Data-driven không phải là tất cả: Đây là cách giúp bạn quyết định sáng suốt hơn nhờ vào cảm tính

Hơn bao giờ hết, trong thời đại Big Data và infographics hiện tại, rõ ràng sự phân tích và các con số đang đóng vai trò lớn hơn trong việc ra quyết định (decision making). Mặc dù sự phụ thuộc vào dữ liệu (data-driven) đã tăng lên, nhưng có một yếu tố luôn luôn hiện hữu trong việc ra quyết định kinh doanh mà con người gần như không thể định lượng được: cảm tính.

1. Những hiểu lầm phổ biến về cách các nhà lãnh đạo ra quyết định

Trong tiếng Anh, cảm giác về thứ gì đó không thể định nghĩa hay giải thích được một cách logic được gọi là “gut feeling”, trong tiếng Việt được hiểu là cảm tính.

Only Human – một nghiên cứu gần đây của Fortune đã chứng minh rằng cảm xúc đóng một vai trò rất lớn trong việc ra quyết định điều hành.

Theo đó, 65% trong số 720 giám đốc điều hành cấp cao nói rằng các yếu tố chủ quan không thể định lượng (bao gồm văn hóa doanh nghiệp và các giá trị cốt lõi) ngày càng tạo ra sự khác biệt khi đánh giá đề xuất cạnh tranh.

Nhiều tổ chức ngày nay dựa vào dữ liệu để tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, từ content curation hay từ phổ thông là “xào nấu bài viết” (Netflix và Spotify) đến quảng cáo trực tuyến (Facebook). Nhưng khi nói đến các quyết định kinh doanh chiến lược, 62% các giám đốc điều hành cấp cao tin tưởng vào cảm tính của họ.

Only Human cũng chứng minh rằng các yếu tố khác như danh tiếng, sự tin tưởng và đặc biệt là cảm tính cũng đóng vai trò rất lớn trong việc đưa ra quyết định hợp tác. Mặc dù sự thật sẽ có xu hướng tô màu hoặc vùi dập một lựa chọn nào đó, cuối cùng chúng ta vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi cảm tính, và trái tim đã chiến thắng lý trí – nơi được định hướng bởi dữ liệu.

Nghe có vẻ như cảm tính đang đi ngược lại với những gì chúng ta luôn nói về kinh doanh?

Đúng vậy. Nó đi ngược lại với trào lưu và lời kêu gọi “Hãy data-driven trong từng chi tiết nhỏ nhất!” được cho là hiện đại trên thế giới.

data-driven-vs-cam-tinh

Liệu có phải cảm tính đang chống lại xu hướng data-driven trong các quyết định kinh doanh?

Cùng phân tích một chút về data-driven. Dữ liệu giúp người ra quyết định đạt được sự tin tưởng như thể đang nắm trong tay tất cả thông tin cần thiết để đưa ra quyết định. Nhưng lý thuyết không bao giờ áp dụng được tuyệt đối, cũng như chúng ta chỉ là con người và chắc chắn không thể hoàn toàn tách biệt khỏi cảm xúc.

Hơn thế nữa, trong một thế giới nhiễu loạn thông tin thì rất dễ xảy ra nhầm lẫn trong quá trình phân tích phức tạp và không ổn định. Vì vậy, lý tưởng nhất, các nhà lãnh đạo không nên bỏ qua trực giác hoàn toàn khi đối mặt với những nghi ngờ.
 

Điều đó có nghĩa là, chúng ta đang nhầm tưởng mọi quyết định kinh doanh sáng suốt phải data-driven hoàn toàn và là một quá trình logic không có cảm xúc.

Trên thực tế, chúng ta đưa ra quyết định hiệu quả hơn khi kết hợp dữ liệu cùng với cảm tính (bao gồm giác quan nhận thức, cảm xúc, kinh nghiệm trong quá khứ, phán đoán,…).

