Bức tranh Chuyển đổi số ngành bán lẻ: 4 xu hướng chính và bài học từ các doanh nghiệp

Trong câu chuyện của ngành bán lẻ, việc chuyển giao hàng hóa vật chất tới cho người tiêu dùng là bài toán cơ bản. Và cũng bởi vì tính lệ thuộc nhiều vào yếu tố vật chất này nên nhiều chủ doanh nghiệp hiểu nhầm rằng mình khó có thể áp dụng “chuyển đổi số” trong ngành. 

1. Cuộc chuyển mình của ngành bán lẻ

Tuy nhiên, theo báo cáo của OVUM, không có ngành công nghiệp nào trải qua nhiều thay đổi do hệ quả của chuyển đổi số diễn ra như thị trường bán lẻ. Càng ngày, những chuyển dịch trong thị trường này càng quyết liệt hơn và trở thành yếu tố quyết định để một cửa hàng hoặc một doanh nghiệp có tồn tại được hay không. 

Là một lĩnh vực phụ thuộc lớn vào thói quen và sức mua của người tiêu dùng đại chúng, hoạt động bán lẻ chịu những biến đổi liên tục trong thời gian gần đây do thói quen người tiêu dùng thay đổi. Khách hàng hiện đại ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Các trải nghiệm công nghệ mới khiến họ phát sinh những nhu cầu mới và đòi hỏi nhiều hơn từ đơn vị cung cấp. Không chỉ là mua một món đồ, họ còn mua cả một trải nghiệm. Câu hỏi sẽ không còn là Ai bán sản phẩm tốt hơn, mà là Ai đem lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn, và Ai sử dụng chi phí vận hành hiệu quả hơn. 

ban-le-01

Vài năm trở lại đây, thế giới đã có rất nhiều nhà bán lẻ do không kịp thích ứng với thời đại mới đã phải đóng cửa. Năm 2019, chỉ tính riêng các hãng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 9300 cửa hàng, vượt qua tổng số 5.589 cửa hàng của năm trước nữa, theo dữ liệu từ Coresight Research. Con số này được dự báo có thể lên tới 20,000-25,000 trong năm 2020. Trong khi đó, các kênh bán hàng online với trải nghiệm mua sắm xuyên suốt lại phát triển bùng nổ và trở thành những ông lớn trong ngành bán lẻ, điển hình như các tập đoàn Amazon, Alibaba,…

Trong bối cảnh đó, “Thiên nga đen” Covid-19 xảy đến càng tạo đà cho cuộc đổi ngôi từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử. Trái ngược với bức tranh ảm đạm của các trung tâm thương mại dưới sự ảnh hưởng của đại dịch, kinh doanh mua sắm trực tuyến lại có mức tăng trưởng khả quan. Theo khảo sát của Nielsen vào tháng 2/2020, các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, SpeedLotte… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4-5 lần trong cùng giai đoạn. 

Một điều không cần phải bàn cãi: Thị trường bán lẻ đang cực kỳ cạnh tranh; và bất kể quy mô của doanh nghiệp là gì, thì tốc độ chuyển đổi số cũng đều đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai.

2. Chuyển đổi số ngành bán lẻ tại Việt Nam: 4 xu hướng nổi bật

Không chỉ trực tiếp giúp doanh nghiệp nắm bắt các trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số để từ đó đem lại các trải nghiệm tốt hơn, công nghệ còn đang giúp các doanh nghiệp bán lẻ tối ưu hóa vận hành, dễ dàng quản lý hệ thống, phát triển đội ngũ nhân sự, đem lại năng suất lao động cao hơn giúp các nhà bán lẻ nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh áp dụng trong quản lý bán hàng, công nghệ còn tạo ra sự liên kết dễ dàng giữa các dịch vụ doanh nghiệp với nhau, tạo thành các nền tảng win-win cho phát triển bền vững. Cùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ chuyển phát logistics, tất cả đem lại một trải nghiệm xuyên suốt, mượt mà dành cho người mua hàng. 

Sau đây là một vài xu hướng chuyển đổi số nổi bật dành cho lĩnh vực bán lẻ.  

