Bức tranh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp giáo dục Việt Nam

Theo báo cáo của Edtech UK, London & Partners, mức đầu tư cho ngành công nghệ giáo dục toàn cầu là 45 tỉ GBP năm 2015, và dự kiến là 129 tỉ GBP năm 2020. Theo Tech Crunch, đến năm 2020, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm 54% thị trường công nghệ giáo dục.. 

Những con số này là minh chứng cho sự lan rộng của một xu hướng giáo dục trên toàn cầu hiện nay: Vai trò của công nghệ trong sự phát triển của ngành giáo dục.

Vậy ngành giáo dục tại Việt Nam đang dịch chuyển như thế nào trong thời đại 4.0?

1. Chuyển đổi số trong ngành giáo dục bao gồm những hoạt động gì?

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo bao gồm các trường học công, trường tư, các trung tâm tiếng Anh, trung tâm đào tạo nghề, trường dạy nghề, doanh nghiệp điều hành chuỗi trung tâm,…

Cơ cấu của một doanh nghiệp lĩnh vực giáo dục thường được chia thành 2 bộ phận chính:

  • Khối văn phòng bao gồm các bộ phận như: Kế toán – Tài chính, Hành chính – Nhân sự, Marketing – Truyền thông, Tư vấn tuyển sinh – Chăm sóc khách hàng, Quản lý chung.
  • Khối đào tạo bao gồm 2 vị trí nhân sự chính là quản sinh và giáo viên.

Chuyển đổi số trong ngành giáo dục, nghĩa là việc áp dụng công nghệ, cũng dựa vào mục đích và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp giáo dục và được ứng dụng dưới 3 hình thức chính:

  • Ứng dụng công nghệ trong lớp học: Cơ sở vật chất lớp học, công cụ giảng dạy.
  • Ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học: Áp dụng các xu hướng giáo dục công nghệ như Lớp học thông minh, Game hóa (Gamification), Lập trình,… vào giảng dạy.
  • Ứng dụng công nghệ trong quản lý: Công cụ quản lý và vận hành

Một thuật ngữ cũng đang được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây là Edtech. Edtech là kết hợp giữa “giáo dục” (education) và “công nghệ” (technology), nghĩa là áp dụng công nghệ trong giáo dục. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh khác nhau của giáo dục từ việc dạy và học, quản lý giáo dục, truyền thông giáo dục,…

Những lợi ích của công nghệ đối với giáo dục là không thể phủ nhận:

  • Nâng cao chất lượng giáo dục: Ngày nay, các thành tựu công nghệ như IoT (Internet vạn vật) giúp tăng cường an ninh trong các doanh nghiệp giáo dục, theo dõi hành vi của học sinh, quản lí, giám sát học sinh; Big data giúp phân tích hành vi học tập của học sinh để có hỗ trợ, tư vấn phù hợp; hay Blockchain giúp xây dựng hệ thống quản lý thông tin và hồ sơ giáo dục của học sinh, cho phép hợp nhất, quản lý và chia sẻ dữ liệu từ nhiều trường học, ghi chép lại lịch sử học tập, bảng điểm của học sinh để đảm bảo thông tin dữ liệu được đồng nhất, minh bạch.
  • Tăng tính tương tác, tính thực hành – ứng dụng: Ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) trong giáo dục để tạo dựng các phòng thí nghiệm ảo, mô hình thực tế ảo có khả năng tương tác với người dùng, hay các cuốn sách AR, phần mềm Blippar dạy khoa học vũ trụ,… giúp cho người học có những trải nghiệm đa giác quan, dễ hiểu, dễ nhớ và gây tò mò, hứng thú cho học sinh, đồng thời tăng tính tương tác, thực hành và ứng dụng kiến thức ngay trong lớp học. 
  • Tạo không gian và thời gian học linh động, thúc đẩy giáo dục mở – bình đẳng – cá thể hóa: Thời gian gần đây, khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) bùng nổ với các tên tuổi lớn trên thế giới như: Udacity, Coursera, edX, Udemy, FutureLearn, tạo điều kiện cho người học tiếp thu kiến thức một cách linh động và thuận tiện mọi lúc, mọi nơi. Điều này thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người tiếp cận thông tin đa chiều, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian, từ đó phát triển nhanh về kiến thức, nhận thức và tư duy. 
  • Đi kèm với giáo dục mở là tài nguyên học liệu mở, giúp người học, người dạy kết nối với kiến thức hiệu quả dù họ ở đâu và trong khoảng thời gian nào. Tài nguyên học liệu mở là một xu hướng phát triển tất yếu của nền giáo dục hiện đại.
  • Giảm chi phí đào tạo: Với sự phát triển của Internet, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều có lợi trong việc xây dựng chính sách giá cho khách hàng của mình, và dịch vụ e-learning không phải là ngoại lệ. Theo đó, chi phí khóa học sẽ được giảm đến mức đáng kể. Thông thường một khóa học tiếng Anh có giá khoảng 3 triệu đồng thì nếu đăng ký học trực tuyến, học viên chỉ phải tốn khoảng 300 000 đồng.
  • Doanh nghiệp vận hành tốt hơn: Dù là các trường học hay doanh nghiệp tư nhân, việc áp dụng công nghệ vào vận hành cũng giúp quản lý giáo viên và học viên triệt để hơn, giảm tải các lãng phí, tăng hiệu suất và chất lượng làm việc của khối văn phòng và đào tạo.
  • Đánh giá (kiến thức học sinh và tài liệu hướng dẫn và đo lường sự tiến bộ): Sử dụng những đánh giá của người học kết hợp với việc phân tích các dữ liệu, giáo viên có thể áp dụng các thông tin mà họ có được để tiến hành điều chỉnh các kế hoạch giảng dạy. Sinh viên có thể trả lời các câu hỏi của giảng viên thông qua các phần mềm, từ đó giảng viên có thể đánh giá chính xác về kiến thức của từng sinh viên.

2. Hiện trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp giáo dục

2.1. Ứng dụng công nghệ trong lớp học

Nhiều giảng đường lớn tại các trường đại học được trang bị những màn hình cảm ứng lớn và gắn tại nhiều vị trí khác nhau tạo thuận tiện cho sinh viên theo dõi bài giảng của giảng viên. Mỗi sinh viên được sử dụng máy tính với kết nối internet để thuận tiện cho việc nhận tài liệu từ thầy cô và nộp bài luận.

Nhiều thư viện tại các trường đại học thay vì có thủ thư hoặc phải tra cứu máy tính để tìm vị trí sách và đến giá lấy thì sinh viên chỉ cần truy cập hệ thống quản lý thư viện trên máy tính,tìm tên sách cần tìm, xác nhận sau đó sách sẽ tự động được xuất ra.

Công nghệ cao và tiến xa hơn nữa là trí tuệ nhân tạo sẽ được áp dụng trước hết từ những nước phát triển. Tại Đại học Washington (Mỹ), tất cả các phòng học đều được thiết kế nhằm bảo đảm các yếu tố nghe, nhìn, đọc, thảo luận. Phòng học được trang bị hệ thống màn hình cảm ứng cho đến máy tính bảng, tai nghe, công cụ tương tác trực tuyến… 

Không gian học, các dụng cụ cụ và cơ sở hạ tầng phục vụ việc học càng ngày càng được chú trọng yếu tố số hóa, thông minh. Phòng học trong thế kỷ 21 có các bảng điện tử thông minh (thay vì bảng đen viết phấn), các bàn học thông minh thay cho các bàn học thông thường. Học sinh, sinh viên được trải nghiệm các chuyến tham quan thực tế ảo.

Ngoài ra những phần mềm về quản lý khóa học như Canvas giúp giảng viên có thể nắm được tiến trình học tập của sinh viên và sinh viên hoàn toàn có thể chia sẻ, thảo luận từ tài liệu, video, audio bài học.

Trên thế giới hiện có một số start-up nổi bật như Kahoot!, Lumosity, Curriculet, v.v…; còn tại Việt Nam hiện mới chỉ có LIKA và Bigschool.