2. Cách giúp bạn ra quyết định sáng suốt nhất dựa trên cả dữ liệu và cảm tính

Sau khi đã biết rằng việc đưa ra quyết định nên bao gồm cả cả dữ liệu và cảm tính, câu hỏi hóc búa vẫn còn đó: Làm thế nào mà bạn – một người lãnh đạo – có thể linh hoạt kết hợp hai yếu tố đó để đưa ra quyết định sáng suốt trong kinh doanh?

Trong doanh nghiệp của bạn, ắt hẳn các cá nhân và bộ phận khác luôn cần tới dữ liệu để có thể bàn luận và trao đổi với nhau. Không thể có cuộc họp “chay” mà mỗi người đều nói về cảm tính cá nhân của mình được. Bởi vậy, trước hết, vẫn cần có trong tay các dữ liệu cần thiết xung quanh vấn đề của bạn.

Sau đó, người ra quyết định cuối cùng – là bạn – sẽ cần khai thác tốt hơn bản năng và trực giác của mình. Việc này không hề dễ dàng, có đôi khi phải chống lại với những gì đám đông đang suy nghĩ, nhưng bạn phải làm vì trách nhiệm với cảm tính của bản thân và vì trách nhiệm với tương lai doanh nghiệp – thứ mà hiện tại chưa thể xác minh.

Dưới đây là các bước mà bạn có thể thực hiện để thúc đẩy quá trình ra quyết định đúng đắn.

2.1. Luyện tập “chánh niệm”

Bạn có bao giờ phải làm một điều cần thiết nhưng thực tâm bạn không hề muốn? Để có thể tự đặt ra các trăn trở và trả lời chúng, bạn cần thiết phải lắng nghe bản thân nhiều hơn. Mục đích của bạn là gì? Bạn đã đặt những kỳ vọng gì vào quyết định lần này? Nó có đúng với tầm nhìn dài hạn cho doanh nghiệp bạn hay không?

“Chánh niệm”, trong tiếng Anh là mindfulness, được hiểu nôm na là khi một người tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ vào một sự vật, sự việc và không có bất cứ phán xét gì tại một thời điểm nhất định trong hiện tại.

Luyện tập chánh niệm này có thể giúp bạn trở nên thông thái hơn trong việc tự hiểu tiếng nói bên trong của mình. Nhờ nó, bạn có thể chủ động xác định thời điểm nên đưa ra quyết định và tránh bị phân tâm với các yếu tố không phù hợp.

quyet-dinh-kinh-doanh-cam-tinh

Tập trung toàn bộ cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ vào một vấn đề khiến bạn thông thái hơn

Trước khi bạn nghi ngờ hoặc loại bỏ trực giác của mình, hãy ghi nhớ hoặc ghi chép lại những gì trực giác và kinh nghiệm của bạn muốn nói. Cân nhắc các giải pháp dựa trên dữ liệu và nghĩ chậm lại một chút để xem đâu là lựa chọn hợp ý với cảm tính của bạn nhất.

2.2. Đừng vội gạt bỏ những gì trực giác cảm nhận được từ dữ liệu

Steve Jobs là một trong những người ra quyết định khét tiếng nhất mọi thời đại. Ông nổi tiếng vì đã đưa ra các quyết định dựa vào cảm tính thuần túy; điển hình như dự đoán một ngày nào đó máy tính bảng sẽ vượt qua máy tính để bàn, mặc dù tại thời điểm đó có rất nhiều báo cáo dữ liệu chứng minh điều ngược lại. Dự đoán của ông sau này đã  trở thành hiện thực.

Liệu các quyết định “ngược đời” của Steve Jobs có xuất phát từ một loại cảm tính nào đó khi ông nhìn vào 100% các dữ liệu phân tích hay không? Kiểu như những gì được chứng minh rất chắc chắn lại thường đi theo chiều ngược lại?

Các con số thống kê trong quá khứ và hiện tại chỉ phản ánh chính xác tình trạng tại thời điểm xác định mà thôi. Còn tương lai – thứ mà bạn cần quan tâm tới và đưa ra các quyết định phục vụ nó – chưa thể đo lường được.