2.1. Chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo mô hình chuỗi cung ứng (Supply chain) sang tập trung vào khách hàng, theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu (Digital value chain)

Nikki Baird, Phó chủ tịch về Đổi mới bán lẻ (VP, retail innovation) của Aptos đã đưa đến một định nghĩa có tính cách mạng về Chuyển đổi số ngành bán lẻ trên tạp chí Forbes:

“Chuyển đổi số trong bán lẻ là chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo mô hình chuỗi cung ứng (Supply chain) sang tập trung vào khách hàng, theo mô hình chuỗi giá trị số (Digital value chain) dựa trên dữ liệu”.

(“What does digital transformation mean in retail? It’s about moving from this obsolete product-centric model to one that is customer-centric”)

Định nghĩa này đã thực sự mở rộng cách chúng ta nhìn và tư duy vào cách vận hành hoạt động bán lẻ. 

ban-le-2

Trước đây, một doanh nghiệp bán lẻ vận hành thuần túy bằng cách phân phối sản phẩm vật chất từ đơn vị sản xuất đến tay người tiêu dùng và tạo ra lợi nhuận bằng cách mua rẻ/bán đắt. Tuy nhiên, cách này vốn không thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Cùng với sự dịch chuyển của thị trường và thói quen mới của người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ chuyển sang cạnh tranh bằng cách tối ưu và mở rộng chuỗi giá trị tới khách hàng. Chiến lược này được chia thành 3 giai đoạn chính: 

  • Thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm bằng cách số hóa việc giao dịch với khách hàng (tư vấn online, bán hàng trên website, thanh toán online, lưu trữ dữ liệu khách hàng với CRM,…)
  • Tối ưu các khâu dựa trên insight từ dữ liệu: tối ưu quy trình xử lý đơn hàng, tối ưu quy trình vận chuyển giao nhận, tối ưu quy trình lưu-xuất kho,…
  • Thiết kế lại chuỗi giá trị và mô hình kinh doanh: mở rộng các dịch vụ mới nhằm gia tăng giá trị, kết hợp với các mô hình kinh doanh khác tạo thành hệ sinh thái,…

Trong một tương lai chuyển đổi số, dữ liệu chính là trung tâm cho sự phát triển. Với việc chuyển sang mô hình chuỗi giá trị số cùng trọng tâm là dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh nhau ở tốc độ và tính hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu, chuyển các dữ liệu đó thành các insight (hiểu biết hữu ích), rồi thành các hành động phù hợp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

2.2. Tăng cường trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ VR, AR

Theo một báo cáo từ Goldman Sachs, thị trường công nghệ VR (Virtual Reality – Thực tế ảo) và AR (Augmented Reality – Thực tế tăng cường) sẽ đạt 1.6 tỉ USD vào năm 2025. Hoạt động bán lẻ đứng top 5 lĩnh vực được ứng dụng VR/AR nhiều nhất trong năm 2018 theo Statista và khoản đầu tư cho công nghệ này trong bán lẻ được dự báo là sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. 

Khi trải nghiệm của khách hàng khi mua sắm càng được quan tâm, thì việc ứng dụng công nghệ VR/AR càng được các nhãn hàng chú trọng. Trong khi công nghệ AR có thể giúp khách hàng định hướng cũng như nhanh chóng truy cập nhiều thông tin về sản phẩm ngay trong gian hàng, thì công nghệ VR lại giúp khách hàng có thể có trải nghiệm “đi siêu thị” ngay khi đang ngồi trong gian phòng khách. Các công nghệ như AR/VR có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tìm kiếm, mua và bán đồ online. 

ban-le-5

Không chỉ khiến trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên thú vị hơn, các dữ liệu có được từ công nghệ này còn giúp ghi nhận thói quen mua sắm của khách hàng để tạo ra các trải nghiệm cá nhân hóa, đồng thời đem lại nhiều ý tưởng marketing mới cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị còn ứng dụng AR/VR trong đào tạo nhân viên mới, giảm thiểu số nhân viên vận hành cửa hàng. Một số lĩnh vực bán lẻ đang ứng dụng AR/VR nhiều nhất có thể kể đến là: mua sắm nội thất, thời trang, tạp phẩm, cùng các đơn vị đi đầu như IKEA, Walmart, Zara… 

2.3. Phát triển những hình thức thanh toán tiện ích, hiệu quả hơn với khách hàng

Việt Nam là một thị trường thương mại điện tử năng động, với số người sử dụng Internet và điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh qua các năm. Tuy hiện tại 80% các giao dịch thương mại điện tử vẫn theo hình thức COD (thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng), số lượng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử tăng mạnh trong thời gian gần đây cùng nhiều sự cơi nới của môi trường pháp lý báo hiệu tiềm năng của hoạt động này. 