2.2 Ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học

 Khóa học trực tuyến (E-learning): đối với phương pháp học tập này, thì giáo viên và học sinh có thể tương tác được với nhau. Ứng dụng này sẽ cá nhân hóa cho từng học viên, để đưa ra được một phương pháp dạy phù hợp. Từ đó, có thể nâng cao được hiệu quả học và dạy lên vượt trội. Trên thế giới, Coursera, Udemy, Udacity, và KhanAcademy là một vài cái tên nổi bật thuộc phân khúc này; còn tại Việt Nam, hiện đang có 4 cái tên là Edumall, Kyna.vn, FUNiX và Unica. 

– Phương pháp học tập thông qua các dự án: Đây là một phương pháp học tập hiện đại. Người học không còn chỉ nghe lí thuyết rồi làm bài tập nữa. Mà ở đây, các học viên sẽ được thành lập thành 1 nhóm rồi được giao cho 1 dự án để làm. Điều này sẽ giúp cho các học viên không bị nhàm chán trong khi học. Cùng với đó, cũng giúp cho các học viên có kĩ năng làm việc nhóm hiệu quả nhất.

– Phương pháp học bằng ứng dụng thực tế ảo: Học qua ứng dụng thực tế ảo đem lại cho người học trải nghiệm như học tại lớp học thật. Cardboard là ứng dụng được phát triển bởi công ty google để dùng cho các kính thực tế ảo. Với ứng dụng của edtech này mang lại cho nền giáo dục không khoảng cách.

– Các lớp học STEM, STEAM, Lập trình, Toán tư duy hay Tiếng Anh công nghệ,… hiện đã không còn xa lạ tại những quốc gia phát triển. Tại Việt Nam, một số chương trình học nổi bật trong xu hướng này có thể kể đến như: E-Robot Coding – làm quen lập trình – phát triển tư duy sáng tạo cùng robot thông minh dành cho trẻ Mầm non và Tiểu học, Touch English! – chương trình quen với Tiếng Anh Công nghệ dành cho trẻ từ 18 tháng tuổi,… đều đã mang lại những hiệu quả khác biệt cho hệ thống giáo dục còn mang nặng tính truyền thống.

2.3. Ứng dụng công nghệ trong vận hành doanh nghiệp

  • Hệ thống quản lý học tập: Cung cấp hệ thống quản lý lớp học trên nền tảng số (digital platform), giúp giáo viên kết nối với phụ huynh và học sinh, quản lý tiến độ học tập và chia sẻ nội dung bài giảng. Vooy, VNPT School và Kids Online là một số đơn vị hoạt động trong phân khúc này.
  • Hệ thống quản lý trường học: Công cụ hỗ trợ nhà trường trong việc quản lý các công việc hành chính và hoàn thiện các chính sách, quy định chung. Việt Nam hiện đang có 2 công ty là VNPT School và SMAS hoạt động trong phân khúc này.
  • Quản lý học viên: Đây là một quy trình phức tạp bởi mỗi hồ sơ của một học viên cần trải qua nhiều bước dưới sự phụ trách của nhiều vị trí, phòng ban khác nhau: tiếp nhận thông tin, gọi điện tư vấn sơ bộ, tư vấn trực tiếp, đăng ký, làm bài kiểm tra đầu vào và xếp lớp, hoàn thành thủ tục đăng ký học, nhập học,… Doanh nghiệp đào tạo thường sử dụng phần mềm quản lý quy trình để kiểm soát các giai đoạn của học viên. Khi nhìn vào giao diện, nhân viên của các phòng ban sẽ luôn nắm bắt được mình đang và sắp có những công việc gì cần phải làm để chủ động sắp xếp thời gian. Người quản lý có được cái nhìn tổng quan về tình trạng của toàn bộ học viên, phát hiện kịp thời những điểm nóng để tìm cách giải quyết vấn đề cho từng học viên. Bên cạnh đó, giao diện của phần mềm cũng cho phép doanh nghiệp nhìn ra những “nút cổ chai” tại các vị trí, phòng ban để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ.
  • Quản lý công việc của phòng Đào tạo (và những phòng ban khác): Phòng Đào tạo hay bất kỳ phòng ban nào khác cũng có thể sử dụng phần mềm để quản lý công việc hay dự án. Các phần mềm này cho phép dễ dàng khởi tạo danh sách công việc như kế hoạch dã ngoại, chương trình văn nghệ, giải đấu thể thao, một các dễ dàng và phân bổ nhiệm vụ đến từng giáo viên với deadline cụ thể. Tính năng thông báo, nhắc việc hàng ngày của cũng giúp các giáo viên giảm thiểu tình trạng bỏ lỡ công việc. Các giáo viên bình luận, trao đổi trực tiếp hoặc chia sẻ với nhau về các bài giảng, giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, chất lượng học tập của từng lớp, từng học sinh… Từ đó, tính tương tác và cộng tác trong đội ngũ giáo viên được bổ sung, vừa nâng cao sự kết nối nội bộ, vừa nâng cao chất lượng giáo dục.
  • Xử lý yêu cầu đề xuất: Trong các doanh nghiệp giáo dục, đặc biệt là trong các trường học, số lượng yêu cầu đề xuất thường rất lớn: đề xuất giáo cụ dạy học, sửa chữa thiết bị, các đề xuất hành chính – nhân sự, hoặc các đè xuất liên quan đến học viên như đơn xin nghỉ học, bảo lưu, xin học lại,…  Một ứng dụng xử lý yêu cầu, đề xuất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc truyền đạt thông tin, xử lý triệt để các đề xuất, đặc biệt là giảm đáng kể chi phí giấy tờ và lưu trữ.