Lạm dụng kết quả phân tích dữ liệu có thể dẫn đến thiếu thui chột tính sáng tạo khi giải quyết vấn đề của bạn. Đừng quên rằng những dự đoán nhìn từ góc độ nào đó cũng đều là nhận định chủ quan do con người cảm nhận được từ dữ liệu.

Lấy ví dụ bạn đang cân nhắc làm việc chung với một trong hai đối tác. Đối tác A là một doanh nghiệp lớn khá danh tiếng, sở hữu các con số báo cáo tăng trưởng rất khả quan. Còn đối tác B chỉ là một startup nhỏ, các dữ liệu không nói lên nhiều về tiềm năng khi làm việc chung với công ty bạn.

Rất nhiều người sẽ ngay lập tức ủng hộ đối tác A, bởi rất rõ ràng, sự tăng trưởng là dấu hiệu đáng mừng. Đó là cảm tính của họ. Còn bạn, rất có thể trực giác của bạn đang mách bảo rằng sự tăng trưởng nóng kia sẽ mang lại rủi ro vào một ngày không xa; và ngược lại, bạn thấy rằng đối tác B dường như đang có sự chuẩn bị cho một cuộc bứt phá ngoạn mục.

Đừng quá vội vàng gạt bỏ đối tác B, kẻo sau này bạn sẽ phải tự trách mình “Tại sao lại không nghe theo trực giác?

2.3. Trau dồi kinh nghiệm bản thân, tạo cơ hội cho những ý tưởng chưa hoàn thiện

Các nhà lãnh đạo tài ba thường sở hữu chỉ số IQ cảm xúc cao. Họ có ý thức lắng nghe cả trực giác bản thân và những gì người khác nói; đồng thời giữ một tư duy mở để sẵn sàng học hỏi và thử nghiệm các phương pháp mới.

Điều này trùng khớp với nhận định phần lớn cảm tính của con người được hình thành dựa trên kinh nghiệm. Quay lại ví dụ về hai đối tác A và B ở trên, nếu bạn đã từng được biết tới một case study tương tự, ắt hẳn trực giác của bạn sẽ nhạy bén hơn ngay từ đầu.

Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, bạn cũng học cách “thả nổi” những ý tưởng chưa đầy đủ về mặt dữ liệu nhưng ít nhiều mang lại cho bạn cảm giác tin tưởng. Hãy cho các ý tưởng dở dang một cơ hội được bổ sung thêm thông tin để trở thành một quyết định tâm phục khẩu phục về cả mặt cảm tính lẫn data-driven.

Bạn cũng phải thực sự quan tâm đến trải nghiệm của nhân viên, đồng thời khuyến khích họ cởi mở tư duy theo con đường phi tuyến tính để phát huy tốt nhất trực giác bản năng.

quyet-dinh-du-lieu-hay-cam-tinh

Hãy lưu ý về trực giác khi đánh giá các báo cáo dữ liệu và bổ sung thêm thông tin cho các ý tưởng cảm tính của bạn

Tạm kết

Nói tóm lại, các quyết định trong kinh doanh sẽ đúng đắn hơn nếu bạn biết linh hoạt cân bằng cả hai yếu tố là dữ liệu và cảm tính. Đội ngũ chuyên viên phân tích có thể giúp bạn hoàn thành xuất sắc việc phân tích và đưa ra các kết luận data-driven, còn việc tăng tỷ lệ phần trăm đúng đắn của cảm tính thì chỉ bạn mới có thể đảm trách. Chúc bạn có các quyết định sáng suốt!

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Download miễn phí combo 5 tài liệu tuyển dụng-nhân sự chỉ với 1 click tại đây.

Data-driven không phải là tất cả: Đây là cách giúp bạn quyết định sáng suốt hơn nhờ vào cảm tính

Viết một bình luận