Việc giảm thiểu thanh toán tiền mặt có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và đơn vị bán lẻ. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể kết hợp với các đơn vị thanh toán để tung ra chương trình khuyến mãi, vừa khuyến khích mua sắm, vừa có lợi cho khách hàng. 

ban-le-3

Đa số các nền tảng thương mại điện tử hiện tại như Tiki, Shopee, Lazada đều có tích hợp với dịch vụ thanh toán trực tuyến. Nếu đang chạy cửa hàng offline hay bán hàng qua website/facebook, doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng phát triển nhiều hình thức thanh toán tiện ích như: thanh toán qua thẻ quốc tế, qua ví điện tử, chuyển khoản, quét mã, sử dụng thẻ tích điểm,… 

Thanh toán cũng là một trải nghiệm trong quá trình mua sắm, đừng đánh mất khách hàng  ở những giây phút cuối khi lẽ ra bạn có thể chinh phục họ. Một trải nghiệm thanh toán mượt mà, nhanh chóng sẽ giúp doanh nghiệp chinh phục được lòng tin của khách.

2.4. Tối ưu vận hành và nâng cao năng lực cộng tác giữa các phòng ban bằng các phần mềm quản trị

Bên cạnh các hoạt động thu hút, giữ chân khách hàng nhằm gia tăng doanh thu, giá trị của hoạt động chuyển đổi số còn nằm ở việc tối ưu hóa các khâu ở giữa nhằm tiết kiệm chi phí vận hành và rút ngắn tốc độ phản ứng trước thị trường. 

Trong một thị trường nhiều biến động, nhiều khi thắng thua nằm ở việc đơn vị nào phản ứng nhanh hơn và có thể thực thi các chiến lược nhanh chóng hơn. 

Ví dụ như trong thời điểm dịch Covid-19 vừa rồi, đơn vị nào cũng có thể nhìn ra cơ hội khi đưa sản phẩm của mình lên môi trường số, cung cấp các dịch vụ giao hàng, thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, đâu mới là doanh nghiệp phản ứng nhanh nhất? Bách Hóa Xanh thuộc Tập đoàn Thế giới di động cấp tốc ra mắt dịch vụ đi chợ giùm khách ngay thời điểm TP Hồ Chí Minh bước vào chuỗi ngày cách ly xã hội. Cũng chỉ vài ngày sau khi quy định về cách ly xã hội chính thức có hiệu lực, chuỗi lẩu Kichi Kichi của Tập đoàn Golden Gate Group cũng tung ra mô hình lẩu online

Rõ ràng, những thay đổi đó chỉ có thể được thực thi kịp thời với một bộ máy tinh gọn, các quy trình cộng tác được tối ưu một cách khoa học, hạn chế tối đa ma sát giữa các bộ phận. 

ban-le-4

Để làm được điều này, việc số hóa các quy trình, công việc và thông tin trong doanh nghiệp là việc vô cùng quan trọng. Nhờ có số hóa, quản lý doanh nghiệp có thể nhanh chóng nắm bắt được các dữ liệu về vận hành, từ đó phân tích, tối ưu. Rất nhiều doanh nghiệp muốn tối ưu hoạt động vận hành nhưng không biết bắt đầu từ đâu – khi đó việc đưa hoạt động lên môi trường số để thu thập dữ liệu chính là bước đầu tiên!

3. Chuyển đổi số ngành bán lẻ và những người tiên phong

3.1. Unilever

Unilever là một công ty đa quốc gia của Anh và Hà Lan chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, hóa chất giặt tẩy, kem đánh răng, dầu gội, thực phẩm,… được định giá cao thứ 7 ở châu Âu. Unilever là một trong những công ty đa quốc gia lâu đời nhất; sản phẩm bán lẻ của nó có sẵn ở khoảng 190 quốc gia.

