạn mới vào cuộc xử lý. Một vài bài kiểm tra thường kỳ, cuộc gặp gỡ nói chuyện 1:1, hoặc những hộp thư ẩn danh có thể là những công cụ hữu ích để đo lường.

Bên cạnh đó, để mọi thứ được minh bạch hơn, nhà quản lý hoàn toàn có thể ứng dụng phần mềm để quản lý, lưu trữ và xử phạt các sự vụ, sai phạm trong công ty. Ví dụ như Base Case, ứng dụng này có thể giúp việc phát hiện và xử phạt vi phạm do nhân viên gây ra nhanh chóng, chính xác và minh bạch. Nhân viên không thể chối cãi hay kiện tụng, vì mọi quy chế xử phạt đều đã được công khai rõ ràng, bản thân họ cũng đã xác nhận đã đọc hiểu khi mới vào làm việc. Doanh nghiệp cũng có được cái nhìn tổng quan về tình hình thực hiện nội quy, quy định chung trong tập thể và lịch sử sai phạm của từng người.

Khi có sai phạm xảy ra, bất kỳ ai cũng có thể tạo một báo cáo sự vụ trên đó: Mô tả lại sai phạm theo nhiều hình thức khác nhau và tag tên những người có liên quan.

Quy trình xử lý các sự vụ, sai phạm của nhân viên trên ứng dụng Base Case như sau:

  • Doanh nghiệp xây dựng quy chế xử phạt chuẩn: Tạo danh sách các loại hình sai phạm thường xảy ra, mô tả hành vi và quy trình xử lý chúng.
  • Khi có sai phạm xảy ra, bất kỳ ai cũng có thể tạo một báo cáo sự vụ trên đó: Mô tả lại sai phạm theo nhiều hình thức khác nhau (hình ảnh, văn bản,..) và tag tên những người có liên quan.
  • Những thành viên trực tiếp sai phạm hoặc có liên quan giải trình lại sự việc.
  • Đưa ra phương án xử lý thoả đáng nhất, nhân viên vi phạm cam kết thực hiện.
  • Lưu trữ và thống kê mọi sự vụ và vi phạm.
mau-noi-quy-cong-ty

4. Tấm bản lề của doanh nghiệp

Là tấm bản lề của doanh nghiệp, Nội quy công ty giúp một tổ chức luôn giữ vững kỷ luật, văn hóa và phong cách làm việc mà nhà lãnh đạo đã định hình ngay từ ban đầu. Cho dù pháp luật không quy định bắt buộc thì đây cũng là một loại văn bản mang tính “quản trị” không thể thiếu trong một tổ chức.

Thực tế, xây dựng một bản nội quy đúng nghĩa là một quá trình phức tạp, cần trình độ pháp lý cao và phải thường xuyên được cập nhật. Mỗi doanh nghiệp lại phải có nội quy riêng: doanh nghiệp tư nhân thì xây dựng khác công ty nhà nước, những công ty con phải quy định phù hợp với nội quy của công ty mẹ; trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài thì chỉ áp dụng những nội dung phù hợp với pháp luật Việt Nam,…

Bên cạnh xây dựng một cơ cấu tổ chức khoa học; thiết lập vai trò nhiệm vụ rõ ràng, việc xây dựng – lưu trữ và triển khai các nội quy, chính sách hiệu quả cũng là nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu để có thể quản trị và vận hành tốt doanh nghiệp. Bộ giải pháp quản trị và phát triển nhân sự toàn diện Base HRM hoàn toàn có khả năng hỗ trợ nhà lãnh đạo giải quyết các bài toán nhân sự đau đầu.


Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Để nhận tư vấn 1-1 và tham gia demo trải nghiệm tính năng các phần mềm quản trị vận hành của Base, bạn có thể ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY

Viết một bình luận