3. Cơ hội của chuyển đổi số ngành giáo dục tại Việt Nam

  • Hiện tại nhà nước Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề áp dụng công nghệ vào ngành giáo dục. 

Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến.

70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning); 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4.

  • Việt Nam là đất nước có tỉ lệ cao sở hữu và sử dụng công nghệ

Theo các thống kê gần đây của Appota công bố, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối internet.  Không những thế Việt Nam là quốc gia có chỉ số kết nối di động cao: 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và theo dự báo, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (Google APAC) và 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Điều này là điểm sáng cho việc học sinh dễ dàng tiếp cận với công nghệ của giáo dục hơn.

  • Nền kinh tế phát triển, người Việt đầu tư cho giáo dục nhiều hơn

Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam hiện đang ở mức xấp xỉ 2.800 USD, nhưng nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót sẽ ở mức 3.000 USD – chỉ kém các các quốc gia có thu nhập trung bình cao khoảng 990 USD/ người. Với mức chi tiêu trung bình cho giáo dục hiện nay là 40% tổng thu nhập, người Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục đầu tư vào các chương trình giáo dục nhiều hơn nữa trong tương lai. 

Đây chính là cơ hội mà các doanh nghiệp giáo dục cần nắm bắt để đưa ra nhiều giải pháp học tập thông minh, tiện lợi nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dùng Việt. 

4. Các khó khăn khi áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp giáo dục ở Việt Nam

4.1. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước

– Trình độ tin học của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường còn hạn chế và không đồng đều; các đồng chí cán bộ, giáo viên lớn tuổi chỉ mới tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin, tự nghiên cứu học tập sử dụng máy tính chứ chưa được đào tạo cơ bản, nên còn hạn chế về một số những kỹ năng cơ bản như kỹ năng soạn thảo; kỹ năng tổng hợp tính toán; kỹ năng khai thác nguồn tư liệu trên mạng; kỹ năng sử dụng máy móc thiết bị…

Chính vì vậy họ thường ngại tiếp xúc với các phương tiện hiện đại, ngại đổi mới trong ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và giảng dạy, điều đó làm cho công nghệ thông tin, dù đã được đưa vào quá trình quản lý, dạy học vẫn chưa phát huy hiệu quả.

– Đối với học sinh, tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động, thói quen học kiểu “ đọc- chép”, “ghi – chép” và tái hiện lại một cách máy móc, rập khuôn những gì giáo viên viết, trình bày trên bảng, chưa có thói quen chủ động trong việc tổng hợp kiến thức thông qua bài giảng, do vậy phần nào ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên.