Được mệnh danh là “Người khổng lồ tự chuyển đổi để tăng tốc”, Unilever đã đầu tư nhiều tiền bạc và công sức cho các công nghệ số:

  • Áp dụng các quy trình tự động máy Robotic Process Automation (RPA)
  • Vận dụng big data và các giải pháp AI từ Google Vision, AI Grapeshot từ Oracle, AR camera trên điện thoại để làm chiến dịch marketing.
  • Thúc đẩy giao dịch mua hàng trực tuyến
  • Liên kết với các công ty công nghệ để cung cấp giải pháp kỹ thuật số cho các sản phẩm: trợ lý ảo thông minh, ứng dụng trên điện thoại,…
  • Tự xây dựng CSDL khách hàng riêng

3.2. IKEA

IKEA là một doanh nghiệp tư nhân lâu đời của Thụy Điển. Hiện đây là tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới; chuyên về thiết kế đồ nội thất bán lắp ráp, thiết bị và phụ kiện nhà ở, với website chứa khoảng 12000 sản phẩm đại diện cho toàn bộ các nhãn hàng. 

Không dừng lại ở những gì hiện có, IKEA nhìn thấy tiềm năng lớn của công nghệ 4.0 nên cũng tích cực hoà mình vào làn sóng chuyển đổi số cùng các doanh nghiệp trẻ. Đây là 4 hướng đi chính của IKEA: 

  • Tổng đài call center tích hợp hệ thống nhận diện khách hàng và bộ lịch sử mua hàng
  • Tích hợp trải nghiệm mua sắm truyền thống và kỹ thuật số
  • Chuyển đổi tất cả catalogue sang phiên bản online
  • Ứng dụng AR và VR giúp khách hàng thử đồ nội thất ngay tại nhà.

Giao diện catalogue online của IKEA (Nguồn: ikea.com)

3.3. Thế giới di động

Công ty Cổ phần Thế giới di động là một tập đoàn bán lẻ tại Việt Nam với lĩnh vực kinh doanh chính là bán lẻ điện thoại di động, thiết bị số và điện tử tiêu dùng. Năm 2018, cái tên này đã vinh dự lọt top 100 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài chuỗi cửa hàng điện thoại di động thegioididong.com, công ty còn sở hữu chuỗi cửa hàng điện máy Điện máy Xanh, Trần Anh, chuỗi siêu thị thực phẩm Bách hóa Xanh và 4 công ty thành viên khác. 

Để nói về một doanh nghiệp bán lẻ thành công tại Việt Nam, có lẽ Thế giới di động chính là đàn anh xứng đáng để học hỏi. Sự khác biệt của Thế giới di động, rõ ràng không phải là bán một chiếc iPhone có tính năng hay chất lượng tốt hơn đối thủ. Bí kíp thành công của Thế giới di động chính là ở việc họ thật sự đặt trọng tâm vào khách hàng và không ngừng gia tăng giá trị trong chuỗi digital value chain tới khách hàng. 

“Thế giới Di động quyết định chọn niềm vui khách hàng làm lẽ sống và chiến đấu cho lẽ sống đó, cái gì nó đến nó đến”. – Chủ Tịch TGDĐ Nguyễn Đức Tài

Khi đặt lợi ích khách hàng vào tâm trí, Thế giới di động cũng tiến hành thiết kế quản trị dựa trên hành trình khách hàng, và Thế giới di động đã thực hiện hàng loạt đổi mới như: 

  • Kết hợp và phát huy tối đa mọi ưu điểm của bán hàng đa kênh
  • Phát triển nền tảng số phục vụ báo cáo kết quả và đánh giá hiệu quả công việc
  • Sử dụng ERP liên thông với các bộ phận website, App, CRM, quản lý giao nhận, hệ thống hóa đơn, báo cáo tài chính,…
  • Triển khai mô hình O2O liên kết vận hành
  • Tiên phong dùng hóa đơn điện tử thay cho hoá đơn giấy

3.4. TSN Company

TSN Company là công ty đứng đằng sau hàng loạt các chuỗi cửa hàng nhượng quyền thời trang thể thao nổi tiếng tại khu vực miền Trung Việt Nam, điển hình như thương hiệu nổi tiếng Adidas. Bên cạnh việc hợp tác với các “ông lớn” trên thế giới, TSN Company còn sở hữu một thương hiệu bán lẻ riêng mang tên SportsPro. Hiện doanh nghiệp đang sở hữu 15 chi nhánh trên 11 tỉnh, với 103 nhân sự, bao gồm khối văn phòng và khối bán lẻ.

Với mục tiêu tăng trưởng vượt trội trong 5 năm tới, TSN Company nhận ra rằng điều bức thiết trước mắt là đi tìm lời giải cho các bài toán đang còn tồn đọng trong doanh nghiệp.

“Càng muốn tăng trưởng nhanh thì khối lượng công việc càng lớn. Cả số lượng nhân sự, hiệu quả làm việc, chất lượng quản lý cũng phải tăng theo. Tôi nghĩ rằng sự tăng trưởng của doanh nghiệp luôn cần đến sự hỗ trợ của công nghệ.” – Trích lời của Anh Trần Nhật Duy, Giám đốc điều hành TSN Company.

“Định hướng ngay từ đầu TSN sẽ áp dụng ERP vào toàn diện mọi hoạt động của công ty. Bước đầu tiên đã triển khai một phần mềm để tập trung hóa dữ liệu, tạo sự kết nối giữa các đơn vị bán lẻ tại cửa hàng và bộ phận Kế toán. Sau đó quy mô nhân sự back office mở rộng ra, thêm các phòng ban mới. Câu chuyện tiếp theo mà tôi phải cân nhắc là việc giao tiếp giữa các phòng ban, giữa nhân sự các cấp với nhau. Thông tin cần được truyền tải nhanh, thông suốt hơn và được ghi nhận.”

Trước đây phần mềm chỉ được thử nghiệm cho bộ phận back office với gói tính năng miễn phí. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp quyết định áp dụng rộng rãi cho toàn nhân sự, bao gồm cả các cửa hàng trưởng thì cần nâng cấp gói dịch vụ với mức chi phí không còn phù hợp nữa. TSN Company đối mặt với bài toán đầu tiên: tìm một ứng dụng quản lý công việc đáp ứng đầy đủ tính năng cần thiết và nằm trong mức ngân sách phù hợp.

ban-le-8

TSN đã lựa chọn sử dụng bộ giải pháp phần mềm quản lý văn phòng điện tử Base E-Office để số hoá hầu hết hoạt động vận hành trong doanh nghiệp: 

  • Tự động hoá quy trình làm việc
  • Giao, nhận và quản lý tiến độ công việc
  • Xử lý nhanh các yêu cầu, đề xuất nội bộ
  • Kiểm tra trực tuyến kiến thức chuyên môn của nhân viên

4. Lộ trình chuyển số nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Với tất cả những công nghệ trên, Chuyển đổi số có vẻ là một hành trình tốn kém và phức tạp, nhất là đối với các doanh nghiệp truyền thống đã vận hành theo một phương cách trong suốt 5-10 năm. Không phủ nhận rằng để Chuyển đổi, doanh nghiệp cần có sự đầu tư nhất định. Tuy nhiên, sự đầu tư đó là hướng tới một khoản thu lời cao hơn gấp 5-10 lần trong tương lai. Và nếu bạn còn băn khoăn về độ phức tạp, thì hãy tiến hành từng bước một. 

ban-le-5

 

Trước khi đặt ra tham vọng “chuyển đổi”, bước đầu tiên mà bất kỳ doanh nghiệp nào có thể làm là đưa các thông tin, quy trình, công việc, dữ liệu của mình lên môi trường số. Tuy rằng ngày nay đã có rất nhiều các phần mềm chuyên dụng giúp việc lưu trữ dữ liệu này trở nên tự động và dễ dàng, việc này vẫn đòi hỏi sự chủ động lớn trong việc thay đổi thói quen của toàn bộ doanh nghiệp. Liệu có nghĩa lý gì khi doanh nghiệp mua một phần mềm CRM để quản lý hoạt động bán và chăm sóc khách hàng, khi mà nhân viên không cập nhật lên phần mềm thông tin mình đã gọi cho khách như thế nào, khách có phản hồi như thế nào? 