4.2. Đối với doanh nghiệp tư nhân, trung tâm đào tạo

Về cơ bản, ranh giới của các mô hình học tập truyền thống gần như không còn ý nghĩa chi phối khi công nghệ quản lý và hỗ trợ học tập đã vượt ra khỏi khuôn khổ trường học và tạo ra những thói quen học tập mới. Tất nhiên, trong lĩnh vực giáo dục phi chính quy, các công nghệ giáo dục cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng của các cuộc đua về chi phí và trải nghiệm người dùng.

Những thách thức lớn hiện nay chủ yếu đến từ: thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo;…

Đối với doanh nghiệp đang hoạt động khi họ tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư rất lớn. Chi phí đó bao gồm chi phí cho máy móc công nghệ, thay đổi cách thức hoạt động, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo. Đó là chưa kể đến việc với chuyển đổi số thì yêu cầu về năng lực con người là rất lớn.

Nhiều công cụ để giải quyết vấn đề quản lí doanh nghiệp đã xuất hiện trên thị trường, song việc giải quyết đơn lẻ từng bài toán với nhiều công cụ khác nhau sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người quản lí. Doanh nghiệp dùng quá nhiều phần mềm, khiến dữ liệu không được đồng bộ, chi phí tăng cao và khi mỗi phòng ban dùng một phần mềm khiến truyền thông nội bộ cũng trở nên hạn chế. 

5. Lời khuyên cho doanh nghiệp giáo dục Việt khi ra những “quyết định Chuyển đổi số”

5.1. Đừng quên chuyển đổi số khối văn phòng 

Không thể phủ nhận rằng phát triển các khóa học trực tuyến, học online hay giao tiếp 1-1 là những thay đổi ấn tượng. Tuy nhiên đừng bỏ qua văn phòng hỗ trợ (bộ phận back-office) và những lợi ích của việc chuyển đổi số trong nội bộ vận hành của doanh nghiệp.

Tự động hóa các công việc hàng ngày của giảng viên và các nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp giảm tải những thừa thãi, tối ưu hóa năng suất làm việc, dành nhiều thời gian để tập trung vào phát triển những sáng tạo mà chúng ta nói ở trên.

5.2. Không phải những doanh nghiệp lớn mới có thể chuyển đổi số

Doanh nghiệp có thể bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ những bước nhỏ nhất, không nhất thiết phải đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ quy mô lớn. Có thể là việc số hóa tài liệu để hạn chế in ấn giấy tờ, số hóa quy trình giao việc, kiểm soát công việc với một giải pháp trên nền tảng đám mây… Trên cơ sở đó, tư duy về đổi mới sáng tạo trong tổ chức sẽ hình thành. Sau đó sẽ tiếp tục nghĩ đến những ứng dụng lớn hơn như ERP, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, AI, blockchain…

5.3. Đánh giá năng lực chuyển đổi số

Trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào, doanh nghiệp phải đánh giá được mức độ sẵn sàng của họ cho công cuộc chuyển đổi số. Đánh giá này nhằm mục đích giúp các nhà lãnh đạo xác định những gì cần hỗ trợ thêm, bao gồm mọi thứ từ các công cụ sẵn có, sự rõ ràng của các mô hình đến văn hóa của tổ chức. 

Kết luận: Thách thức nhưng cũng là cơ hội

Công nghệ thay đổi liên tục theo xu hướng phát triển của toàn xã hội. Thực tế này buộc các tổ chức giáo dục phải luôn cập nhật xu hướng công nghệ liên tục nếu không muốn tụt hậu trong bối cảnh thị trường cạnh tranh. Đối với các đơn vị chưa có tiềm lực và kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ, đây quả thực là một thách thức lớn. 

Tuy nhiên đây cũng chính là cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp. Bởi vì tất cả những lợi ích và hiệu quả mà ứng dụng công nghệ mang lại đều nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp và góp phần tạo nên sự phát triển bền vững cho nền giáo dục.

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Để nhận tư vấn 1-1 và tham gia demo trải nghiệm tính năng các phần mềm quản trị vận hành của Base, bạn có thể ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY

Viết một bình luận