Với việc đưa tất cả dữ liệu lên môi trường số, sẽ rất dễ dàng và nhanh chóng để có thể phát hiện các điểm cần tối ưu. Đa số các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay dưới hình thức SaaS (Software as a Service) đều cung cấp tính năng báo cáo theo thời gian thực, để nhà quản lý nắm bắt được tình hình của doanh nghiệp ở bất kỳ thời điểm nào. Ví dụ, nhìn vào báo cáo của phần mềm quản lí công việc, nhà quản lý có thể ngay lập tức biết được nhân viên nào đang làm việc hiệu quả, nhân viên nào thường xuyên trễ deadline, từ đó nhanh chóng có các quyết định điều chỉnh. 

Sau quá trình tối ưu dựa trên dữ liệu được số hóa, doanh nghiệp mới nên kỳ vọng bước thứ 3 là Chuyển đổi sang một mô hình kinh doanh mới, một cách thức vận hành mới. Ví dụ, nếu doanh nghiệp phát hiện cần tối ưu trong tốc độ giao hàng tới khách (dựa trên các dữ liệu được phần mềm cung cấp hoặc tính toán được), khi đó mới đưa ra quyết định đầu tư vào phát triển dịch vụ logistics riêng, hoặc hợp tác với đơn vị logistics thứ 3. Hay khi đánh giá được số lượng khách hàng mua online nhiều hơn số khách mua tại cửa hàng, doanh nghiệp mới đi đến quyết định chuyển đổi toàn bộ mô hình lên online và tối ưu các trải nghiệm mua sắm online của khách với công nghệ VR, công nghệ thanh toán điện tử.   

Như vậy, điều đầu tiên và cơ bản nhất trong hành trình chuyển đổi số chính nằm ở tư duy “lưu vết” mọi thứ hoạt động trong doanh nghiệp.  

5. Bài học nào cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam?

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt các doanh nghiệp vào một cuộc đua sinh tử. Cuộc đua này khốc liệt đến mức, theo kết quả một cuộc khảo sát, vòng đời của một công ty được sử dụng để tính toán ra Chỉ số S&P 500 đã rút ngắn từ hơn 50 năm trong thế kỷ trước xuống còn 15 năm ở thời điểm hiện tại. Và sẽ có 4/10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay sẽ biến mất trong vòng 10 năm tới – để nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để bứt phá.

Chuyển đổi số hiện tại đã không còn là vấn đề “Có” hay “Không” mà là “Như thế nào?”. Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam khẳng định: “Công nghệ và sáng tạo là hai yếu tố tiên quyết để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam”. 

ban-le-6

Trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, như đã nói, doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận. Thời đại chiến lược sản phẩm khác biệt đang dần đi qua. Sự cải tiến và khác biệt về năng lực công nghệ giữa các doanh nghiệp ngày càng mờ nhạt. Duy trì sự vượt trội của sản phẩm trong dài hạn ngày càng khó khăn. Doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh bền vững nếu chỉ bám vào các chương trình khuyến mãi, phá giá,… Thay vào đó, cuộc đua sẽ nằm ở việc tối ưu chi phí vận hành cũng như tối ưu chuỗi giá trị, không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng. Dữ liệu trở thành yếu tố nền tảng.  

Với phần lớn còn có quy mô vừa và nhỏ, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chắc chắn sẽ còn phải đổi đầu với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số như: thiếu hụt nguồn lực, rào cản văn hóa, ít đơn vị cung cấp,… Trước những thách thức như vậy, càng cần thiết phải có tầm nhìn, sự quyết liệt từ phía lãnh đạo, cùng với đơn vị đối tác công nghệ chiến lược, đáng tin cậy, đồng hành cùng doanh nghiệp trên cả hành trình từ số hóa đến chuyển đổi. 

Chúng tôi rất mong chờ những câu chuyện thành công từ bạn!

Base.vn – Nền Tảng Quản Trị Doanh Nghiệp Toàn Diện, tự hào đồng hành cùng +8000 khách hàng doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như: VIB, ACB, MB, Sacombank, VPBank, Vissan, Golden Gate, Pizza Hut, Twitter Beans Coffee, Decathlon, Bamboo Airways, Ninja Van Việt Nam, Rạng Đông, Á Đông ADG, Nagakawa Group, CenLand, Địa Ốc Him Lam, Ecopark, Amber Academy, Goldsun Media Group, Urbox, Medipharco, Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Gia An 115, Thái Hà Books…

Để nhận tư vấn 1-1 và tham gia demo trải nghiệm tính năng các phần mềm quản trị vận hành của Base, bạn có thể ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY

Viết một bình luận